Muốn giảm giá, phải giảm thuế, ngừng trích quỹ bình ổn
Ngày 10.7, tại phiên họp Ban Chỉ đạo điều hành giá, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chỉ đạo, trong trường hợp giá xăng dầu tăng cao sẽ sử dụng tối đa quỹ bình ổn, tạm dừng trích lập quỹ bình ổn… Phó Thủ tướng nhận định, nếu giảm được giá xăng E5 xuống sẽ có tác động kép, kích thích tiêu dùng và cũng là nhân tố kéo mặt bằng giá xuống.
Để thực hiện được vấn đề này, Phó Thủ tướng đồng tình với phương án chia giai đoạn tăng thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, tăng cường sử dụng Quỹ bình ổn để giảm giá xăng, hoặc có thể ngừng trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu trong một thời gian để góp phần giảm giá xăng dầu; giao Bộ Công Thương xây dựng Đề án giảm thuế đối với nhiên liệu sinh học và chỉ đạo Bộ Tài chính khẩn trương xem xét sửa nghị định để giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng E5.
Liên quan tới vấn đề này, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, vấn đề giảm giá xăng E5 đã được nói tới nhiều nhưng mới chỉ nói chung chung trong khi việc điều chỉnh giá xăng E5 phụ thuộc nhiều vào chính sách thuế, phí. Cơ cấu thuế phí với mặt hàng xăng E5 gồm 4 loại thuế là thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường, thuế VAT, thuế TTĐB nên muốn giảm thì phải xem xét giảm các loại thuế này.
Hai bộ “chuyền bóng”, giảm giá bằng cách nào?
Trao đổi với Báo Lao Động ngày 11.7 về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, muốn giảm giá xăng E5, cần giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế môi trường cho loại xăng này và việc này được nhận định sẽ giúp cho lộ trình xăng sinh học thực hiện theo đúng chỉ đạo và lộ trình đã được phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ.
Tuy nhiên, để giải bài toán này, ông Hải cho rằng, “vấn đề này chủ yếu là thuế” và Bộ Công Thương sẽ phối hợp nhưng Bộ Tài chính cần thực hiện để ra nghị định sửa đổi nghị định cũ liên quan tới thuế TTĐB.
Ông Hải cũng cho hay, Bộ Công Thương đã đề xuất và Phó Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài chính sửa nghị định.
Trong khi đó, theo đại diện của Tài chính, trong vấn đề xăng dầu nói chung và giảm giá xăng E5 nói riêng, đơn vị chủ trì phải là Bộ Công Thương và Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã chỉ đạo Bộ Công Thương xây dựng đề án giảm thuế đối với nhiên liệu sinh học. Bộ Tài chính sẽ có ý kiến khi Bộ Công Thương xây dựng xong đề án trên và từ đó mới có cơ sở xây dựng nghị định sửa đổi nghị định về thuế TTĐB với xăng E5.
Theo đại diện này, việc xây dựng đề án giảm thuế là bắt buộc để có bức tranh tổng thể về xăng E5 cũng như đánh giá các tác động của việc giảm thuế tới giá xăng và thị trường.
Bình luận về vấn đề chuyền bóng giữa hai bộ, chuyên gia Ngô Trí Long cho rằng, đó là hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm trong khi Nghị định 83 đã quy định rất rõ về vai trò của từng bộ trong vấn đề này.
Theo ông Long, Bộ Công Thương phải có trách nhiệm chủ trì chính và “ra đề” với Bộ Tài chính về việc đưa ra các đề xuất giảm thuế. Trên cơ sở đề xuất giảm thuế của Bộ Tài chính, Bộ Công Thương sẽ chủ trì điều tiết các yếu tố khác như trích quỹ bình ổn, lợi nhuận định mức… để từ đó điều tiết giá xăng E5.