20 mặt hàng xuất khẩu vượt 1 tỷ USD
Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 113,93 tỷ USD, tăng 16% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 33,1 tỷ USD, tăng 19,9% và khu vực FDI (kể cả dầu thô) đạt 80,9 tỷ USD, tăng 14,5% so với cùng kỳ.
Tính đến hết tháng 6/2018, đã có 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó, nhóm hàng công nghiệp chế biến vẫn chiếm đa số với những mặt hàng chính là điện thoại các loại và linh kiện; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; hàng dệt may; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; giày dép các loại…
Trong khi đó, nhóm nông sản, thủy sản đóng góp 5 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu vượt 1 tỷ USD. Sau 6 tháng, nhóm nông sản, thủy sản đã đem về khoảng 13,45 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2017.
Nhiều mặt hàng trong nhóm này có mức tăng trưởng tốt như rau quả ước tăng 20,9%, đạt kim ngạch 2,01 tỷ USD, thủy sản ước tăng 11%, đạt kim ngạch 3,96 tỷ USD. Ngoài ra, hạt điều hạt điều ước tăng 17,6% về kim ngạch, đạt trị giá 1,41 tỷ USD, gạo ước tăng 44,3% về kim ngạch đạt trị giá 1,84 tỷ USD.
Nói về mặt hàng gạo, theo chuyên gia nông nghiệp Võ Tòng Xuân, ngành lúa gạo Việt Nam đang có những bước chuyển biến tích cực. Cơ cấu gạo đã chuyển dịch theo hướng tăng phân khúc gạo chất lượng cao, giảm phân khúc gạo chất lượng trung bình và thấp. Nhờ vậy, từ cuối năm 2017 đến nay, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam liên tục tăng trưởng.
Hiện, mức giá đã hơn các đối thủ cạnh tranh như Thái Lan, Pakistan, Ấn Độ từ 50 – 100 USD/tấn. Đây chính là lý do khiến ngành lúa gạo có sự tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu ấn tượng trong những tháng đầu năm.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2018 ước đạt 111,22 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, kim ngạch nhập khẩu của khu vực 100% vốn trong nước ước đạt 46 tỷ USD, tăng 12,9%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài ước đạt 65,21 tỷ USD, tăng 8,1%.
Trong đó, châu Á chiếm hơn 80% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam với các thị trường nhập khẩu chủ yếu là Trung Quốc (chiếm 28% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước, tăng 15,6%), Hàn Quốc (chiếm 20,2%, giảm 0,8%), ASEAN (chiếm 13,7%, tăng 11,8%), Nhật Bản (chiếm 8%, tăng 12,2%)…
Như vậy, trong nửa đầu năm 2018, cả nước xuất siêu khoảng 2,7 tỷ USD, chiếm gần 2,4% kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, khu vực FDI kể cả dầu thô xuất siêu 15,7 tỷ USD, ngược lại khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước nhập siêu ước đạt 12,9 tỷ USD.
– Một số thị trường nhập khẩu lớn của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm:
Hướng đến con số 240 tỷ USD trong năm nay
Nhìn lại 6 tháng đầu năm 2018 có thể thấy, xuất khẩu tăng cao ở quý 1 (tăng 24%) nhưng có xu hướng giảm trong quý 2 khi chỉ tăng 10%. Tuy nhiên, nếu xét về giá trị tuyệt đối, bình quân quý 2/2018 xuất khẩu đạt khoảng 19,5 tỷ USD/tháng, cao hơn bình quân quý 1/2018 (18,5 tỷ USD/tháng).
Làm rõ hơn các con số này, theo Vụ kế hoạch (Bộ Công Thương), việc tăng trưởng quý 2/2018 thấp hơn so với quý 1/2018 là do năm 2017, xuất khẩu quý 1 ở mức thấp, đạt bình quân 14,9 tỷ USD/tháng và chỉ bắt đầu tăng trưởng từ quý 2 với mức bình quân 17,7 tỷ USD/tháng.
Ngoài ra, mức tăng trưởng của xuất khẩu điện thoại đã tác động khá lớn đến sự thay đổi mức tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu giữa quý 1 và quý 2. Cụ thể, xuất khẩu điện thoại các loại và linh kiện trong quý 1/2018 đạt 12,6 tỷ USD, tăng 62% trong khi quý 2/2018 chỉ đạt 9,9 tỷ USD, giảm 15,5%.
Điểm nổi bật trong bức tranh xuất khẩu 6 tháng đầu năm chính là mức tăng trưởng của xuất khẩu khối doanh nghiệp 100% vốn trong nước. Theo ghi nhận, khối doanh nghiệp này xuất khẩu ước đạt khoảng 33,1 tỷ USD, tăng 19,9% và cao hơn mức tăng trưởng xuất khẩu chung.
Nếu nhìn vào số liệu xuất khẩu những năm gần đây cho thấy nhiều kết quả tích cực trong mức tăng trưởng của khối doanh nghiệp này. Theo đó, năm 2015 xuất khẩu giảm 2,6%. Năm 2016 xuất khẩu chỉ tăng 5,5% và năm 2017 xuất khẩu tăng 17,7%.
Ông Lê Quốc Phương, Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) đánh giá, thoát khỏi đà tăng trưởng âm của hai năm về trước, sáu tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu của khu vực doanh nghiệp 100% vốn trong nước đã vượt qua mức tăng của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (14,5%).
Theo ông Lê Quốc Phương, đây cũng là yếu tố quan trọng góp phần tăng trưởng kinh tế bền vững.
Với những kết quả trên, dự báo năm 2018, kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước có thể đạt 475 – 477 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm 2017. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nhiều khả năng sẽ đạt con số khoảng 240 tỷ USD, tăng 13% so với năm 2017.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng, mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% trong năm nay là hoàn toàn có thể đạt được. Cơ sở cho nhận định này là tốc độ tăng trưởng sản xuất trong nước rất khả quan.
Bên cạnh đó, nhiều đơn hàng được các doanh nghiệp ký kết với đối tác xuất khẩu từ đầu năm sẽ tiếp tục được thực hiện trong thời gian tới và dư địa thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục tăng nhờ thực hiện các FTA.
Ghi nhận từ Bộ Công Thương cũng cho thấy, trong thời gian gần đây, các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt các ưu đãi về thuế quan trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết để mở rộng các thị trường xuất khẩu mới.
Ước tính trong 6 tháng đầu năm 2018, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Mỹ tăng 9,2%, EU tăng 12,3%, Trung Quốc tăng 28%, Hàn Quốc tăng 31,8%, ASEAN tăng 17,4%,…
Đặc biệt, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang một số thị trường tiềm năng cũng ghi nhận đóng góp đáng kể vào tốc độ tăng trưởng xuất khẩu chung như: Ấn Độ tăng 96,6%, Iraq tăng 27,9%, Ukraine tăng 21,1% và Australia tăng 22,4%, Nga tăng 25,4%…
Để đạt được mục tiêu kim ngạch xuất khẩu trong năm nay, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, thời gian tới, ngành Công Thương sẽ tiếp tục triển khai mạnh mẽ việc tuyên truyền, thông tin, nâng cao nhận thức của cộng động doanh nghiệp về các FTA để tận dụng những lợi thế, đồng thời duy trì và nâng cao chất lượng tham vấn doanh nghiệp trong quá trình đàm phán ký kết, sửa đổi, nâng cấp các FTA.
Đồng thời rà soát, đánh giá tác động của việc ký kết, thực thi các hiệp định thương mại tự do (FTA) đối với từng ngành để có thể điều chỉnh chiến lược phát triển ngành cho phù hợp hơn với thực tiễn./.