Phát biểu trên được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đưa ra tại buổi làm việc giữa Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với lãnh đạo Bộ Công Thương, ngày 11/7.
Theo Phó thủ tướng, năm nay có khoảng 45.000 MW nguồn điện, đến năm 2020, dự kiến phải có khoảng 60.000-65.000 MW, năm 2015 là 90.000 MW, 2030 là 129.000 MW. Trong khi đó, nhiều dự án hiện đang rất chậm so với tiến độ.
Do đó, cần rà soát, hoàn thiện, cập nhật, bổ sung các quy hoạch phát triển năng lượng, trong đó có Quy hoạch điện 7 hiện đã được điều chỉnh nhưng còn rất lạc hậu so với thực tế hiện nay. Cần rà soát, lập các quy hoạch “nhánh” như quy hoạch điện mặt trời, điện gió…, các quy hoạch phát triển năng lượng khác. Trên cơ sở quy hoạch, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, trong đó chú ý lựa chọn các dự án ưu tiên để huy động nguồn vốn đầu tư.
Phó thủ tướng nhấn mạnh phải tiếp tục hoàn thiện thể chế, tập trung xây dựng chính sách, pháp luật để huy động vốn cho đầu tư phát triển, đặc biệt là cơ chế huy động nguồn lực phát triển nguồn điện, bởi nếu không có cơ chế phù hợp thì không thể huy động được vì liên quan đến bảo lãnh Chính phủ, bảo lãnh doanh thu, chuyển đổi ngoại tệ…
Trong thời gian trước mắt, cần tập trung đẩy nhanh các dự án điện đang triển khai nhưng bị chậm tiến độ; phát triển mạnh các nguồn điện tái tạo, trong đó có thủy điện; đẩy nhanh tiến độ triển khai để sớm mua được điện từ Lào.
Trước đó, phát biểu tại cuộc làm việc, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết, trong 15 năm tới, mỗi năm phải bổ sung thêm công suất mới từ 5.000-7.000 MWh. Đầu tư riêng cho điện khoảng trên 10 tỷ USD mỗi năm, chưa kể hệ thống truyền tải, phân phối… gây ra thách thức rất lớn trong bối cảnh năng lực chung của ngành năng lượng với tập đoàn than, dầu khí, điện, còn rất hạn chế, thu hút đầu tư nước ngoài còn khó khăn.
Đến thời điểm hiện nay, mới có 4 nhà máy điện do đối tác nước ngoài đầu tư theo hình thức BOT đi vào sản xuất, còn 4 dự án khác đang đàm phán và không đạt tiến độ trong tổng sơ đồ phát triển ngành điện, kéo theo nguy cơ thời gian giai đoạn 2021-2025 sẽ rất khó khăn trong việc bảo đảm cung ứng đủ điện.
Theo Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng, Việt Nam hiện đã phải nhập khẩu than, điện từ nước ngoài. Trong khi đó, việc sử dụng năng lượng lại không tiết kiệm, chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, yêu cầu đặt ra là phát triển năng lượng xanh, trong khi khả năng chi trả của người dân và doanh nghiệp còn hạn chế, điều này gây ra sức ép rất lớn cho ngành năng lượng.
“Khác với các dự án khác, năng lượng là ngành quy mô dự án rất lớn, thời gian thi công dài và phức tạp, trong khi đó, nhà đầu tư trong nước năng lực hạn chế. Trong thời gian tới, ngành năng lượng rất cần có cơ chế chính sách mang tính đột phá để có thể đáp ứng đủ nhu cầu phát triển kinh tế”, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nhấn mạnh.
Ngoài ra, thu hút vốn đầu tư nước ngoài vào ngành điện theo ông Vượng cũng rất khó khăn. Hiện mới chỉ có 4 nhà máy điện BOT đưa vào sản xuất, 14 dự án khác vẫn đang đàm phán và hầu hết trong số này chậm tiến độ.
Mặt khác, các dự án năng lượng hầu hết là quy mô lớn, thời gian thi công dài, nhưng năng lực tài chính trong nước hạn chế. Do vậy, ông Vượng đề nghị, cần một nghị quyết trong đó nêu lên định hướng lớn về phát triển năng lượng đến năm 2030. Chính phủ cũng thành lập Ban chỉ đạo về phát triển năng lượng để giải quyết các vấn đề cụ thể, phát sinh trong thực tiễn, nhằm đẩy nhanh các dự án lớn, tương tự cách làm với thuỷ điện Sơn La trước đây.