Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ vừa có bài viết với tựa đề “Củng cố nền tảng vĩ mô, khơi thông các động lực tăng trưởng, duy trì đà phát triển của nền kinh tế”.
Phó Thủ tướng nhận định, năm 2019 và năm 2020, xu thế tích cực của nền kinh tế vẫn là chủ đạo. Triển vọng kinh tế Việt Nam tiếp tục khả quan, nhất là môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, niềm tin vào cải cách môi trường đầu tư kinh doanh được củng cố.
Về các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu của năm 2019, dự kiến tăng trưởng GDP trong khoảng 6,6-6,8%. Tốc đố tăng CPI bình quân khoảng 4%.
Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khoảng 7 – 8%, tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội chiếm khoảng 33 – 34% GDP…
Dù vậy, lãnh đạo Chính phủ cũng lưu ý các bộ, ngành, địa phương và các doanh nghiệp cần lưu ý đến một số rủi ro, thách thức, trong đó lớn nhất là thách thức từ bên ngoài.
“Đó là sức ép về lãi suất đồng USD, giá dầu thô và giá cả hàng hóa thế giới, căng thẳng do chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn có thể kéo dài, xu hướng bảo hộ mậu dịch tiếp tục gia tăng, tạo áp lực lớn cho điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất và lạm phát trong nước”, Phó Thủ tướng nhận định.
Từ năm 2019, Việt Nam thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế đã ký kết, nhất là cam kết mở cửa, hội nhập. Theo Phó Thủ tướng, điều đó mang lại cơ hội thu hút nguồn lực nước ngoài, nhưng đồng thời, cũng là áp lực cạnh tranh không nhỏ đối với sản xuất, kinh doanh trong nước.
Năm 2019, Chính phủ xác định tiếp tục củng cố nền tảng vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nâng cao năng lực nội tại và tính tự chủ của nền kinh tế. Chính phủ cũng sẽ tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế…
Chính phủ sẽ kiểm soát tăng trưởng tín dụng hợp lý, nâng cao chất lượng, tập trung cho các lĩnh vực ưu tiên, khu vực sản xuất, kinh doanh, điều hành lãi suất, tỷ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường trong và ngoài nước, các cân đối vĩ mô.
Phó Thủ tướng cho biết, trong năm 2019, tiếp tục triển khai tích cực các biện pháp hạn chế tình trạng đô la hóa. Cùng với đó, thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ gắn với cơ cấu lại ngân sách nhà nước, nợ công; mở rộng và nuôi dưỡng nguồn thu thuế, chống thất thu, nợ đọng thuế, chuyển giá.
Lãnh đạo Chính phủ cũng cho biết, mục tiêu năm 2019 đẩy mạnh phát triển thị trường tài chính, chứng khoán, tập trung phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ, trái phiếu doanh nghiệp. Cùng với đó, Chính phủ xác định chủ động phương án hấp thu hiệu quả các nguồn vốn từ cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước.
Phó Thủ tướng cho biết năm 2019 tập trung nguồn lực thực hiện một số dự án kết cấu hạ tầng trọng điểm có tính lan toả cao; đẩy nhanh tiến độ dự án đường bộ cao tốc Bắc – Nam, các dự án trọng điểm quốc gia và các điều kiện cần thiết để triển khai dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Bên cạnh đó, mục tiêu là tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại ngành, vùng sản xuất nông nghiệp theo ba trục sản phẩm gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng và xây dựng nông thôn mới.
Cùng với đó, lãnh đạo Chính phủ cho hay sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp, phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp. Năm 2019, Chính phủ thực hiện hiệu quả các đề án hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ trong một số ngành trọng điểm như: công nghiệp ô tô, điện tử, dệt may và da giày.
Với ngành dịch vụ, Phó Thủ tướng cho biết tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cơ cấu lại các ngành dịch vụ theo chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ đến năm 2020. Đặc biệt, tăng cường các biện pháp quản lý doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực phân phối bán lẻ theo các cam kết mở cửa thị trường nhằm bảo đảm công bằng với doanh nghiệp trong nước; đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn…