Phát biểu tại Hội nghị sơ kết 1 năm triển khai Nghị quyết số 42 và Đề án 1058 tại Ngân hàng Nhà nước, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, Nghị quyết số 42/2017/QH17 và Quyết định số 1058/QĐ-TTg ra đời trong bối cảnh, yêu cầu cấp bách là phải cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với trọng tâm là xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém bằng các hình thức phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi người gửi tiền và giữ vững ổn định, an toàn hệ thống; lành mạnh hóa tình hình tài chính và nâng cao năng lực quản trị của các tổ chức tín dụng theo quy định pháp luật và phù hợp với thông lệ quốc tế.
Trên tinh thần đó, toàn bộ hệ thống chính trị và ngành ngân hàng đã quyết liệt vào cuộc, thống nhất chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp tích cực của các Bộ, ban ngành tới công tác điều hành của Ngân hàng Nhà nước và thực thi của các tổ chức tín dụng. Kết quả là sau 1 năm triển khai, thực hiện, công tác cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu của ngành Ngân hàng đã đạt được những kết quả bước đầu có tính nền tảng quan trọng.
Thứ nhất, khung khổ pháp lý về lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng đã được hoàn thiện một bước quan trọng, đặc biệt là về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, tạo sự đồng bộ, hiệu quả, khả thi, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng… Nhiều văn bản quy phạm pháp luật về chính sách, hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng, các quy định an toàn hoạt động ngân hàng, quy định về quản trị, điều hành, quy định về quản lý rủi ro của TCTD, quy định về công khai, minh bạch… được ban hành theo hướng chặt chẽ, an toàn hơn và phù hợp với thông lệ, chuẩn mực quốc tế.
Thứ hai, góp phần giữ vững sự ổn định, an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, củng cố năng lực tài chính, nâng cao chất lượng tín dụng nhằm lành mạnh hóa và minh bạch hoạt động tín dụng, chất lượng dịch vụ ngân hàng được cải thiện, niềm tin của người dân với hệ thống ngân hàng được duy trì, nợ xấu tiếp tục được xử lý và kiểm soát chặt chẽ, hiện ở mức 2,09%.
Thứ ba là sự vào cuộc đồng bộ, thống nhất triển khai chương trình, kế hoạch hành động và sự phối hợp chặt chẽ của tất cả các Bộ, ngành và địa phương trên cả nước với ngành ngân hàng, trong đó tập trung ban hành các văn bản hướng dẫn để triển khai các giải pháp cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và chủ động cung cấp, đăng tải và tuyên truyền các chủ trương, chính sách và thông tin về diễn biến hoạt động ngân hàng để tạo sự đồng thuận cao trong xã hội.
Thứ tư, công tác thanh tra, giám sát ngân hàng trong thời gian qua được quan tâm đổi mới và tăng cường; chất lượng thanh tra, giám sát được cải thiện một bước, góp phần vào sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng.
Với những kết quả quan trọng đã đạt được, trong thời gian qua nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đã có những đánh giá rất tích cực đối với hệ thống ngân hàng Việt Nam, góp phần quan trọng củng cố và nâng cao niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam. Đây là điểm sáng rất đáng ghi nhận trong nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, theo Phó Thủ tướng, chúng ta cũng thẳng thắn nhìn nhận Ngành Ngân hàng vẫn còn những tồn tại, yếu kém cần tập trung khắc phục trong thời gian tới:
Một là, mặc dù chất lượng tín dụng được cải thiện đáng kể nhưng chưa thật bền vững, tín dụng cho vay một số lĩnh vực như bất động sản, chứng khoán, dự án BOT, BT vẫn tiềm ẩn rủi ro và có nguy cơ phát sinh nợ xấu. Cơ cấu tín dụng đã có sự chuyển dịch tương đối tích cực, nhưng chưa chủ động và mạnh mẽ theo hướng thị trường để góp phần thúc đẩy nhanh hơn quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng.
Hai là, quá trình xử lý nợ xấu và tái cơ cấu vẫn diễn ra chậm hơn so với kỳ vọng. Một số TCTD còn gặp khó khăn về nguồn vốn hoặc thiếu mạnh dạn trong việc giải quyết tồn tại và xác định lộ trình, giải pháp thực hiện tái cơ cấu và chiến lược phát triển kinh doanh.
