UBCK vừa có thông báo đến các Sở GDCK về việc tăng cường giám sát, xử lý vi phạm chế độ báo cáo, công bố thông tin. Theo đó, nếu DN niêm yết xin gia hạn công bố thông tin mà không thuộc các trường hợp được tạm hoãn, Sở GDCK phải có văn bản yêu cầu DN niêm yết thực hiện đúng quy định, đồng thời công bố ý kiến này trên website của các Sở. Trường hợp phát hiện vi phạm, các Sở phải báo cáo UBCK trong thời gian sớm nhất để kịp thời xử phạt vi phạm hành chính. Nếu DN niêm yết vi phạm công bố thông tin nhiều lần và có các dấu hiệu không minh bạch về tài chính, các Sở phải có biện pháp xác minh, làm rõ. Căn cứ tính chất, mức độ vi phạm về báo cáo, công bố thông tin, các Sở sẽ có biện pháp xử lý như đưa cổ phiếu vào diện cảnh báo, bị kiểm soát theo đúng quy chế. Ngoài ra, các Sở có thể sửa đổi, bổ sung Quy chế niêm yết để tùy mức độ vi phạm của DN mà áp dụng các biện pháp như tạm đình chỉ giao dịch đối với cổ đông nội bộ, cổ đông lớn, người có liên quan; tạm ngừng giao dịch và hủy niêm yết đối với tổ chức niêm yết có hành vi vi phạm nhiều lần chế độ báo cáo, công bố thông tin…
Giới phân tích nhận định, nếu thực hiện theo đúng yêu cầu của UBCK, khối lượng công việc đè lên vai các Sở GDCK sẽ rất lớn. Bởi vi phạm công bố thông tin ở DN niêm yết hiện đã thành hệ thống. Chưa bao giờ đến hạn mà 100% công ty trên sàn thực hiện đúng nghĩa vụ này. Đáng nói là tỷ lệ DN chậm nộp BCTC quý ngày càng tăng. Như trong quý II/2011, có đến 70% DN niêm yết không nộp BCTC đúng hạn. Lại không thiếu đơn vị chỉ nộp vỏn vẹn kết quả kinh doanh tóm tắt, thiếu dữ liệu về bảng cân đối kế toán, báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng như thiếu các giải thích tận tường. Vì thế, nhiều khoản lời, lỗ ở DN, nhà đầu tư không biết từ đâu mà có.
Đó là chưa kể đến những lỗi vi phạm như DN không công bố thông tin bất thường, không công khai việc chào mua/chào bán cổ phần theo như quy định; không công bố kết quả đợt chào bán cổ phiếu; không đưa tin liên quan đến hoạt động, quản trị DN…
“Liệu với chừng đó con người, với khả năng hoạt động không khác trước, các Sở có thể đảm đương được vai trò giám sát?”, ông Phạm Thứ Triệu, Phó giám đốc Khối Dịch vụ Ngân hàng Đầu tư, CTCK Thăng Long (TLS) đặt vấn đề.
Trên thực tế, dù vi phạm trong công bố thông tin ở các DN niêm yết khá phổ biến, nhưng số DN bị UBCK “tuýt còi” chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và đa số hình thức xử phạt đều chậm trễ. Điển hình như vi phạm không công bố kết quả chào bán cổ phiếu đúng thời hạn của CTCP Đường Ninh Hòa (NHS) xảy ra vào tháng 7/2010 nhưng đến giữa tháng 8/2011, UBCK mới có quyết định xử phạt.
Trong khi đó, ngoài việc vi phạm ngày càng nhiều, tính chất vi phạm của DN niêm yết cũng tinh vi hơn, vượt ra ngoài các quy định và khung pháp lý, mà DVD là một ví dụ.
Một khía cạnh quan trọng khác, đó là khung xử phạt áp dụng hiện còn quá nhẹ, chưa tương xứng với thiệt hại cũng như chưa đủ sức răn đe. Thử hỏi, nếu mức phạt cho một lần chậm nộp BCTC quý hay không công bố thông tin bất thường lên đến tiền tỷ, liệu DN có dám vi phạm?
Theo các chuyên gia, phạt nặng sẽ giúp DN tuân thủ khuôn phép hơn, cũng như giúp sàng lọc hàng hóa. Những DN nào không thể tuân theo các quy định về công bố thông tin, không chịu được mức xử phạt, sẽ tự động xin rời sàn. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nên chú ý yếu tố “đúng người, đúng tội” trong xử phạt. Bởi hiện nay, có một nghịch lý là vi phạm đến từ một số lãnh đạo DN, nhưng DN chứ không phải cá nhân lãnh đạo đó chịu phạt. Tính ra, cổ đông – những người chủ của DN chịu 2 lần thiệt. Thiệt từ hành vi bị che giấu thông tin, không minh bạch từ lãnh đạo DN và thiệt vì tiền của DN (tức là từ túi của cổ đông) bị trích nộp phạt vì lỗi của người khác.
Tuy nhiên, với cách thức quản trị DN hiện nay, ông Triệu cho rằng, “rất khó tách bạch vai trò của cá nhân ban điều hành khỏi DN”. Cổ đông chỉ có thể rút lui, thoái vốn khỏi những DN thiếu minh bạch như một cách trừng phạt. Ngoài ra, cổ đông có thể hợp sức để tạo tiếng nói trọng lượng, đủ áp lực lên ban điều hành, bãi nhiệm, buộc từ chức đối với những cá nhân làm hoen ố hình ảnh DN.