Tại Hội nghị phát triển phân bón hữu cơ ngày 9/3, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng: “Nhà kinh doanh phải tìm ra dư địa lợi thế của nhóm sản phẩm này, công suất 100 – 200 triệu tấn mỗi năm, chứ không phải vài triệu tấn như hiện nay”.
Mất cân đối giữa hữu cơ và vô cơ
Theo Báo cáo Thực trạng và Giải pháp phát triển phân bón hữu cơ của Bộ NN&PTNT, nhu cầu sử dụng phân bón ở Việt Nam hiện nay ước tính khoảng 11 triệu tấn các loại.
Việc sử dụng phân bón hóa học trong một thời gian dài sẽ gây ô nhiễm, thoái hóa đất và ảnh hưởng xấu đến chất lượng nông sản. Tuy nhiên, tính đến tháng 12/2017, số lượng sản phẩm phân bón vô cơ đang được sản xuất, nhập khẩu (NK) và sử dụng trong nước nhiều gấp 19 lần so với phân bón hữu cơ (713 sản phẩm phân bón hữu cơ và 13.423 sản phẩm phân bón vô cơ).
Cũng theo Báo cáo, hiện nay cả nước có 180 DN đã được cấp giấy phép sản xuất phân bón hữu cơ, chiếm 24,5% so với tổng số giấy phép sản xuất mà Bộ NN&PTNT và Bộ Công Thương đã cấp (735 giấy phép).
Tổng công suất của các cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ là 2,5 triệu tấn/năm, chiếm 8,5% tổng công suất các cơ sở sản xuất phân bón trong nước (29,5 triệu tấn/năm) và bằng gần 1/10 công suất sản xuất phân bón vô cơ (26,7 triệu tấn/năm).
Do sản xuất trong nước không đủ đáp ứng nhu cầu nên khối lượng phân bón hữu cơ NK trong 3 năm gần đây đều đã tăng đáng kể. Cụ thể, khối lượng NK năm 2017 là khoảng 220.000 tấn, tăng gấp đôi so với năm 2016 (xấp xỉ 102.000 tấn).
“Thiếu các biện pháp hỗ trợ, khuyến khích sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ tại Việt Nam đã dẫn tới sự mất cân đối nghiêm trọng trong việc sử dụng phân bón hữu cơ và vô cơ gây những hệ lụy xấu về môi trường, chất lượng nông sản”, Bộ NN&PTNT cho biết.
Đồng thời, hệ thống tiêu chuẩn về phân bón nói chung và phân bón hữu cơ nói riêng dù đã được xây dựng từ những năm 1990 nhưng vẫn còn thiếu về số lượng, chất lượng và chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Một số tiêu chuẩn, đặc biệt là các tiêu chuẩn liên quan đến vi sinh vật chưa được rà soát, cập nhật, sửa đổi cho phù hợp với thực tế và sự phát triển của khoa học công nghệ sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ. Đến nay, chưa có quy chuẩn kỹ thuật nào trong lĩnh vực phân bón được xây dựng.
Ông Nguyễn Hồng Lam, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Quế Lâm, chia sẻ việc không có hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật dẫn tới cơ quan nào, người tiêu dùng nào cũng có quyền “bắt bẻ” DN.
“Cần có cơ chế chính sách kịp thời để phục vụ người dân, DN phát triển sản xuất phân bón hữu cơ”, ông Lam đề xuất. Bên cạnh đó, đại diện một DN khác phàn nàn để tạo chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ phân bón hữu cơ, DN phải gửi mẫu đi kiểm nghiệm rất nhiều lần.
“Chúng tôi mất 3 năm – cứ gửi mẫu, cho dừng, thử nghiệm, dẫn tới chi phí DN phải chịu rất lớn. Đồng thời hiện nay, các hoạt động sản xuất phân bón hữu cơ đều là tự thân DN nỗ lực, Nhà nước chưa hỗ trợ gì. Do đó, DN phải có đủ tiềm lực tài chính và rất tâm huyết mới có thể làm lâu dài”, vị đại diện DN này nói.
