UBCK Nhà nước đã phối hợp với Viện Nghiên cứu Nomura (Nhật Bản) tổ chức hội thảo “Xây dựng thị trường trái phiếu Việt Nam – nhu cầu triển khai công cụ mới”.
Bên lề hội thảo, ông Đỗ Ngọc Quỳnh – Tổng Thư ký Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (WBMA) – trao đổi với báo giới xoay quanh thực trạng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (DN) hiện nay…
Ông đánh giá như thế nào về việc phát hành trái phiếu DN thời gian gần đây?
Giá trị trái phiếu đang lưu hành trên thị trường ước chừng khoảng 16 tỷ USD. Lượng trái phiếu DN chiếm tỷ trọng nhỏ (10%), còn lại 90% là trái phiếu Chính phủ. Thực tế đã chứng minh, DN phát hành trái phiếu phải xây dựng được nền tảng nhà đầu tư. Thế nhưng, DN phát hành trái phiếu có nhiều nhà đầu tư tham gia, song tính thanh khoản cao chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Có thể kể đến trái phiếu của BIDV, EVN…
Còn trên thị trường sơ cấp, chưa có nhiều giao dịch chuẩn hóa theo đúng thông lệ thị trường. Tại thị trường thứ cấp, nhiều sản phẩm chưa được chuẩn hóa và chưa có cơ sở tham chiếu đáng tin cậy để xác định giá.
Thời gian qua, DN Việt Nam dường như chỉ quan tâm đến việc phát hành làm sao càng nhiều càng tốt, lãi suất càng thấp càng tốt, chứ không quan tâm có bao nhiêu nhà đầu tư, cơ cấu nhà đầu tư ra sao khi mua trái phiếu. Điều này trái ngược hẳn với DN nước ngoài. Ở các nước, khi DN giao cho tổ chức phát hành thì không những chỉ giao khối lượng phát hành mà còn đặt ra chỉ tiêu về cấu trúc nhà đầu tư. Ví dụ: 50% nhà đầu tư nước ngoài, 50% nhà đầu tư trong nước; bao nhiêu nhà đầu tư các nhân, tổ chức…
Nguyên nhân nào dẫn đến thực trạng trên, thưa ông?
Đó là sự tổng hợp của nhiều yếu tố: chưa có một kế hoạch tổng thể, đồng bộ để phát triển thị trường trái phiếu DN. Khung pháp lý, hệ thống giao dịch, lưu ký, thanh toán bù trừ vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Tập quán thương mại và thông lệ thị trường trong giao dịch trái phiếu vẫn chưa được chuẩn hóa.
Thị trường trái phiếu không dành cho mọi đối tượng DN, mà chỉ dành cho những DN lớn, có uy tín, thương hiệu… Thực tế, nhiều DN chưa có uy tín phát hành trái phiếu, công tác phát hành bị buông lỏng, việc chuẩn bị phát hành rất sơ sài; báo cáo tài chính không cụ thể; DN không có trong danh mục định hạng tín nhiệm, nên không thu hút được nhiều nhà đầu tư. Bên cạnh đó, một số ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng thường áp dụng biện pháp bảo lãnh phát hành (mua hết trái phiếu của DN khi không có nhà đầu tư mua). Đây thường là hình thức ngân hàng hỗ trợ vốn cho các DN thân thuộc, thông qua việc mua trái phiếu. Điều này cũng dẫn đến việc DN “dựa dẫm”, ỷ lại trong việc phát hành.
Theo ông, để thị trường trái phiếu DN phát triển, cần phải thực hiện những biện pháp gì?
Muốn thị trường trái phiếu DN phát triển theo chiều sâu, bền vững, theo tôi cần phải có quá trình lâu dài. Về phía DN, khi phát hành trái phiếu, những thông tin về tài liệu chào bán phải công khai. Mục đích, kế hoạch sử dụng vốn cũng như tình hình tài chính của DN rõ ràng. DN phải có định hạng tín nhiệm, phải có báo cáo kiểm toán… Điều này sẽ giúp cho nhà đầu tư quan tâm, bởi họ sẽ dễ dàng tiếp cận và đánh giá danh mục trái phiếu đầu tư. Trong quá trình này, sẽ sàng lọc ra những DN phát hành có uy tín, loại bỏ những DN không đủ điều kiện phát hành.
Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức cho nhà đầu tư để họ có cái nhìn toàn cảnh về thị trường, nhận thức về các đợt phát hành. Hình thành cơ quan xếp hạng tín nhiệm, cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cho DN, giúp cho việc phát hành công khai, minh bạch hơn, định giá thuận lợi hơn.
Về phía WBMA, chúng tôi đang xây dựng đề án phối hợp giữa các thành viên, hệ thống lại hệ thống trái phiếu DN đã và đang phát hành từ trước đến nay, nhằm giúp cho nhà đầu tư có cái nhìn toàn cảnh, để họ tiếp cận thông tin và đầu tư có hiệu quả, giúp cơ quan quản lý có chính sách điều chỉnh kịp thời và DN có thể lựa chọn phương thức phát hành hiệu quả.
Xin cảm ơn ông!