Tuy nhiên, kết quả kinh doanh khả quan cũng không thể giúp cho nhóm CP dầu khí tăng mạnh như kỳ vọng, thậm chí còn suy giảm do ảnh hưởng từ thị trường chung.
Giá dầu nhìn từ Iran
Iran là quốc gia có sản lượng dầu mỏ lớn thứ 3, sau Saudi Arabia và Iraq trong Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC). Sản lượng trong năm 2017 của Iran ước đạt 3,81 triệu thùng/ngày, chiếm 12% tổng sản lượng năm 2017 của khối OPEC. Thực ra ngành công nghiệp dầu mỏ của Iran bị gián đoạn từ tháng 7-2012 đến tháng 1-2016, do lệnh cấm vận quốc tế nhằm để Iran mất nguồn lực tài chính cho công nghệ hạt nhân.
Năm 2015, thỏa thuận hạt nhân Iran đã đạt được giữa quốc gia này và nhóm nước P5+1, bao gồm: Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga, Pháp, Anh, Đức. Theo thỏa thuận, cứ 120 ngày tổng thống Hoa Kỳ sẽ ký gia hạn cho việc miễn trừ các lệnh trừng phạt với Iran. Chính vì vậy, bên cạnh ảnh hưởng từ sản lượng dầu đá phiến, thỏa thuận này cũng góp phần tạo áp lực giảm lên giá dầu khi sản lượng khai thác của Iran tăng mạnh.
Thực tế, giá dầu thô có diễn biến khá tích cực trong những phiên giao dịch cuối tháng 6, nhờ được hỗ trợ bởi thông tin Washington đang thúc đẩy các quốc gia ngừng nhập khẩu dầu Iran. Cụ thể, giá dầu WTI và Brent đã tăng 3,66% và 2,5% USD/thùng lên mức 70,76 và 76,61 USD/thùng.
Trước đó, thông tin chính thức cho biết Hoa Kỳ đang hối thúc các nước đồng minh ngừng nhập khẩu dầu từ Iran từ tháng 11. Cùng với đó, sản lượng dầu của Iran đã giảm mạnh trong vài tháng trở lại đây sau khi Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận năm 2015 giữa Iran và P5+1 (ngày 9-5), từ mức 2,58 triệu thùng/ngày trong tháng 4 xuống mức 2,38 triệu thùng/ngày trong tháng 5, và hiện đang là 1,93 triệu thùng/ngày trong tháng 6.
Đóng góp vào việc tăng giá dầu còn từ thông tin mới được công bố cho thấy, dự trữ dầu thô của Hoa Kỳ giảm đến 9,2 triệu thùng, vượt xa mức giảm được dự báo trước đó là 2,6 triệu thùng.
Ở một diễn biến khác, Saudi Arabia đã có kế hoạch nâng sản lượng lên 11 triệu thùng/ngày vào tháng 7, tăng 200.000 thùng/ngày so với mức hiện tại và là mức cao nhất trong lịch sử. Những thông tin tích cực trên dự kiến sẽ tiếp tục hỗ trợ giá dầu trong thời gian sắp tới.
Doanh nghiệp hưởng lợi
Xu hướng giá dầu tăng, cộng với kế hoạch tái cơ cấu Tập đoàn Dầu khí quốc gia (PVN) cơ bản hoàn tất, chính là 2 yếu tố đóng góp vào sự khởi sắc của các doanh nghiệp dầu khí đang niêm yết. Tổng CTCP Khí Việt Nam (GAS) là doanh nghiệp dầu khí đầu tiên công bố sơ bộ về kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2018 với những con số cực kỳ ấn tượng.
Cụ thể, tổng doanh thu ước đạt 37.455 tỷ đồng (tăng 56%), lợi nhuận sau thuế ước đạt 6.602 tỷ đồng (tăng 57%). Với kết quả này, GAS đã hoàn thành 80% kế hoạch doanh thu và 83% kế hoạch lợi nhuận sau thuế cả năm 2018. Tại ĐHCĐ thường niên 2018, cổ đông của GAS đã thông qua kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2018 với tổng doanh thu đạt 55.726 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 6.429 tỷ đồng, cổ tức tiền mặt 40%.
