Dư âm từ phiên tăng tích cực trước đó khiến VN-Index bật tăng ngay khi mở cửa, bất chấp thị trường chứng khoán quốc tế không mấy sáng sủa. Tuy nhiên, đà tăng này cũng không duy trì được lâu khi nhiều mã vốn hóa lớn và bluechips chịu sức ép bán khá mạnh. Theo đó, độ cao của VN-Index càng về cuối càng hạ thấp, cho dù dòng tiền vẫn chảy khá tích cực vào thị trường.
Diễn biến xấu đã trở nên rõ ràng hơn trong phiên chiều. Áp lực bán tiếp tục gia tăng và tập trung vào các mã trụ, trong khi sức cầu đã chững lại khiến dòng tiền vào thị trường cũng hạn chế hơn. Số lượng cổ phiếu giảm chiếm ưu thế trước sức ép chốt lời, cộng thêm sức cầu chế nên sắc xanh nhạt có được ở phiên sáng cũng không còn và VN-Index kết phiên với mức giảm cao nhất ngày.
Đóng cửa, với 136 mã tăng và 152 mã giảm, VN-Index giảm 2,77 điểm (-0,29%) về 963,5 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 167,64 triệu đơn vị, giá trị 4.248,13 tỷ đồng, tăng 8% về khối lượng và 18% về giá trị so với phiên 8/8.
Giao dịch thỏa thuận đóng góp 11,38 triệu đơn vị, giá trị 444,7 tỷ đồng. Đáng chú ý có các thỏa thuận của 1,13 triệu cổ phiếu MSN, giá trị 102,2 tỷ đồng; 2,78 triệu cổ phiếu AAA, giá trị gần 50 tỷ đồng; 1,59 triệu cổ phiếu HAR, giá trị hơn 9 tỷ đồng…
Áp lực chốt lời khiến đa phần cổ phiếu ngân hàng giảm điểm như BID -1,2% về 28.850 đồng, VCB -1,3% về 61.300 đồng; TCB -1,3% về 27.400 đồng; MBB – 0,6% về 23.150 đồng; HDB -0,3% về 36.400 đồng; STB -0,4% về 11.300 đồng…
Song, VIC mới là mã tác động tiêu cực nhất đến chỉ số khi giảm 4,2% về 104.200 đồng. Bên cạnh đó, các mã VRE, MSN, HPG, DHG, ROS, REE, PLX… cũng đều giảm điểm, tạo gánh nặng cho chỉ số
VPB và CTG là 2 mã tăng, song không mạnh. CTG +0,4% lên 24.050 đồng; VPB +1,1% lên 26.900 đồng. Nhưng nhờ VNM bật tăng 1% lên 157.000 đồng, VHM +0,6% lên 108.700 đồng, VJC +1,8% lên 108.700 đồng, PNJ +3,8% lên 108.700 đồng SAB +4% lên 208.000 đồng… nên VN-Index không giảm sâu.
Nhóm ngân hàng tiếp tục là nhóm hút mạnh dòng tiền. STB khớp 8,03 triệu đơn vị. VPB và CTG cùng khớp trên 7 triệu đơn vị, MBB khớp 6,6 triệu đơn vị. Khớp từ 1-3 triệu đơn vị có BID, TCB, VCB, HDB.
Ngoài ra, HPG khớp 4,5 triệu đơn vị, SSI khớp 4,2 triệu đơn vị, HSG, khớp 2,3 triệu đơn vị, VIC khớp 2,8 triệu đơn vị, VRE khớp 1,3 triệu đơn vị…
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, sắc đỏ cũng chiếm đa số với FLC, GTN, ITA, ASM, HQC, HAI, LDG…, trong đó FLC khớp 10,33 triệu đơn vị, dẫn đầu sàn.
Thông tin “kết hôn” với Thaco giúp HAG sớm tăng trần và giữ vững sắc tím, khớp lệnh 2,86 triệu đơn vị và còn dư mua trần tới hơn 10 triệu đơn vị do nhà đầu tư đã găm hàng. Tuy nhiên, HNG lại giảm điểm (-3,1% về 15.500 đồng) bởi lượng cung giá thấp lớn, dù đã có hơn 5,5 triệu đơn vị được sang tên.