Ông lớn cũng gặp lỗi
Phái sinh là một sản phẩm bậc cao của thị trường tài chính chứng khoán, vốn dĩ phải được nghiên cứu, thử nghiệm và triển khai một cách thận trọng, kỹ lưỡng nhưng tại sao tần suất lỗi lại xảy ra tương đối dày như vậy?
Phiên 25-6, hệ thống giao dịch phái sinh tại CTCK HSC đã khiến NĐT không thể đóng vị thế hợp đồng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích nhiều người. Đây cũng được cho là nguyên nhân quan trọng khiến hợp đồng phái sinh VN30F1808 giảm sàn 67 điểm về mức 901 điểm.
Mặc dù HSC đã đưa ra lời xin lỗi và hợp đồng này tăng mạnh trở lại vào phiên kế tiếp, nhưng sự bức xúc của NĐT vẫn chưa nguôi vì những thiệt hại họ phải gánh chịu. Hồi đầu năm 2018, hệ thống giao dịch phái sinh của CTCK SSI cũng liên tục bị gián đoạn trong phiên sáng 26-1, khiến NĐT rất khó giao dịch. Phía SSI cũng đưa ra những lý do như việc thị trường tăng mạnh và mong NĐT thông cảm, nhưng trong thực tế NĐT cũng không biết làm gì khác ngoài… thông cảm.
Rủi ro là một phần tất yếu của đầu tư kinh doanh, nhưng với những rủi ro kiểu như lỗi hệ thống giao dịch phái sinh tại các CTCK là điều khó có thể chấp nhận. Thực tế, không chỉ SSI hay HSC gặp lỗi mà nhiều CTCK khác cũng gặp lỗi tương tự, nhưng mức độ ảnh hưởng khác nhau nên chưa được nói đến nhiều trên truyền thông hay các diễn đàn chứng khoán.
Chi phí đầu tư cho phái sinh, dù chưa thấy CTCK nào định lượng cụ thể, nhưng chắc chắn sẽ không phải là con số nhỏ. Tại ĐHCĐ của một CTCK tốp đầu, CEO của đơn vị này đã nói thẳng rằng đầu tư hệ thống phái sinh là cho tương lai, trong ngắn hạn không thể có lãi. Dù mỗi CTCK có một chiến lược khác nhau, nhưng nhận định trên rất đáng suy nghĩ.
Thực tế, các CTCK tốp đầu đã và đang lớn mạnh, nhưng việc phân bổ nguồn lực thế nào cho hợp lý cũng thách thức không hề đơn giản. Bởi ngoài môi giới, cho vay margin, các CTCK lớn còn phải lo cả tự doanh, tư vấn… Liệu CTCK sẵn sàng đổ tiền cho phái sinh hay vẫn chỉ đầu tư theo kiểu cuốn chiếu, phát triển đến đâu đầu tư đến đó và gây ra rủi ro đầu tư mang tính chắp vá, kéo theo những rủi ro tiềm ẩn về giao dịch.
Khi nào hết lỗi?
Phiên 19-6 ghi nhận GTGD trên thị trường phái sinh đạt trên 10.000 tỷ đồng, nhưng nói như một số môi giới chứng khoán cần có nhiều hơn những phiên này. GTGD lớn nguồn thu từ phí giao dịch của CTCK phái sinh mới cao, từ đó hoạt động đầu tư mới được chú trọng, hiệu quả hơn.
Một NĐT dày dạn kinh nghiệm đã đặt ra vấn đề rất đáng chú ý: Thời gian qua, không chỉ NĐT tham gia phái sinh mà còn có CTCK cũng tham gia để tự doanh cũng như kiểm soát rủi ro. Nhưng nếu hệ thống phái sinh bị lỗi, ảnh hưởng của CTCK có khác gì với NĐT? Rõ ràng, việc CTCK cạnh tranh với NĐT trên thị trường phái sinh cũng không khác so với tự doanh CP và rủi ro về mâu thuẫn lợi ích rất lớn.
Vì vậy, NĐT cần một hệ thống vận hành hiệu quả, minh bạch để giảm thiểu rủi ro. Trong trường hợp CTCK đảm bảo không có xung đột với NĐT, đơn giản là nếu hệ thống gặp lỗi, không chỉ khách hàng ảnh hưởng mà hoạt động tự doanh cũng ảnh hưởng.
Hiện tại, nhiều NĐT băn khoăn việc phí giao dịch phái sinh đang có chiều hướng bị kéo giảm. Chẳng hạn, ban đầu phí giao dịch tại một CTCK lớn là 20.000 đồng/hợp đồng cho 1 lần mua (long) hoặc bán (short). Nhưng gần đây mặt bằng phí lại có chiều hướng giảm xuống 10.000 đồng/hợp đồng cho 1 giao dịch, thậm chí có CTCK còn ưu đãi xuống mức 8.000 đồng/hợp đồng.
Có quan điểm cho rằng dường như các giao dịch phái sinh gia tăng đã khiến CTCK rộng tay khuyến mại để thu hút NĐT, nên dù có giảm phí con số tổng thể thu về vẫn lớn. Tuy nhiên, nếu nhìn sang thị trường margin, quan điểm này chưa hẳn đã chính xác.
Nhiều năm nay, lãi suất margin được duy trì ở mức trên dưới 14%/năm, đặc biệt tại các CTCK lớn, việc khuyến mại lãi suất hiếm khi diễn ra do nhu cầu sử dụng margin càng lúc càng lớn và CTCK không cần phải giảm để hút khách. Việc giảm lãi suất margin chỉ diễn ra tại một số CTCK muốn gia tăng thị phần, hút thêm khách hàng tiềm năng từ các đối thủ về.
Cũng chính vì điều này, khi phí giao dịch phái sinh còn giảm hoặc định ở mức tương đối hấp dẫn, cũng đồng nghĩa nhu cầu thu hút khách hàng của một số CTCK còn rất lớn. Và khi thị trường phái sinh dù vẫn còn tiếp tục tăng, nhưng chưa định hình rõ ràng, một số CTCK vẫn rất cân nhắc trong hoạt động đầu tư.
Nhiều khả năng, hiện tại chưa phải là giai đoạn các CTCK có thể rót vốn một cách mạnh mẽ cho phái sinh giống như đã tăng vốn, phát hành trái phiếu để phục vụ cho margin. Phái sinh vốn dĩ là sản phẩm có nhiều rủi ro nên sẽ là nghịch lý nếu NĐT giờ đây còn phải bổ sung thêm rủi ro hệ thống giao dịch bị lỗi.
Nếu CTCK luôn tuyên bố bảo vệ tối đa quyền lợi cho khách hàng, thiết nghĩ những rủi ro giao dịch phái sinh cần sớm phải được chấm dứt, thay vì để NĐT vừa giao dịch vừa lo lắng. Điều này làm ảnh hưởng đến tâm lý chung của NĐT cũng như khả năng hút tiền tham gia thị trường phái sinh.