Bỏ kiểu “đánh trống bỏ dùi”
Hiện nay, các DN cũng cho rằng người nông dân đang dần mất đi tập quán sử dụng phân bón hữu cơ. Số lượng cơ sở sản xuất cũng như sản phẩm phân bón vô cơ thời điểm hiện tại cao hơn nhiều lần so với phân bón hữu cơ.
Công nghệ sản xuất phân bón hữu cơ chỉ có một số ít cơ sở sản xuất đầu tư công nghệ tiên tiến, đồng bộ. Chưa có cơ chế, chính sách về tín dụng, đất đai, thuế… để khuyến khích sản xuất, sử dụng phân bón hữu cơ.
Hơn nữa, một trong những vấn đề đang gặp phải hiện nay đối với hệ thống phòng thử nghiệm chất lượng phân bón là chưa có phòng thử nghiệm kiểm chứng, đối chứng đủ năng lực để làm trọng tài. Điều này cũng gây khó khăn nhất định cho công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát chất lượng.
Ông Nguyễn Văn Bộ, Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, cho rằng thời gian tới cần cần có các chính sách hỗ trợ để người dân, DN và các trang trại phải là chủ lực sản xuất mặt hàng phân bón hữu cơ. Chính sách phải nhắm vào đội ngũ rộng lớn này.
“Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ DN đầu tư vào sản xuất phân bón hữu cơ, đặc biệt là sử dụng nguồn nguyên liệu hữu cơ từ ngành nông nghiệp thay vì than bùn như hiện nay. Các chính sách có thể là ưu đãi trong thuê mặt bằng xử lý nguyên liệu và sản xuất phân bón, trong hỗ trợ đăng ký sản phẩm và xây dựng hệ thống kiểm soát chất lượng do nguyên liệu sản xuất phân hữu cơ rất đa dạng và thành phần không ổn định nên việc giám sát chất lượng từng lô sản phẩm rất tốn kém’’.
Theo ông Bộ, Việt Nam có trên 65 triệu tấn chất thải chăn nuôi, khoảng 80 triệu tấn chất thải trồng trọt (từ sản xuất lúa, ngô, đậu đỗ và mía đường). Nếu tận dụng được 60% để sản xuất phân bón hữu cơ thì có khoảng 55 – 60 triệu tấn phân ủ, so với nhu cầu khoảng 110 – 130 triệu tấn/năm cũng mới chỉ đáp ứng được 50%. Trong quá trình này, chỉ có DN mới giúp hiện thực hóa mong muốn nêu trên. ‘’
Ông Nguyễn Hạc Thúy, quyền Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cho rằng phát triển nông nghiệp hữu cơ trước hết là phải phát triển một nền phân bón hữu cơ đồng bộ và coi đây như là chiếc chìa khóa thực hiện một cuộc cách mạng tập quán lâu dài.
Một cuộc cách mạng “đổi mới” tập quán phải là gần như cả hệ thống chính trị, hệ thống DN, các nhà khoa học và bà con nông dân, đồng bộ và phải có sự nhận thức sâu sắc của mỗi ngành, mỗi DN.
“Phải bỏ cái kiểu “đánh trống bỏ dùi”, bước đầu thì hô hào rùm beng, nói mà không làm, lợi ích nhóm, trên bảo dưới không nghe thì mới thành công được”, ông Hạc nhấn mạnh.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, việc thay đổi thói quen chuyển từ phương thức canh tác nặng phân bón vô cơ sang hữu cơ là rất khó nhưng không có nghĩa không làm được.
Thời gian tới, Bộ NN&PTNT sẽ đưa ra các nội dung cụ thể về khuyến khích hơn nữa phát triển sản xuất và sử dụng phân bón hữu cơ vào Luật Trồng trọt, trong đó bao gồm cả các chính sách hỗ trợ về đất đai, thuế, tín dụng cũng như thúc đẩy áp dụng các công nghệ mới.
Về dài hạn, cần xây dựng và đưa ra các chính sách để khuyến khích ưu tiên sản xuất và sử dụng các loại phân bón hữu cơ sử dụng nguyên liệu sẵn có trong nước từ phụ phẩm nông nghiệp, chăn nuôi, rác thải, than bùn… tạo điều kiện thuận lợi về điều kiện đầu tư, kinh doanh cho các DN sản xuất và kinh doanh các loại sản phẩm này; có cơ chế, chính sách hỗ trợ tập huấn.