Tuy nhiên, Tổng cục Hải quan cho biết, tổng lượng phế liệu tồn đọng tại các cảng trên cả nước ngày càng gia tăng.
Tính đến ngày 26/6, số lượng phế liệu nhập khẩu tồn đọng là 5.724 container, trong đó các cảng do Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn quản lý là 4.480 container, các cảng của TP Hải Phòng tồn đọng 737 container quá hạn trên 90 ngày và 507 container có thời hạn từ 30-90 ngày. Ước tính khoảng 20% là phế liệu giấy, 80% còn lại là phế liệu nhựa và phế liệu khác.
Đáng chú ý, theo Tổng cục Hải quan, trong số hàng nghìn container phế liệu tồn đọng có nhiều container vô chủ.
Quá trình xác minh, ông Mai Xuân Thành, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cho biết, những container này có dấu hiệu gian lận, lấy tên địa chỉ không rõ ràng minh bạch, không có giấy phép nhập khẩu của Việt Nam.
Những chủ hàng này đối phó với cơ quan quản lý bằng cách không khai trong tờ khai E-Manifest, nhưng thực tế có phế liệu, sau khi dỡ hàng xuống cảng mới khai báo cụ thể số lượng, chủng loại hàng phế liệu.
Hoặc có những chủ hàng không có giấy phép nhưng vẫn nhập về, nếu không có cơ quan điều tra vào kiểm tra thì có người đến nhận, nếu có cơ quan điều tra thì không ai nhận. Việc xác minh nhận diện chủ hàng rất khó khăn.
Đặt vấn đề về cách thức xử lý những container này, ông Thành nêu: “Đối với hàng vô chủ đó, chúng ta sẽ xử lý như thế nào trong khi họ không có giấy phép? Bộ cũng cần cương quyết việc cho dỡ hàng hay không dỡ hàng khi không có giấy phép của Bộ vì hiện nay họ không cần người nhận nữa, chỉ cần đưa vào là xong”.
Để ngăn chặn tình trạng trên, phải có giấy phép nhập khẩu của Việt Nam thì mới được dỡ hàng xuống cảng.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, Việt Nam cần sớm ban hành quy chế phòng ngừa, kiểm soát từ xa việc nhập khẩu phế liệu. Thay vì khi tàu cập cảng, hàng hóa được vận chuyển lên bờ mới làm thủ tục kiểm tra hàng hóa, kiểm tra giấy phép nhập khẩu để thông quan, cần phải có biện pháp kiểm tra từ ngoài biên giới.
Tại cuộc họp về quản lý nhập khẩu phế liệu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất diễn ra ngày 12/7, Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà cho biết, cơ quan này vừa trình Chính phủ tờ trình về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường. Trong đó, bổ sung các quy định cụ thể về hoạt động nhập khẩu và sử dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất. Nghị định sẽ nêu rõ: đối với phế liệu, nghiêm cấm tạm nhập tái xuất, cấm trung chuyển qua các cảng biển của Việt Nam.