Ba là, mặc dù đã có nhiều nỗ lực đổi mới nhưng công tác thanh tra, giám sát ngân hàng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Khuôn khổ pháp lý, pháp quy về thanh tra, giám sát ngân hàng, an toàn hoạt động ngân hàng chưa đầy đủ và đồng bộ; Khả năng phát hiện và cảnh báo sớm, phòng ngừa, ngăn chặn rủi ro trong hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng còn hạn chế; chất lượng, số lượng, năng lực thực thi công vụ của đội ngũ thanh tra, giám sát ngân hàng còn một số tồn tại, hạn chế, chưa theo kịp với tốc độ phát triển của hệ thống tài chính ngân hàng; Hoạt động thanh tra, giám sát ngân hàng còn chưa đáp ứng được chuẩn mực quốc tế.
Bốn là, công tác đảm bảo an ninh, an toàn trong quản lý tài chính, tài sản, công nghệ thanh toán của hệ thống ngân hàng đang phải đối mặt với không ít rủi ro do mặt trái của phát triển công nghệ và rủi ro đạo đức mang lại. Cách mạng công nghiệp 4.0 đã nảy sinh ra nhiều vấn đề về tiền ảo, tài sản ảo, tiền điện tử (như đồng bitcoin…), thanh toán điện tử… đang đặt ra nhiều thách thức cho nền kinh tế nói chung và công tác quản lý tiền tệ, ngân hàng nói riêng cần được các cấp, các ngành, trong đó có Ngân hàng Nhà nước tập trung xử lý để tránh sự tụt hậu gây tác hại cho nền kinh tế.
Trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương và hệ thống các tổ chức tín dụng tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm sau:
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát huy vai trò đầu mối, phối hợp tích cực với các Bộ, ngành, địa phương liên quan giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo triển khai có hiệu quả Nghị quyết 42 và Quyết định 1058; đồng thời tiếp tục rà soát, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đồng bộ, kịp thời phát hiện và chủ động thực hiện những giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD và xử lý nợ xấu, không để quá trình này chậm lại.
Thứ hai, phấn đấu từ nay đến năm 2020, hoàn thành và hoàn thành vượt các chỉ tiêu đã đề ra tại Nghị quyết số 42 và Quyết định số 1058; riêng năm 2018, phấn đấu hoàn thành 30% mục tiêu đặt ra cho cả giai đoạn 2016-2020, trong đó có việc gia tăng tỷ trọng thu từ dịch vụ trong tổng doanh thu, áp dụng basel II ở các ngân hàng…
Thứ ba, tập trung nguồn lực thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 42 và Quyết định số 1058, trong đó xác định những giải pháp then chốt, hiệu quả, đúng pháp luật để xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng yếu kém trong thời gian ngắn nhất, không để xảy ra những rủi ro phát sinh trong quá trình cơ cấu lại, bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của cả ngân hàng, người đi vay và người gửi tiền.
Thứ tư, thực hiện ngay các giải pháp tăng vốn điều lệ, nâng cao năng lực tài chính và hiệu quả hoạt động của các tổ chức tín dụng, bảo đảm tỷ lệ an toàn trong hoạt động ngân hàng.
Thứ năm, các TCTD chủ động thực hiện kế hoạch cơ cấu lại của ngân hàng mình theo hướng tuân thủ các quy định pháp luật về hoạt động ngân hàng, nâng cao chất lượng tín dụng, phân loại đúng và trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ đối với các khoản nợ xấu, nâng cao năng lực quản trị rủi ro, tăng cường chất lượng và doanh thu từ các dịch vụ phi tín dụng, xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, đạo đức.
Thứ sáu, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, thanh tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước để phát hiện kịp thời và hạn chế tối đa những sai phạm, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với hệ thống ngân hàng, trong đó coi trọng công tác kiểm tra, kiểm soát nội bộ để phát hiện và xử lý kịp thời những tồn tại, yếu kém và sai phạm trong hệ thống ngân hàng mình; xử lý theo đúng quy định của pháp luật.
Thứ bảy, nâng cao hiệu quả phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành, địa phương trong việc cơ cấu lại các tổ chức tín dụng, phối hợp giữa ngành ngân hàng và các cơ quan tư pháp trong xử lý nợ xấu nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các bên trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm.
Thứ tám, tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu để tạo đồng thuận xã hội, đồng tình của nhân dân; có giải pháp huy động các nguồn lực xã hội, trong và ngoài nước để cơ cấu lại và xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường.