Ông Bình kể, khi đi bán hàng ở khắp nơi trên thế giới, ông nhận thấy, khách hàng nào cũng nhận thức rất rõ rằng, doanh nghiệp phải chuyển đổi số, không chuyển đổi sẽ chết, nhưng họ không biết bắt đầu từ đâu, chọn công nghệ gì, thay đổi sẽ đem lại gì cho họ.
Nhiều doanh nghiệp cứ thấy có gì hay lại làm, hàng loạt dự án chạy song song một lúc, khiến riêng việc quản trị đối tác công nghệ cũng đã đủ nhức đầu. Có công ty tư vấn trong tay, FPT sẽ hỗ trợ khách hàng giải quyết được những vấn đề đó, cung cấp được cho khách hàng chuỗi dịch vụ, sản phẩm trọn gói, từ tư vấn giải pháp đến sản phẩm.
Thành lập từ năm 1993, với doanh thu 30 triệu USD năm 2017, Intellinet được đánh giá là một trong những công ty tư vấn công nghệ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Mỹ (tăng trưởng doanh thu giai đoạn 2013 – 2016 đạt 20 – 25%).
Intellinet có trụ sở chính tại Atlanta (Mỹ), hoạt động trong lĩnh vực tư vấn công nghệ với 150 chuyên gia tư vấn có kinh nghiệm chuyên sâu và 200 khách hàng lớn, trong đó có nhiều khách hàng trong danh sách Fortune 500.
Thương vụ M&A của FPT với Intellinet được cấu trúc theo hướng để người mới có thêm động lực “chiến đấu” khi gia nhập đại gia đình FPT.
Cụ thể, FPT trả 30 triệu USD cho lần thanh toán thứ nhất, phần còn lại sẽ được định giá và trả cho Intellinet sau một khoảng thời gian cố định dựa trên kết quả làm việc của Intellinet, đó có thể là 10 hoặc 20 triệu USD nữa. 10% cổ phần cũng được để lại với mục đích trên.
Tại sao lại M&A một công ty tư vấn chứ không phải công ty cung cấp giải pháp? Ông Bình giải thích, để tư vấn được giải pháp cho khách hàng, cần có các chuyên gia có 20 – 25 năm kinh nghiệm làm việc trong các ngành công nghiệp cụ thể, ví dụ tài chính, ngân hàng, hàng không, bán lẻ, xe hơi, giao nhận…, Intellinet giúp FPT nhanh chóng có đội ngũ đó.
Hai bên kết nối lại có thể cung cấp được giải pháp mà khách hàng mong muốn. Thương vụ này giúp FPT nâng tầm vị thế công nghệ, trở thành đối tác cung cấp các dịch vụ công nghệ tổng thể với giá trị cao hơn và toàn diện hơn cho khách hàng, từ khâu tư vấn chiến lược, thiết kế đến triển khai, bảo hành bảo trì, đặc biệt trong các dự án chuyển đổi số.
“Chúng tôi kỳ vọng vào giá trị cộng hưởng, giúp tạo ra tăng trưởng đột phá cho FPT ở thị trường nước ngoài. Hiện doanh thu từ lĩnh vực chuyển đổi số của FPT tăng trưởng khoảng 50%/năm, có Intellinet, chúng tôi kỳ vọng sẽ tăng trưởng 100 – 150%/năm”, ông Bình nói.
Với riêng thị trường Mỹ, năm 2017, doanh số của FPT đạt khoảng 65 triệu USD, nếu cộng cơ học cả doanh thu của lính mới vào thì trong vòng 12 tháng tới, có thể đạt mốc 100 triệu USD.
Trả lời câu hỏi của Báo Đầu tư Chứng khoán về việc thương vụ này có giúp biên lợi nhuận của FPT gia tăng, vấn đề được các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán quan tâm hàng đầu, đại diện FPT tại Mỹ cho biết, thời gian đầu, hai bên cần có giai đoạn chuyển tiếp để thích nghi, sống chung hòa hợp nên chưa đặt nặng vấn đề về cải thiện biên lợi nhuận.
Tuy nhiên, sau này đây chắc chắn sẽ là mục tiêu phải tập trung. Hiện biên lợi nhuận ròng tại thị trường Mỹ của FPT đạt 17%, sau 6 – 12 tháng tới, sẽ nâng lên 20%.
Như vậy, có thể thấy khá rõ, bên cạnh việc mở rộng các không gian kinh doanh mới từ việc cung cấp giải pháp tổng thể cho khách hàng, mở rộng tập khách hàng của hai bên, M&A đang là phương thức giúp FPT gia tăng hiệu quả kinh doanh.
Khi có thêm nhiều cơ hội, Tập đoàn có thể lựa chọn khách hàng, tập trung vào những dự án đem lại hiệu quả hoặc biên lợi nhuận cao.
“Riêng trong lĩnh vực chuyển đổi số, giá cả mà FPT thương thảo với khách hàng phải đạt mức tương đương ở các thị trường phát triển, không có chuyện giá thấp”, lãnh đạo FPT tự tin cho biết.
“Đích ngắm tiếp theo của chúng tôi là Nhật Bản và châu Âu”, ông Bình nói.
Vào đúng ngày FPT và Intellinet đặt bút ký vào hợp đồng “hôn nhân”, Công ty đã nhận được đơn hàng đầu tiên trị giá 2 triệu USD và triển vọng sẽ tăng lên 10 triệu USD với một công ty đóng chai của Coca Cola tại Mỹ. Một hợp đồng tiềm năng khác với nhà cung cấp máy ATM lớn trên toàn cầu cũng được đưa vào “lập trình”.
Trong kinh doanh, ai cũng thích sự may mắn, đó có thể là dấu hiệu “mở hàng” cho một mối duyên tốt đẹp từ M&A. Ông Trương Gia Bình trong phần chia sẻ với những cộng sự mới cũng không quên giao nhiệm vụ bằng một loạt cuộc gặp gỡ 15 tập đoàn tiềm năng mà các chuyên gia Mỹ sẽ phải tham gia sát cánh cùng ông trong 2 chuyến công tác tại châu Âu, Hàn Quốc tới đây.