Trong phiên sáng hôm qua, thị trường bất ngờ bật lên ngay khi mở cửa. Tuy nhiên, sắc xanh nhanh chóng được thay bằng sắc đỏ khi áp lực bán tăng dần, có thời điểm VN-Index lùi qua mốc 955 điểm.
Trong phiên chiều, VN-Index nhanh chóng được kéo về tham chiếu 968 điểm, rồi cũng rất nhanh giảm trở lại trước áp lực bán mạnh.
Trong bối cảnh sức cầu hạn chế, dòng tiền vào thị trường thận trọng, mà áp lực bán sau mỗi nhịp hồi phục mỗi lúc tỏ ra mạnh và dứt khoát hơn, nên việc VN-Index tiếp tục có thêm phiên giảm mạnh là dễ hiểu.
Mặc dù chịu nhiều sức ép và mất điểm, nhưng theo SHS, thị trường vẫn có một vài tín hiệu tích cực như VN-Index tạo nến dạng Inverted Hammer khi tiếp cận vùng hỗ trợ 940-960 điểm, tuy bóng nến không quá lớn nhưng điều này cũng cho thấy sự xuất hiện của bên mua và có thời điểm đã đẩy chỉ số lên sắc xanh.
Cùng với đó là thanh khoản gia tăng trở lại trên mức 3000 tỷ và đạt mức trung bình 10 phiên, điều này cho thấy lực cầu bắt đáy đang tham gia trở lại.
Bước vào phiên giao dịch sáng nay (29/6), cũng là phiên giao dịch cuối cùng của tháng 6/2018, diễn biến rung lắc quanh tham chiếu như nửa đầu phiên sáng hôm qua lại tiếp diễn, tuy nhiên, biên độ tăng/giảm đã giảm khá nhiều.
Dòng tiền vẫn tìm đến một số ít cổ phiếu vừa và nhỏ như HAG, HNG, DXG, TNI, trong khi đó, một số bluechip đã hút lực mua trở lại như HSG, VIC, SSI, NVL và đặc biệt là nhóm cổ phiếu ngân hàng với CTG, MBB, STB, BID, mặc dù sự giằng co vẫn xảy ra, khi bên bán vẫn đặt lệnh mỗi khi màu xanh hiện lên đối với các mã này.
Nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn cũng đang mất điểm sau hơn 1 giờ giao dịch, nhưng đa số cũng chỉ giảm dưới 1%.
Nhìn chung trên bảng điện tử thì độ rộng thị trường vẫn đang nghiêng hẳn về số mã giảm, nhóm bluechip VN30 cũng bị sắc đỏ lấn át, tuy nhiên điểm tích cực là thanh khoản về giá trị đang có dấu hiệu gia tăng so với phiên sáng hôm qua.
Tân binh YEG sau 3 sau 3 phiên liên tiếp tăng mạnh từ sớm kể từ khi chào sàn đã giảm sàn trong phiên sáng nay, nhưng thanh khoản khớp lệnh chỉ hơn 1.200 đơn vị, và trắng bên mua.
Sau khi rung lắc dưới tham chiếu và đe doạ mất mốc 950 điểm, chỉ số đã hồi phục nhẹ, nhưng dòng tiền chảy vào thị trường đã không đủ và yếu đi, khiến VN-Index chỉ kịp lên vùng 955 điểm và đi ngang cho đến hết giờ nghỉ trưa.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 117 mã tăng và 129 mã giảm, VN-Index giảm 2,18 điểm (-0,23%), xuống 955,17 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 76 triệu đơn vị, giá trị 1.683,19 tỷ đồng, giảm 14% về khối lượng và 17% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Trong đó, giao dịch thoả thuận đóng góp hơn 22,4 triệu đơn vị, giá trị 454 tỷ đồng.
Thanh khoản tuy suy giảm, nhưng độ rộng thị trường đã được cải thiện so với phiên sáng qua, và nhất là nhóm cổ phiếu vốn hoá lớn đã thu hẹp đà giảm, và còn tăng như VIC +0,3% lên 107.800 đồng, bất chấp đã có thời điểm chỉ cách giá sàn đôt chút; VNM + 0,6% lên 171.000 đồng; CTG +0,2% lên 24.350 đồng; BID +0,2% lên 25.950 đồng.
Còn lại VHM -0,9% xuống 109.000 đồng; GAS -0,2% xuống 87.100 đồng; SAB -0,6% xuống 218.000 đồng; MSN -0,6% xuống 78.500 đồng; VCB -0,7% xuống 57.500 đồng; TCB -1,6% xuống 90.700 đồng.
Nhóm bluechip VN30 phiên sáng nay cũng giằng co khá mạnh, khi chốt phiên có 6 mã đứng tham chiếu là BMP, DPM, MWG, PLX, STB và NVL.
