Xét theo tiêu chí đánh giá của WB về môi trường kinh doanh thuận lợi, mặc dù chỉ số “tiếp cận tín dụng” của Việt Nam đã giảm 6 bậc, xếp hạng 36/189 quốc gia theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới trong năm 2014 (năm 2013 xếp hạng 30/189), song theo ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đây vẫn là thứ hạng cao so với các quốc gia trong khu vực.
“Những thay đổi trong quy định pháp lý liên quan đến ngân hàng đã khiến cho môi trường kinh doanh bị “mất điểm”,
Ông Nguyễn Kim Anh, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Thiếu quy định cụ thể
Giải thích về lý do “tụt hạng” của chỉ số này, Phó Thống đốc cho rằng một trong những cấu phần quan trọng tính toán chỉ tiêu “tiếp cận tín dụng” của Việt Nam là “quyền lợi hợp pháp của người đi vay và cho vay” chưa có sự thay đổi trong quy định pháp lý kể từ năm 2008 đến nay. Cụ thể, chỉ số “quyền lợi hợp pháp của người đi vay và cho vay” của Việt Nam đã tăng từ 5/12 điểm lên 7/12 điểm trong năm 2007 và giữ nguyên mức điểm từ đó đến nay. Việc tăng điểm này là do trong năm 2007 Nghị định 163 về giao dịch đảm bảo ra đời, thay thế cho Nghị định 165. Do đó, đã góp phần làm tăng 2 điểm trong đánh giá của WB đối với môi trường kinh doanh Việt Nam trong năm 2007.
Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay Luật Dân sự chưa có sự thay đổi, trong khi Nghị định 11 về sửa đổi, bổ sung Nghị định 163 cũng chưa có chỉnh sửa liên quan đến các tiêu chí được đề cập trong đánh giá môi trường kinh doanh của WB . Do đó, một số nội dung điển hình liên quan đến tài sản đảm bảo vẫn chưa được quy định trong Luật Dân sự, khiến tiêu chí “Tiếp cận tín dụng” chưa thẻ cải thiện như: đăng ký, chỉnh sửa, giải chấp tài sản đảm bảo và tra cứu bởi bên thứ ba; bên cho vay được tham gia điều hành khi con nợ bị tái cơ cấu…
“Đây thực tế là những tiêu chí nhằm bảo vệ quyền lợi của bên cho vay. Một khi những nội dung này chưa được cụ thể hoá trong luật, các ngân hàng thương mại sẽ khó khăn trong một số trường hợp xử lý rủi ro tín dụng. Cụ thể như ngân hàng sẽ quan ngại hơn khi cho vay các DN dùng chính dự án đầu tư làm tài sản đảm bảo. Dẫn đến, làm hạn chế nguồn vốn tín dụng ngân hàng và hệ quả tất yếu là làm giảm điểm môi trường kinh doanh, vì một trong những căn cứ để xếp hàng môi trường kinh doanh thuận lợi là mức độ sẵn có của nguồn vốn với chi phí hợp lý cho các DN”, Phó Thống đốc giải thích.
Ngoài ra, với đánh giá về “chiều sâu thông tin tín dụng” bị “mất điểm”, Phó Thống đốc cho rằng với một người đi vay cụ thể, các tổ chức cung cấp thông tin tín dụng chưa thể tích hợp được các dữ liệu từ các đơn vị cung ứng dịch vụ công như công ty điện lực, nước sạch… Trong khi Nghị định 10 về hoạt động thông tin tín dụng và Thông tư 03 về Thông tin tín dụng của Ngân hàng Nhà nước chưa có điều khoản quy định về nội dung liên quan, nên WB đã hạ điểm chỉ số này trong báo cáo đánh giá môi trường kinh doanh của Việt Nam.
Sẽ bổ sung thêm quy định
Từ những hạn chế trên, Phó Thống đốc cho biết trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục củng cố cơ sở dữ liệu của trung tâm thông tin tín dụng quốc gia, để làm cơ sở hoạch định và điều hành chính sách tiền tệ, hoạt động ngân hàng cũng như cung cấp các thông tin cần thiết cho các tổ chức tín dụng trong việc phòng ngừa rủi ro tín dụng. Đồng thời, đề xuất với Quốc hội bổ sung thêm những nội dung liên quan đến tài sản đảm bảo cũng như việc bảo vệ quyền lợi của bên cho vay vào Luật Dân sự sửa đổi trong thời gian tới.
Cũng theo đánh giá xếp hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam trong năm 2014, VIệt Nam đứng thứ 78/189 nền kinh tế, tụt hạng 6 bậc so với năm 2013. Trong tổng số 10 chỉ tiêu cấu phần đánh giá môi trường kinh doanh, Việt Nam chỉ có 2 lĩnh vực được nâng hạng là đăng ký tài sản và xin giấy phép xây dựng. Còn lại, có 5 lĩnh vực giảm hạng gồm khởi sự kinh doanh, vay vốn, bảo vệ các nhà đầu tư, nộp thuế, giao thương và thương mại qua biên giới. Các lĩnh vực khác giữ nguyên so với năm trước như kết nối điện, giải quyết tình trạng phá sản và thực thi hợp đồng.
Theo bà Bà Victoria Kwakwa là Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, nếu Việt Nam không thực thi tích cực những chính sách cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thì sẽ có nguy cơ thụt lùi so với nhiều quốc gia khác. Vấn đề là bên cạnh việc cải cách và đơn giản hoá các thủ tục hành chính, việc tạo sân chơi bình đẳng cho mọi loại hình doanh nghiệp, nâng cao sức cạnh tranh cho các DN nhỏ và vừa là những yếu tố cần thiết để cải thiện môi trường kinh doanh.