Áp lực bán mạnh trong thời gian cuối phiên hôm qua khiến thị trường bước vào phiên giao dịch sáng nay trong tâm lý khá nặng nề. Áp lực bán xuất hiện trên diện rộng và tập trung tại nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong khi sức cầu tại nhóm cổ phiếu lớn hạn chế khiến VN-Index nhanh chóng giảm điểm ngay sau giờ khai cuộc. VN-Index cũng đã nỗ lực để hồi phục, nhưng do thiếu sự hỗ trợ của dòng tiền, nên đều bị đẩy lui trở lại.
Trong phiên chiều, sắc đỏ vẫn là màu trong phần lớn thời gian giao dịch khi áp lực chốt lời được duy trì. Những tưởng, VN-Index sẽ có thêm một phiên giảm điểm thì trong đợt khớp lệnh ATC, dòng tiền dồn mạnh vào nhóm cổ phiếu bluechips, giúp nhiều mã trong nhóm này hồi phục, kéo VN-Index tăng điểm trở lại. Dẫu vậy, do sức cầu hạn chế nên thanh khoản giảm mạnh.
Đóng cửa, với 125 mã tăng và 155 mã giảm, VN-Index tăng 2,58 điểm (+0,28%) lên 930,16 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 195,48 triệu đơn vị, giá trị 3.632,12 tỷ đồng, giảm 16% về khối lượng và 21% về giá trị so với phiên 25/7. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 20,24 triệu đơn vị, giá trị 470 tỷ đồng.
Trong số các mã trụ tăng điểm, đóng góp tích cực nhất vào đà tăng của VN-Index phải kể đến VIC, VNM và VCB. VCB tăng 2,5% lên 56.700 đồng, VIC tăng 1,5% lên 106.000 đồng, VNM quay đầu tăng lên mức cao nhất ngày 171.500 đồng (+1%).
Cùng với đó là các mã VJC (+0,7%), CTG (+0,9%), BID (+2,1%), MBB (+2,3%), HPG (+2,8%), SSI (+4,5%), NVL (+4,2%)…
Việc nhiều mã ngân hàng kịp hồi phục giúp giảm đáng kể gánh nặng lên VN-Index, bởi trước đó, đây là nhóm gây sức ép lớn nhất lên chỉ số. Tuy nhiên, thanh khoản không mạnh như các phiên gần đây, dao động từ 1-4 triệu đơn vị. HPG khớp lệnh hơn 8,2 triệu đơn vị, cao nhất trong rổ VN30.
Tâm điểm thị trường phiên hôm nay vẫn là diễn biến giao dịch của cặp đôi cổ phiếu HAG-HNG của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. HAG-HNG phiên này cùng bị chốt lời mạnh và đều giảm sàn, về tương ứng 6.630 đồng (-6,9%) và 15.300 đồng (-6,7%). Từ phiên 23/7 đến trước phiên hôm nay, HAG có 3 phiên tăng liên tiếp, trong đó 2 phiên tăng trần, còn HNG cũng tăng mạnh 2 phiên.
Ngày 23/7 cũng là ngày xảy ra sự cố vỡ đập tại tỉnh Attapeu, Lào, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Hoàng Anh Gia Lai là doanh nghiệp đang đầu tư tại tỉnh này, với hàng chục ngàn héc-ta cao su (hầu hết là cây đã trưởng thành) và sân bay giá trị 800 tỷ đồng. Bởi vậy, sự ảnh hưởng của vụ việc tới hoạt động kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai nhận được sự quan tâm của giới đầu tư.
FLC cũng là cái tên gây chú ý khi có thanh khoản mạnh, khớp lệnh 24,9 triệu đơn vị, dẫn đầu HOSE, giảm 3,8% về 5.750 đồng. HAG khớp hơn 19 triệu đơn vị, đứng thứ 2. HNG khớp hơn 5 triệu đơn vị.
Ngoài các mã trên, sắc đỏ cũng chiếm ưu thế ở nhóm cổ phiếu thanh khoản, trong đó các mã CII, GTN, FTM giảm sàn. Cổ phiếu YEG sau phiên trần trước đó, cũng đã giảm sàn ở phiên này về 233.900 đồng (-7%), với chỉ gần 7.000 đơn vị khớp lệnh.