Trong khi tăng điểm ngoài VIC, CTG, BID, VNM thì chỉ còn BVH +1% lên 82.500 đồng; SSI +0,4% lên 28.600 đồng; GMD +1,2% lên 25.800 đồng; HSG +1,7% lên 12.300 đồng; VJC tăng 1,9% lên 141.000 đồng trong ngày giao dịch không hưởng quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu theo tỷ lệ 100:20.
Còn lại đều mất điểm nhẹ, trong đó HPB và MBB khớp lệnh cao nhất nhóm với lần lượt 2 triệu và 1,2 triệu đơn vị. HPG giảm 1,3% xuống 38.350 đồng; MBB giảm 0,8% xuống 26.300 đồng.
Nhóm cổ phiếu thị trường phiên sáng nay lực mua khá tốt về cuối phiên đã kéo cặp đôi HAG, HNG tăng từ 3 đến 4,4%, khớp lệnh HAG cao nhất HOSE với hơn 4,8 triệu đơn vị, HNG có 2,1 triệu đơn vị.
2 mã FLC và BCG đứng ngay sau HAG với 2,66 triệu và 2,1 triệu đơn vị khớp lệnh và đều mang sắc xanh.
Khớp lệnh trên dưới 1 triệu đơn vị và cũng tăng điểm còn có một số mã đáng chú ý khác như DXG, ASM, TNI, VRE, TLD. Ngược lại, ITA, LDG, IDI, SCR chìm trong sắc đỏ.
Phiên sáng nay, HOSE chào đón hơn 15 triệu ccổ phiếu TVB giao dịch ngày đầu tiên với giá 24.150 đồng/cổ phiếu, và chốt phiên sáng mã này tăng 3,5% lên 25.000 đồng, khớp lệnh có hơn 54.000 đơn vị.
Tân binh cũng mới lên sàn được vài phiên là YEG đã chính thức giảm sàn -7% xuống 319.000 đồng, nhưng khớp lệnh tổng cộng chỉ có 1.270 đơn vị.
PNJ tiếp tục chuỗi ngày giao dịch lùi sâu, khi mất thêm 4,8% xuống 86.000 đồng, khớp hơn 311.000 đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index chỉ chớm xanh trong ít phút kể từ khi mở cửa, sau đó lao xuống tham chiếu về vùng 106 điểm và đi ngang cho đến hết phiên.
Hầu hết các mã đều mất điểm, trong đó, nhóm cổ phiếu tài chính, ngân hàng với ACB -0,8% xuống 35.800 đồng; NVB -2,7% xuống 7.200 đồng; SHB đứng tham chiếu 8.300 đồng; SHS -0,7% xuống 13.600 đồng, khớp lệnh cao nhất HXN với hơn 2,9 triệu đơn vị; MBS -1,9% xuống 15.200 đồng; PVI đứng tham chiếu 29.000 đồng.
Nhóm xây dựng, bất động sản VCG -1,8% xuống 16.400 đồng; VGC -5,1% xuống 20.400 đồng; SHN -1,1% xuống 10.200 đồng. còn lại CEO, HUT, VPI đứng tham chiếu.
PVS -0,6% xuống 17.300 đồng, khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị; VCS -3,2% xuống 79.400 đồng, khớp hơn 130.000 đơn vị.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 55 mã tăng và 82 mã giảm, HNX-Index giảm 0,94 điểm (-0,88%), xuống 106,12 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 14,16 triệu đơn vị, giá trị 208,59 tỷ đồng, giảm 25% về khối lượng và 28% về giá trị so với phiên sáng hôm qua. Giao dịch thoả thuận có thêm hơn nửa triệu đơn vị, giá trị 6,87 tỷ đồng.
Trên sàn UpCoM, diễn biến của UpCoM-Index tương tự HNX-Index, nhưng chỉ số lại tạm nghỉ ở mức thấp nhất phiên.
Nhóm cổ phiếu lớn tăng điểm chỉ còn QNS +0,3% lên 36.400 đồng và cổ phiếu mới trở lại sàn là BBT +1,9% lên 15.900 đồng.
Còn lại chìm trong sắc đỏ như OIL, BSR, LPB, HVN, ACV, VGT, VIB, với OIL khớp lệnh cao nhất sàn với hơn 1,68 triệu đơn vị; BSR có gần 700.000 đơn vị; LPB chỉ có gần 300.000 đơn vị…
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index giảm 0,25 điểm (-0,49%), xuống 51,4 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 5,43 triệu đơn vị, giá trị 85,8 tỷ đồng. Giao dịch thoả thuận có thêm hơn 173.000 đơn vị, giá trị gần 14 tỷ đồng.