Theo ông Bùi Quốc Dũng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước), tỷ giá trung tâm được NHNN công bố hàng ngày vào trước phiên giao dịch dựa trên cơ sở tham chiếu 3 yếu tố: Diễn biến tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng, diễn biến tỷ giá trên thị trường quốc tế của một số đồng ngoại tệ và các cân đối kinh tế vĩ mô.
Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng trấn an khi cho rằng việc ban hành chính sách tỷ giá trung tâm giữa VNĐ và USD cho phép tỷ giá linh hoạt và cập nhật hơn, mặc dù thả nổi tỷ giá nhưng vẫn có yếu tố quản lý nhà nước nhằm làm tăng sức mạnh của VNĐ, ổn định thị trường ngoại hối, chống tình trạng “đô la hóa”.
Sức ép tỷ giá
Tuy vậy, các chuyên gia cho rằng DN vẫn sẽ khó lường trước các vấn đề biến động tỷ giá. Và đây sẽ là rủi ro, thách thức lớn với các DN xuất nhập khẩu. Cần phải lưu ý, trong báo cáo triển vọng kinh tế Việt Nam 2016 của Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (UBGSTCQG) cũng cho rằng vấn đề tỷ giá và lãi suất sẽ chịu nhiều sức ép trong năm 2016.
Đặc biệt, theo UBGSTCQG, vẫn có những nhân tố không thuận lợi cho cán cân thanh toán. Đó là nhập siêu tăng khi nhập khẩu được dự báo tăng nhanh hơn so với năm 2015 và tăng nhanh hơn xuất khẩu.
Nguyên nhân chính được cho là đầu tư tăng làm tăng nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị. Trong khi đó, tăng trưởng cải thiện làm tăng sức mua của dân chúng đối với hàng nhập khẩu. Do đó, UBGSTCQG dự báo nhập siêu ở mức 4 tỷ USD, tăng so với mức nhập siêu khoảng 3,2 tỷ USD ước cho năm 2015.
Ngoài ra, xu hướng mất giá (so với USD) của đồng tiền các nước ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh về giá của hàng xuất khẩu Việt Nam, nhất là xuất khẩu nông sản. Chính điều này sẽ tạo thêm sức ép đối với cán cân thương mại và tỷ giá. Vì vậy, UBGSTCQG dự báo sức ép đối với tỷ giá trong năm 2016 sẽ phần nào mạnh hơn 2015, đòi hỏi chính sách cần linh hoạt, thận trọng.
Chính những xu hướng trên dẫn đến tâm lý lo lắng từ phía DN xuất nhập khẩu là sẽ phải chịu tác động mạnh do tỷ giá biến động hàng ngày. Trong khi đó, Phó thống đốc NNNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng cơ chế tỷ giá mới linh hoạt khiến cho cung cầu thị trường thông suốt nên việc mua bán ngoại tệ sẽ thuận lợi hơn. Việc thay đổi theo ngày giúp tỷ giá biến động nhỏ hơn, không gây sốc cho DN như trước đây.
Theo giới nghiên cứu kinh tế, tỷ giá là một trong nguồn gốc rủi ro chính khiến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu khốn đốn. Và đây cũng là nguyên nhân dẫn đến sự ra đời của rất nhiều công cụ phòng chống rủi ro ngoại hối. Bởi vì rủi ro tỷ giá có thể phát sinh trong nhiều hoạt động khác nhau của doanh nghiệp.
Không thể chủ quan
Nhưng nhìn chung, bất cứ hoạt động nào mà dòng tiền vào phát sinh bằng một loại đồng tiền trong khi dòng tiền ra phát sinh một loại đồng tiền khác đều chứa đựng nguy cơ rủi ro tỷ giá.
Nhất là rủi ro tỷ giá trong hoạt động xuất nhập khẩu. Đây là loại rủi ro tỷ giá thường xuyên gặp phải và đáng lo ngại nhất đối với các doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu mạnh.
Sự thay đổi tỷ giá ngoại tệ so với nội tệ làm thay đổi giá trị kỳ vọng của các khoản thu hoặc chi ngoại tệ trong tương lai khiến cho hiệu quả hoạt động xuất nhập khẩu bị ảnh hưởng đáng kể và nghiêm trọng hơn có thể làm đảo lộn kết quả kinh doanh.
Một điểm đáng lưu ý, theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, vì lâu nay NHNN cam kết giữ ổn định tỉ giá nên các DN thường hiếm khi chọn mua hợp đồng ngoại tệ, trong khi ở các nước phát triển, hầu như các DN đều chọn hình thức này.
Các chuyên gia kinh tế nhận định, về lý thuyết, biến động tỷ giá tác động mạnh lên các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và được đo lường bằng độ nhạy cảm đối với rủi ro tỷ giá.
Nguy cơ về độ nhạy cảm tỷ giá bắt nguồn từ các giao dịch thương mại. Đây là loại nguy cơ độ nhạy cảm tỷ giá phổ biến nhất mà các doanh nghiệp gặp phải do hoặc phải trả tiền cho người cung cấp hoặc bán hàng và thu về một đồng tiền khác với đồng tiền nước mình. Nguy cơ rủi ro kiểu này là rất quan trọng bởi vì những biến động ngoại hối có thể ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của doanh nghiệp.
Vấn đề đặt ra là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu có biết ngừa rủi ro tỷ giá hay không? Trong bối cảnh nền kinh tế có mức độ đôla hóa cao thì tác động của yếu tố tâm lý đến ổn định tỷ giá sẽ rất lớn. Điều đó có thể dẫn đến những phản ứng thái quá của thị trường.
Do đó, mặc dù NHNN đã công bố chính sách điều hành tỷ giá mới được cho là sẽ linh hoạt, cập nhật hơn, nhưng bản thân doanh nghiệp xuất nhập khẩu không thể chủ quan và cần hết sức thận trọng trong hoạt động sản xuất kinh doanh để không phải gánh chịu rủi ro tỷ giá.