Theo các thành viên của Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), Dự thảo Nghị định về phát hành trái phiếu DN mà Bộ Tài chính sắp hoàn thiện để trình Chính phủ ban hành đặt ra khá nhiều điều kiện quá cao khiến DN khó tìm kiếm nguồn vốn qua kênh phát hành trái phiếu, đồng thời có nguy cơ đẩy thị trường rơi vào trạng thái “chợ chiều” do không đáp ứng được nhu đa dạng của các NĐT.
Nghị định “soi” nhiều, DN dễ “đi đêm”
Theo một thành viên VBMA, Dự thảo Nghị định đưa ra điều kiện phát hành trái phiếu quá cao, chưa phù hợp với trình độ phát triển của thị trường như: DN có thời gian hoạt động tối thiểu 3 năm, 3 năm liền trước thời điểm phát hành phải hoạt động có lãi, phải có báo cáo kiểm toán không có ngoại trừ…
Xét riêng điều kiện “báo cáo kiểm toán không có ngoại trừ”, theo ông Bùi Văn Mai, Tổng thư ký Hội kiểm toán viên hành nghề Việt Nam, có khoảng 20-25% tổng số DN được kiểm toán là không đáp ứng được. Điều đáng chú ý là, trong số này, nhiều báo cáo kiểm toán có điểm ngoại trừ không chi phối đáng kể đến tính minh bạch, cũng như bức tranh doanh thu, lợi nhuận của DN.
Ở một góc nhìn khác, một thành viên VBMA khác phân tích, việc đặt ra điều kiện phát hành ngặt nghèo dễ khiến xuất hiện tình trạng DN “đi đêm” với công ty kiểm toán hoặc kiểm toán viên để có được báo cáo kiểm toán “sạch” khi họ có nhu cầu huy động vốn qua kênh trái phiếu. Nếu không muốn “đi đêm”, nhiều DN sẽ mất cơ hội tìm kiếm nguồn vốn qua kênh trái phiếu với nhiều lợi thế so với vay vốn qua ngân hàng.
Trong khi đó, theo các thành viên của VBMA, thị trường trái phiếu là sân chơi của các NĐT chuyên nghiệp với đa phần là NĐT tổ chức, nên họ có đủ năng lực đánh giá mức độ rủi ro của tổ chức phát hành.
Ông Đỗ Ngọc Quỳnh, Tổng thư ký VBMA cho rằng, cơ quan quản lý đặt ra điều kiện phát hành cao là nhằm giảm thiểu rủi ro cho thị trường, mà bản chất là gia tăng mức độ bảo vệ NĐT, nhưng chưa thực sự phù hợp với trình độ phát triển của thị trường trong giai đoạn hiện tại. Thực tế cho thấy, bức xúc của NĐT hiện chủ yếu liên quan đến những biểu hiện gian dối của DN phát hành. Trong khi gốc rễ của tình trạng này là do DN công bố thông tin không minh bạch, thậm chí công bố sai lệch nhằm trục lợi, nhưng chế tài xử lý thiếu đồng bộ, chưa đủ sức răn đe. Do đó, thay vì đặt ra điều kiện phát hành quá cao, cơ quan quản lý nên bịt “lổ hổng” về bố thông tin với hệ thống chế tài xử lý thật nặng các hành vi vi phạm.
“Chế tài ngăn ngừa DN công bố thông tin sai lệch phải đạt được nguyên tắc quan trọng nhất là DN “đẹp” vừa vừa không thể nói mình là “hoa hậu” nhằm tạo ra nhận thức sai lệch trên thị trường để trục lợi. Hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm phải được tiến hành thường xuyên và thực sự hiệu quả để tạo sức ép cho DN công bố thông tin trung thực”, ông Quỳnh khuyến nghị.
Hẹp cửa cho đầu tư
Tiêu chuẩn phát hành quá cao không chỉ gây khó cho DN, mà theo các thành viên thị trường còn tác động tiêu cực đến cả NĐT, bởi nhiều hàng hoá NĐT cần, thị trường lại không đáp ứng. Trưởng bộ phận kinh doanh trái phiếu của chi nhánh một ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam nhìn nhận, nhu cầu đầu tư trên thị trường trái phiếu rất đa dạng. Những DN chưa xây dựng được hình ảnh tốt, quy mô hoạt động chưa đủ lớn… thì đương nhiên chi phí huy động phát hành trái phiếu phải cao. Vấn đề là trên thị trường có một lớp NĐT sẵn sàng chấp nhận rủi ro đầu tư vào những DN như vậy. Ngược lại, có những NĐT đặt ra tiêu chí chỉ tìm kiếm mức lợi nhuận vừa phải và có mức độ rủi ro thấp, nên họ thích đầu tư vào những DN có định mức tín nhiệm cao…
Thế nhưng, những nhu cầu đầu tư đa dạng trên sẽ khó được đáp ứng do việc đặt ra tiêu chuẩn phát hành quá cao, bởi với đầu vào phát hành như vậy, trên thị trường sẽ chỉ có những mặt hàng chất lượng cao, mà không xuất hiện những loại trái phiếu có chất lượng thấp hơn, nhưng vẫn được thị trường chấp nhận với lãi suất cao để bù đắp rủi ro.