Chiều nay (8/8), Diễn đàn M&A Việt Nam 2018 được tổ chức với chủ đề “Bước ngoặt mới, kỷ nguyên mới”. Tham dự diễn đàn, ông Vương Đình Huệ, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu trong lĩnh vực tài chính – ngân hàng.
Theo Phó Thủ tướng, tỷ lệ nợ xấu toàn ngành đã giảm từ 10,08% (đầu năm 2016) xuống còn 6,9% (tháng 6/2018). Nợ xấu nội bản còn hơn 2%. Chủ trương của Chính phủ là sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu tổ chức tín dụng.
Với Ngân hàng thương mại, Chính phủ khuyến khích thực hiện M&A các ngân hàng thương mại nhỏ thành ngân hàng lớn hơn. Theo đánh giá các chuyên gia, số lượng ngân hàng thương mại nhỏ ở Việt Nam khá nhiều. Do đó Chính phủ khuyến khích xu hướng này, thực tế có nhiều ngân hàng đang đi theo xu hướng, ví dụ HDBank đang quan tâm PGBank.
Phó Thủ tướng nói Chính phủ sẽ chuyển giao các ngân hàng yếu kém đã mua lại hoặc ở diện kiểm soát đặc biệt (OceanBank, CBBank, PGBank), thực hiện tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém. Sắp tới, Chính phủ sẽ hạn chế hoặc không cấp giấy phép thành lập thêm các Ngân hàng 100% vốn nước ngoài nhưng khuyến khích nhà đầu tư mua lại các ngân hàng yếu kém của Việt Nam và sở hữu 100% vốn.
Về việc thoái vốn các ngân hàng có vốn Nhà nước, ông Vương Đình Huệ cho biết sẽ thực hiện IPO Agribank vào năm 2019. Với BIDV, Vietcombank, Chính phủ có thể là bán bớt vốn hoặc phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, Chính phủ cũng đang chủ trương tái cơ cấu lại các công ty tài chính (hiện có khoảng 36 – 38 công ty tài chính của các Tập đoàn, Công ty Nhà nước), kể cả phương án bán vốn. Chính phủ đã yêu cầu các đơn vị liên quan trình phương án cụ thể nhằm giảm bớt, tăng cường năng lực quy mô.
Phó Thủ tướng đánh giá việc mua bán sáp nhập doanh nghiệp (M&A) là hoạt động kinh tế diễn ra hoàn toàn bình thường. Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế vừa mở ra cơ hội thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII), vừa tạo điều kiện cho việc M&A diễn ra sôi nổi. Tuy nhiên M&A cũng góp phần việc tái cơ cấu nền kinh tế đạt được thành công như mong đợi.
Việc tái cơ cấu nền kinh tế, theo Phó Thủ tướng, có 2 nhiệm vụ: một mặt xử lý doanh nghiệp yếu kém, thua lỗ, dư thừa kém hiệu quả; mặc khác phải tạo ra mô hình sản xuất mới, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. Cả hai việc này đều tạo cơ hội cho M&A.