ĐTCK ghi nhận ý kiến của một số quỹ đầu tư.
Ông Phạm Khánh Lynh, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ đầu tư Việt Nam (VFM)
Trong đợt tăng điểm vừa qua của thị trường, VMF giải ngân ít, mang tính chất thăm dò. Những biến động khó lường của thị trường khiến chúng tôi dè dặt hơn nhằm tránh sai sót, mất mát cho NĐT.
Ngoài yếu tố thị trường, bản thân VFM cũng có những chiến lược đầu tư riêng. Chúng tôi gia tăng giải ngân vào những khoản đã đầu tư là các DN gắn bó, đồng hành và có những hiểu biết nhất định. Đa số công ty quản lý quỹ đều lựa chọn cách đầu tư vào các DN mang tính dài hạn. Thị trường giao dịch dưới giá trị sổ sách trong thời gian dài vừa qua là cơ hội để các quỹ lựa chọn đầu tư có chiều sâu vào DN, thay vì đầu tư dàn trải, lướt sóng chứa nhiều rủi ro.
Ông Ngô Văn Minh, Giám đốc Nghiên cứu và Phân tích kinh tế, CTCP Quản lý quỹ đầu tư Sài Gòn – Hà Nội (SHF)
Thị trường tăng điểm do có một số yếu tố vĩ mô được cải thiện: lãi suất huy động có dấu hiệu giảm, lạm phát được kiềm chế, Chính phủ thực hiện kích cầu thông qua chính sách tài khoá và tiền tệ… Thanh khoản cũng được cải thiện, nhiều phiên đạt giá trị giao dịch 1.000 tỷ đồng/phiên. Tuy nhiên, giá tăng tập trung vào các cổ phiếu có tính đầu cơ cao, vốn phản ứng nhanh nhạy với thông tin về chính sách. Theo đó, dòng tiền gia nhập thị trường cũng đến chủ yếu từ NĐT cá nhân, các tổ chức không tham gia nhiều. Bản thân SHF cũng có giải ngân, nhưng rất ít, mang tính chất thăm dò.
Việc các quỹ đầu tư tham gia dè dặt xuất phát từ việc gọi vốn khó khăn trong hai năm qua. Việc đầu tư bằng vốn tự có của các quỹ khiến lượng tiền không dồi dào. Mặt khác, mặc dù kinh tế vĩ mô của Việt Nam có cải thiện, nhưng các chính sách chủ yếu giải quyết khó khăn cho DN, chứ không phải thúc đẩy tăng trưởng. Trong khi đó, tình hình thế giới khó dự đoán, tiềm ẩn nhiều bất ổn do nợ công châu Âu, bất định của nền kinh tế Mỹ. Việt Nam khó có thể đi ngược xu hướng kinh tế thế giới trong bối cảnh hội nhập như hiện nay.
Đại diện một quỹ đầu tư của Nhật Bản
Đợt tăng điểm vừa qua của TTCK chủ yếu do NĐT cá nhân tham gia tích cực, trong khi các quỹ đầu tư lại thận trọng hơn. 9 tháng đầu năm 2011 hết sức khó khăn là cuộc thử lửa, khiến những DN yếu kém sẽ không tồn tại và DN trụ được sẽ có cơ hội phát triển. Vì thế, đợt tăng điểm vừa qua là cơ hội để chúng tôi cơ cấu lại danh mục đầu tư (thanh lý cổ phiếu của các DN yếu kém) và không thực hiện giải ngân mới.
Nhiều NĐT tổ chức cũng thực hiện thoát hàng trong giai đoạn vừa rồi. Không phải ngẫu nhiên mà vừa qua nhiều tổ chức tài chính nước ngoài đưa ra báo cáo không mấy lạc quan về kinh tế Việt Nam. Sau 9 tháng thắt chặt tiền tệ theo đuổi mục tiêu kiềm chế lạm phát, các DN lâm vào tình trạng đình đốn. 150.000 tấn hàng tồn kho cao hơn so cùng kỳ năm 2008 và 2009 cho thấy, những tháng cuối năm mới là giai đoạn khó khăn nhất của các DN.
Dưới góc độ của các quỹ đầu tư, trong 5 năm qua, 3 năm đầu huy động vốn khá thuận lợi, nhưng 2 năm trở lại đây khó khăn hơn rất nhiều. Điều này do tình hình thế giới phức tạp, khẩu vị đầu tư không giống như Việt Nam (chứng khoán là thứ yếu so với nhiều kênh đầu tư khác, trong khi ở Việt Nam, chứng khoán vẫn là kênh được ưu tiên hàng đầu).
Thị trường chỉ thực sự ổn định khi các yếu tố vĩ mô ổn định và thu hút được dòng tiền mới, nhất là từ các NĐT nước ngoài.
Ông Nhậm Hà Hải, Giám đốc Phân tích Đầu tư, Công ty Quản lý quỹ FPT Capital
FPT Capital thời điểm này vẫn còn tiền mặt để đầu tư. Chúng tôi chú trọng đến các DN chưa đại chúng và hầu như không còn nắm cổ phiếu trên sàn. Áp lực thoái vốn của quỹ trong thời điểm này không lớn, trong danh mục đầu tư của quỹ có các doanh nghiệp hoạt động tốt, trong thời điểm này vẫn có nhà đầu tư đặt vấn đề và hỏi mua.
Do đây là các khoản đầu tư doanh nghiệp chưa đại chúng, nên việc mua bán các khoản đầu tư này không có tác động đến thị trường thứ cấp.
Quan điểm của FPT Capital là đầu tư thận trọng. Năm 2010, Công ty lãi 40 tỷ đồng, chia cổ tức cho cổ đông 17%. Năm 2011, chúng tôi cố gắng để có kết quả kinh doanh tạm hài lòng cổ đông.