SCIC đề nghị sửa quy chế
“SCIC đã triển khai thành công bước đầu mô hình vừa đại diện chủ sở hữu, vừa thực hiện đầu tư, kinh doanh vốn nhà nước, bảo toàn và phát triển vốn nhà nước, tiên phong áp dụng cơ chế đặc thù và mang tính đột phá trong thoái vốn nhà nước tại DN…”, ông Nguyễn Trọng Dũng (Phó Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN – Văn phòng Chính phủ) đánh giá vai trò của SCIC trong hoạt động 10 năm qua.
Tiếp nhận 1.004 DN, SCIC đã bán vốn thành công ở 986 DN, thu về gần 37.000 tỷ đồng, gấp 4,4 lần giá vốn. Đáng kể đến những thương vụ thành công nổi bật như: Bán 8,73% vốn điều lệ tại CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk), thu về 20.276 tỷ đồng với giá bán cao hơn 10% thị giá tại thời điểm bán vốn; đã thoái vốn tại CTCP Nhựa Bình Minh với mức giá 90.000/CP… Như vậy, SCIC đã tối đa hóa lợi ích thu về cho nhà nước, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao.
Để có căn cứ thực hiện các công việc liên quan đến hoạt động thoái vốn nhà nước tại DN, SCIC đã xây dựng và ban hành Quy chế bán cổ phần tại DN. Quy chế đã giúp SCIC xây dựng được quy trình bán vốn chặt chẽ, công khai, minh bạch, tuân thủ chặt chẽ theo quy định pháp luật. Đặc biệt, nhiều năm nay, SCIC luôn được chọn làm tiên phong trong việc áp dụng các phương thức bán mới để bán vốn nhà nước tại DN.
Song, dù đạt được kết quả tốt ở những thương vụ đã bán được, SCIC cũng còn đang mắc khá nhiều. Nguyên nhân do những quy định pháp luật điều chỉnh hoạt động thoái vốn của SCIC đã bộc lộ nhiều hạn chế, quy định chồng chéo tại nhiều văn bản pháp luật, song chủ yếu chỉ là quy định khung, mang tính nguyên tắc, thiếu cụ thể; hơn nữa quy định hiện hành về bán vốn khác với thông lệ quốc tế khiến khó có thể thu hút được nhà đầu tư tầm cỡ thế giới.
Trong khi đó, đến nay đã có nhiều văn bản mới được ban hành, Nghị định số 147/2017/NĐ-CP và Nghị định 148/2017/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ của SCIC, Nghị định 32/2018/NĐ-CP về đầu tư, sử dụng và quản lý vốn tại DN. Theo các văn bản này, việc bán vốn đang gặp nhiều vướng mắc.
Những bất cập trên đã lý giải được câu hỏi vì sao nhà đầu tư nước ngoài không mặn mà mua cổ phần nhà nước. “SCIC đang mong sớm ban hành Quy chế bán cổ phần tại DN, tạo khuôn khổ rõ ràng cho hoạt động thoái vốn tại DN của SCIC trong thời gian tới, đặc biệt là hoạt động thoát vốn tại nhóm các DN lớn”, ông Nguyễn Chí Thành – Phó tổng giám đốc phụ trách SCIC nói.
Bán vốn cũng cần có nghệ thuật
Câu chuyện của SCIC đang cho thấy những vướng mắc của vấn đề thoái vốn nhà nước tại DN mà nhiều DN đang gặp phải. Nhiều quy định mới liên quan xác định giá khởi điểm đến định giá thương hiệu, quyền sử dụng đất giao, đất thuê, quyền sở hữu trí tuệ, giá trị văn hóa, lịch sử… chưa được cụ thể hóa, chưa có hướng dẫn để thực hiện. Bên cạnh đó là các vướng mắc trong việc lựa chọn phương pháp xác định giá khởi điểm, việc thuê tư vấn định giá và tổ chức bán đấu giá… vừa phức tạp hơn, vừa làm tăng chi phí bán vốn.
Việc xử lý công nợ trong quá trình bán vốn cũng là một điểm khó khăn cần được gỡ vướng để tránh thất thoát vốn nhà nước. Theo quy định hiện hành, SCIC phải xử lý công nợ của DN trước khi bán vốn. Trong khi hầu hết DN đã có công nợ là DN thua lỗ không trả được nợ, nên nếu chờ xử lý xong công nợ mới được bán vốn thì rất khó thực hiện và DN đã thua lỗ nợ nần ví như sản phẩm có lỗi thì càng để lâu càng mất giá.
Đặc biệt, một mục tiêu quan trọng của việc thoái vốn nhà nước là nhằm tìm được nhà đầu tư chiến lược để không chỉ hỗ trợ vốn, mà còn hỗ trợ DN nâng cao năng lực quản trị điều hành. Nhưng cách bán vốn cho nhà đầu tư chiến lược hiện nay đang ngược với cách làm phổ biến của thế giới.
Theo quy định hiện nay, cổ phần nhà nước phải được chào bán công khai qua đấu giá, nhà đầu tư chiến lược cũng phải đấu giá cùng các nhà đầu tư nhỏ lẻ khác. Trong khi “trên thế giới thường là bán cho nhà đầu tư chiến lược trước để họ biến công ty yếu kém thành công ty tốt hơn, sau đó mới đem bán ra công chúng, khi đó giá CP sẽ cao lên, số tiền nhà nước tiếp tục thu về cao hơn, đó là cách tính vốn vì kinh tế”, ông Ketut Ariadi Kusuma, chuyên gia cao cấp của WB cho biết.
Ngoài ra, theo ông Lê Song Lai – Phó tổng giám đốc SCIC, hiện quy trình gồm 3 bước (đấu giá, chào giá cạnh tranh, thỏa thuận) đang khiến cho quy trình bán cổ phần nhà nước sẽ bị kéo dài vì phải thực hiện thêm một bước chào bán cạnh tranh trước khi được bán thỏa thuận, trong khi bản chất chào bán cạnh tranh cũng gần giống như đấu giá.
Theo TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, muốn cải thiện tình hình cổ đông chiến lược cho DNNN cần phải thay đổi trước hết là tư duy, cách nhìn. Đơn cử như vấn đề định giá DN.
“Dĩ nhiên tài sản là giá trị và có thể rất lớn, nhưng với nhà đầu tư thì không lớn vì chỉ một nửa số tài sản đó có khả năng sinh lời, phần còn lại sẽ hao mòn dần đi. Phải nhìn dưới góc độ của nhà đầu tư chứ không phải của người giữ của. Ở góc độ thị trường, nhà đầu tư mua cổ phần là mua khả năng sinh lời trong tương lai chứ không phải mua tài sản”, ông Cung nói và cho rằng, khó tìm nhà đầu tư chiến lược chính là nguyên nhân quan trọng khiến cổ phần hóa DN nhà nước chậm tiến độ.