Theo văn bản số 1182/TTg-ĐMDN phê duyệt danh mục doanh nghiệp thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn giai đoạn 2017-2020, PVN sẽ giảm tỷ lệ nắm giữ tại Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP (HOSE: GAS) từ 95.76% xuống 65% vốn điều lệ trong giai đoạn 2018-2019.
“Gà đẻ trứng vàng”
GAS là doanh nghiệp đầu ngành, quy mô lớn thuộc tốp đầu thị trường niêm yết hiện nay cùng hoạt động kinh doanh tốt. Trong giai đoạn giá dầu đi xuống giai đoạn 2015-2017, dù lợi nhuận sụt giảm nhưng GAS luôn duy trì mức cổ tức tiền mặt khoảng 40% vốn điều lệ, tương đương số tiền chi ra trên 7.500 tỷ đồng.
Mặt khác, tỷ lệ thoái vốn Nhà nước trong đợt này là 30% vốn điều lệ GAS, ứng 587 triệu cp. Xét tại mức giá 100.000 đồng/cp hiện nay, giá trị thương vụ có thể đạt gần 58.700 tỷ đồng. Tuy sau thoái vốn PVN vẫn sở hữu GAS ở tỷ lệ chi phối nhưng con số 30% cũng rất có ý nghĩa đối với các nhà đầu tư chiến lược.
Do đó, việc PVN nhả “con gà đẻ trứng vàng” này ra cũng kỳ vọng thu hút được nhiều nhà đầu tư lớn nước ngoài tương tự như các thương vụ thoái vốn tại Vinamilk, Sabeco…
Ban lãnh đạo GAS kỳ vọng năm 2018, tổng công ty sẽ tìm kiếm cơ hội được hợp tác sâu rộng hơn với các cổ đông, đặc biệt nhà đầu tư chiến lược khi mà PVN thoái vốn. Đây là giải pháp chiến lược dài hạn, không chỉ đem về nguồn vốn cần thiết mà qua đó GAS còn có thể tiếp cận các công nghệ hiện đại, kỹ năng quản lý tiên tiến từ các cổ đông chiến lược, cũng như trao đổi học hỏi kinh nghiệm từ các đối tác hàng đầu trên thế giới.
GAS cũng có chiến lược đầu tư ra nước ngoài trong tương lai, với việc ký kết với Tập đoàn Alaska Gasline Development Corporation (AGDC), GAS sẽ xem xét đánh giá các cơ hội tham gia đầu tư phát triển tại các mỏ khí tại Bang Alaska – Mỹ.
Tuy nhiên, PVN mới đây đã có công văn gửi Bộ Công Thương về việc bổ sung, hoàn thiện Đề án tái cơ cấu PVN giai đoạn 2017 – 2025, với việc thoái vốn tại GAS, tập đoàn cho biết sẽ chủ động cân nhắc lựa chọn thời điểm thoái vốn để đảm bảo hiệu quả tối ưu nhất và có thể sẽ kéo dài sau năm 2020.
Trong khi đó, từ nay đến 2020, PVN sẽ tập trung thoái vốn tại các đơn vị thành viên gồm Tổng CTCP Khoan và Dịch vụ khoan dầu khí (PVD), Tổng CTCP Dịch vụ Tổng hợp dầu khí – Petrosetco (PET), Tổng CTCP Tư vấn thiết kế dầu khí (PVE), Tổng CTCP Dung dịch khoan và hóa phẩm dầu khí (PV-DMC).
“Phát đạt” nhờ giá dầu tăng
Theo BCTC hợp nhất 6 tháng đầu năm, GAS đạt 38.187,7 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 17,8% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn tăng nhẹ hơn, biên lãi gộp cải thiện từ 20% lên 22,8% giúp lãi gộp đạt 8.776 tỷ đồng tăng 34%.
Nhờ vậy, lãi ròng tổng công ty ghi nhận 5.816,7 tỷ đồng, tăng 41,5%. So với kế hoạch năm, GAS đã thực hiện được 90% kế hoạch lợi nhuận năm do kế hoạch kinh doanh 2018 được đề ra theo phương án giá dầu Brent 50 USD/thùng với lãi sau thuế 6.429 tỷ đồng.
Doanh thu và biên lãi gộp theo sản phẩm của GAS
GAS cho biết giá dầu bình quân 6 tháng đầu năm 2018 đạt 70,57 USD/thùng, tăng 18,8 USD/thùng (36%) so với cùng kỳ năm trước đã đẩy giá bán các sản phẩm tăng tương ứng, nhờ đó lợi nhuận cũng tăng mạnh. Vào cuối tháng 6, các chuyên gia quốc tế dự báo giá dầu có thể lên mức 90 USD/thùng do ảnh hưởng từ nguồn cung dầu thô liên quan đến các lệnh trừng phạt của Mỹ dành cho nước xuất khẩu dầu lớn là Iran.
Tuy nhiên, hiện nay căng thẳng thương mại Mỹ – Trung đang leo thang; vào tháng 6 OPEC cũng các nước phi thành viên nhất trí tăng sản lượng dầu để bù đắp thiếu hụt nguồn cung từ Libya, Venezuela và Iran; Mỹ cũng tăng sản lượng và khủng hoảng Thỗ Nhĩ Kỳ…
Tất cả các yếu tố khiến giá dầu thế giới trở nên càng khó đoán hơn trong thời gian tới. Dẫu vậy, tính đến ngày 24/8, giá dầu brent đạt 75 USD/thùng, tăng 50% so với năm trước; giá dầu WTI đạt 68 USD/thùng, cũng tăng 48%.