Theo dự báo của HĐQT, nhiều khả năng GAS sẽ vượt kế hoạch cả năm về doanh thu, lợi nhuận và nộp ngân sách nhà nước từ 10-30%. Cụ thể, tổng doanh thu đạt 25.739 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3.049 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước 2.553 tỷ đồng. Các doanh nghiệp còn lại, dù chưa công bố kết quả kinh doanh 6 tháng, nhưng với kết quả đạt được trong quý I dự báo cũng sẽ ghi nhận kết quả tích cực trong quý II.
Bên cạnh yếu tố giá dầu, một số dự án dầu khí đã được khởi động trong năm 2018, giúp cho nhiều doanh nghiệp hưởng lợi đáng kể. Đơn cử là dự án Cá Tầm của Liên doanh Vietsovpetro với doanh nghiệp hưởng lợi là CTCP Bọc ống dầu khí Việt Nam (PVB); dự án Sao Vàng Đại Nguyệt giúp hàng loạt doanh nghiệp hưởng lợi như Tổng CTCP Dịch vụ kỹ thuật dầu khí Việt Nam (PVS), PVB và CTCP Kết cấu kim loại và Lắp máy dầu khí (PXS); dự án lọc hóa dầu Long Sơn với doanh nghiệp hưởng lợi là PXS; dự án Cá Rồng Đỏ (nếu không bị tạm hoãn) cũng sẽ có hàng loạt doanh nghiệp hưởng lợi như: Tổng CTCP Khoan và dịch vụ khoan dầu khí (PVD), PVS, PVB.
Nhưng giá vẫn đi xuống
Dù ghi nhận được kết quả kinh doanh tích cực, nhưng nhóm CP dầu khí lại không thể bật tăng, thậm chí nhiều mã còn đi xuống. Đơn cử là trường hợp của GAS. Mã CP đầu ngành dầu khí này đã có một đợt tăng mạnh trên mức 130.000 đồng/CP trong tháng 4, nhờ vào kỳ vọng về giá dầu cũng như câu chuyện thoái vốn nhà nước. Thế nhưng, kỳ vọng đó không được như mong đợi của NĐT trước áp lực điều chỉnh chung của thị trường. Trong khoảng 2 tháng trở lại đây, giá CP GAS liên tục điều chỉnh giảm và hiện đang giao dịch ở mức 83.000 đồng/CP trong phiên ngày hôm qua (4-7).
Gây thất vọng nhất trong nhóm CP dầu khí là trường hợp PVD. Trong những phiên giao dịch gần đây, PVD giảm xuống dưới mốc 13.000 đồng/CP. Mức giá này còn thấp hơn cả thời điểm giá dầu giảm xuống đáy trong năm 2015. Lý do khiến PVD lên tục phá đáy là do kết quả kinh doanh không như kỳ vọng. Tại ĐHCĐ thường niên 2018, HĐQT của doanh nghiệp này chỉ đặt mục tiêu doanh thu cả năm 2018 đạt 3.000 tỷ đồng và lợi nhuận không bị lỗ.
Theo giới phân tích, với mức điều chỉnh như hiện nay, nhiều mã CP họ dầu đã quay về mức định giá hấp dẫn và phần nào hợp lý hơn so với các triển vọng trong dài hạn. Có thể lấy dẫn chứng cho nhận định này là mã PVS. Mã CK này được nhiều CTCK đưa ra nhận định về giá mục tiêu trên 23.000 đồng/CP, nhưng mức giá đang được giao dịch trên thị trường hiện giảm về mức 16.000 đồng/CP.
Tương tự là trường hợp của PVB, dù được nhận định sẽ hưởng lợi từ hàng loạt dự án dầu khí được khởi động trong năm 2018 như đã nói ở trên, nhưng CP của doanh nghiệp này sau khi tăng sát mốc 20.000 đồng/CP trong tháng 5 cũng đã liên tục sụt giảm và hiện chỉ được giao dịch trên mốc 14.000 đồng/CP. Trong khi đó, định giá mà giới phân tích đưa ra cho PVB là 19.600 đồng/CP.