Vốn điều lệ hiện tại của PNC được duy trì từ cuối năm 2012, sau khi chia cổ phiếu thưởng, tăng vốn từ gần 100,6 tỷ đồng lên hơn 110,4 tỷ đồng. Kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty giai đoạn 2012 – 2017 có nhiều biến động, năm 2012 lỗ gần 16,9 tỷ đồng, năm 2013 lỗ gần 24,9 tỷ đồng, giai đoạn 2014 – 2016 lãi trung bình hơn 2,7 tỷ đồng/năm, năm 2017 lỗ 66,5 tỷ đồng.
Theo PNC, nguyên nhân thua lỗ năm 2017 chủ yếu là do trích lập các khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho, xử lý các khoản chi phí dở dang treo lại từ lâu, xử lý nợ khó đòi, một số hoạt động kinh doanh (nhập khẩu phim…) bị lỗ.
Thời điểm 31/12/2017, PNC có khoản lỗ lũy kế hơn 105,8 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Công ty có khoản nợ ngắn hạn vượt quá tài sản ngắn hạn là 180,3 tỷ đồng. Hai yếu tố này khiến công ty kiểm toán lưu ý, có sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.
Về vấn đề này, PNC cho biết, tình hình trên chủ yếu xuất phát từ việc thực hiện tái cấu trúc, xử lý một số tài sản không phù hợp với chiến lược hoạt động kinh doanh thay đổi sau khi có sự thay đổi cổ đông lớn của Công ty. Hội đồng quản trị PNC đã có phương án tăng vốn điều lệ để bổ sung nguồn vốn kinh doanh. Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ đàm phán với Công ty Cross Junction Investments Pte., Ltd. để tiếp tục gia hạn thời gian trả nợ vay.
Theo PNC, với những kế hoạch trên và khả năng hoạt động kinh doanh dự kiến khởi sắc trong năm 2018 khi nhân sự quản lý cấp cao đã ổn định, Công ty sẽ có đủ luồng tiền để thanh toán các khoản nợ đến hạn cũng như mở rộng hoạt động kinh doanh.
Mục tiêu và chiến lược phát triển của PNC là tiếp tục phát triển mạng lưới bán lẻ (trong năm 2017, Công ty đã mở mới 11 nhà sách, nâng tổng số lên 57), đẩy mạnh các hoạt động kinh doanh bản quyền và độc quyền tác giả, tác phẩm, kinh doanh các sản phẩm văn hóa…
Được biết, ngày 26/10/2017, Đại hội đồng cổ đông bất thường lần thứ 3 năm 2017 của PNC đã thông qua toàn bộ nội dung các tờ trình, trong đó miễn nhiệm tất cả thành viên Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát và bầu hầu hết gương mặt mới, kết thúc “cuộc chiến” giành quyền lực sau nhiều năm diễn ra dai dẳng. Trước thềm đại hội, ngày 20/10/2017, dàn lãnh đạo PNC và người có liên quan đã “buông tay” khi thực hiện thoái hết vốn, tổng cộng gần 17% cổ phần.
Hiện PNC có 3 cổ đông tổ chức lớn là Công ty cổ phần Phát triển kinh doanh Thành Vinh sở hữu gần 23%, Công ty cổ phần Phát triển kinh doanh Trường Phát sở hữu hơn 24%, Tổng công ty Công nghiệp In – Bao bì Liksin sở hữu hơn 15%.
Trên sàn HOSE, cổ phiếu PNC thuộc diện bị kiểm soát đặc biệt từ tháng 7/2016, chỉ được giao dịch vào phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh và thỏa thuận. Gần đây, cổ phiếu này có thanh khoản rất thấp và giá đang ở vùng đáy trong vòng 5 tháng, ngày 7/3/2018 là 20.800 đồng/CP, nhưng vẫn ở mức cao so với giá bình quân nhiều tháng trước đó.