Thị trường khó khăn khiến giá trị tài sản ròng (NAV) của hầu hết các quỹ đầu tư chứng khoán đều giảm mạnh trong năm qua. Theo báo cáo của Tập đoàn Đầu tư và Tư vấn Tài chính LCF Rothschild (Anh), tính đến cuối tháng 7.2011, mức giảm NAV ở một số quỹ đã ngấp nghé 50%. Chẳng hạn, trong 7 tháng đầu năm, NAV của Quỹ Đầu tư Tăng trưởng Manulife (MAFPF1) và Quỹ Đầu tư Cân bằng Prudential (PRUBF1) trung bình giảm 43%. Hai quỹ của VFM là Quỹ Đầu tư Chứng khoán Việt Nam (VFMVF1) và Quỹ Đầu tư Doanh nghiệp Hàng đầu Việt Nam (VFMVF4) giảm trung bình 47,7%.
Gia tăng áp lực thoái vốn
Dễ thấy rằng áp lực thoái vốn lớn nhất sẽ rơi vào những quỹ nắm cổ phiếu niêm yết nhiều nhất. Thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh khiến NAV của những quỹ này bốc hơi nhanh hơn.
Ông Louis Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Quỹ SAM, cho biết áp lực thoái vốn ở SAM cũng khá cao. Một nguyên nhân là cơ cấu cổ đông của SAM phần lớn là nhà đầu tư châu Âu với mục tiêu ngắn hạn. Do đó, việc thị trường Việt Nam diễn biến ảm đạm khiến họ nóng lòng muốn rút tiền về. Ngoài ra, nhu cầu dùng tiền mặt để bù đắp các khoản đầu tư hiện tại cũng rất lớn khi khủng hoảng kinh tế ở nước họ vẫn chưa có dấu hiệu chuyển biến tích cực.
Tình trạng này cũng diễn ra ở nhiều quỹ đầu tư khác tại Việt Nam. Áp lực thể hiện khá rõ ở Dragon Capital khi các cổ đông ép những nhà quản lý quỹ này phải thoái vốn 10%/năm. Điều này phần nào lý giải vì sao mới đây Dragon Capital bán thỏa thuận hơn 61 triệu cổ phiếu STB của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) cho ngân hàng này sau 10 năm nắm giữ.
STB là một cổ phiếu có các chỉ số cơ bản tốt trong khi có nhiều nhà đầu tư lớn lùng mua (điều này có thể thấy rõ qua việc khi Dragon Capital đăng ký bán cổ phiếu STB, đã có nhiều nhà đầu tư đăng ký mua vào). Nghĩa là việc thoái vốn ở mã này không quá khó khăn. Tuy nhiên, với nhiều mã chứng khoán khác trong danh mục đầu tư của các quỹ, chưa chắc mục tiêu thoái vốn nhanh đã đạt được trong điều kiện thanh khoản thị trường kém như hiện nay.
Trong khi đó, từ nay đến năm 2012 được đánh giá không phải là thời điểm thuận lợi để thoái vốn. Theo lý giải của ông Andy Ho, Giám đốc Điều hành VinaCapital, giá trị của cổ phiếu chưa niêm yết và các khoản đầu tư vốn cổ phần tư nhân trong danh mục đầu tư của các quỹ cũng có khuynh hướng đi cùng chiều với sự suy giảm của thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, nếu bắt buộc phải thoái vốn khi đến hạn thanh lý, các quỹ đầu tư sẽ phải chấp nhận bán lỗ để thu tiền về cho cổ đông.
Làn sóng đầu tư mới sẽ xuất hiện?
Trong khi chờ đến ngày đáo hạn, các quỹ đầu tư đang tận dụng cơ hội mua vào cổ phiếu tốt với giá rẻ. “Mặc dù sự thiếu ổn định của nền kinh tế vẫn là một thách thức nhưng lại đem đến cho chúng tôi nhiều cơ hội đầu tư với các điều khoản rất hấp dẫn”, ông Andy Ho nói.
Tại SAM, ngoài việc tranh thủ tái cơ cấu danh mục, Công ty còn có kế hoạch lập thêm 2 quỹ mới. Ông Louis Nguyễn hy vọng, các vấn đề của kinh tế vĩ mô sẽ sớm được cải thiện để SAM có cơ hội đầu tư vào Việt Nam lâu dài hơn.
Mặc dù hy vọng vào sự hồi phục của thị trường trong tương lai, nhưng các quỹ đầu tư vẫn e ngại rằng chưa chắc sẽ xuất hiện làn sóng đầu tư mới sau làn sóng thoái vốn bắt đầu từ năm 2012. “Có khi sẽ không có làn sóng nào!”, Ông Dominic Scriven, Tổng Giám đốc Dragon Capital, nói.
Những năm gần đây, dòng vốn đầu tư đã chuyển hướng mạnh mẽ từ châu Âu, châu Mỹ sang châu Á, nơi có những thị trường mới nổi đầy tiềm năng. Tại Việt Nam, tiếp theo làn sóng đầu tư của các tập đoàn tài chính Hàn Quốc như Korea Investment & Securities (KIS) hay Woori, một số quỹ đầu tư của Nhật cũng ngấp nghé muốn vào Việt Nam. Mới đây, Công ty Quản lý Quỹ Đầu tư United Investment, thuộc Tập đoàn Japan Asia Group (Nhật) cũng cho biết, dòng tiền từ Nhật đang chờ đợi vào Việt Nam khi có cơ hội.
Tại Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC), nhiều tài khoản của các quỹ đầu tư châu Âu và Mỹ cũng được mở gần đây, đa số là quỹ cá nhân (có dưới 100 cổ đông). Tuy nhiên, động thái của họ cũng giống như các quỹ châu Á hiện nay là “đang chờ cơ hội đầu tư”.
Vì thế, nếu điều kiện thị trường vẫn bất ổn và khó đoán trong thời gian tới, theo ông Trịnh Hoài Giang, Phó Tổng Giám đốc HSC, rất có thể họ sẽ quyết định tiếp tục chờ đợi. Nói cách khác, khi các điều kiện kinh tế vĩ mô vẫn chưa được cải thiện thì sẽ không có dòng vốn mới nào đủ lớn để giúp thị trường chứng khoán trở mình.