Trao đổi với ĐTTC, PGS.TS NGUYỄN KHẮC QUỐC BẢO (ảnh), Trưởng Khoa tài chính, Đại học Kinh tế TPHCM, nhận định trong thời điểm này phá giá VNĐ chưa chắc tăng sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu, ngược lại sẽ gây hệ quả lớn cho nền kinh tế.
Bài toán khó cho NHNN
PHÓNG VIÊN: – Thưa ông, hiện nay vấn đề được đề cập nhiều nhất là tỷ giá đang chịu nhiều sức ép. Ông nhận định như thế nào về vấn đề này?
PGS.TS NGUYỄN KHẮC QUỐC BẢO: – Hiện nay, trên thị trường thế giới, đồng USD đang tăng giá mạnh do nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, lãi suất USD tăng quá nhanh. Ông Jerome Powell, Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED), tuyên bố sẽ đẩy nhanh lộ trình tăng lãi suất đồng USD, nhằm kiềm chế viễn cảnh lạm phát khi phục hồi kinh tế đã quay lại với Hoa Kỳ.
Bởi sau hơn 10 năm chìm trong âu lo về suy thoái kinh tế, người dân Hoa Kỳ đang rất lạc quan, hồ hởi trước sự phục hồi kinh tế và họ sẽ chi tiêu mạnh, điều này sẽ khiến lạm phát tăng lên.
Trong bối cảnh đó, thông điệp sẽ đẩy nhanh lộ trình tăng lãi suất đồng USD của ông Jerome Powell, lại một lần nữa khẳng định với người dân kinh tế Hoa Kỳ đã thoát khỏi bóng ma suy thoái. Khi được truyền thông điệp đó, họ càng chi tiêu mạnh hơn, giúp nền kinh tế Hoa Kỳ càng tăng trưởng.
Bên cạnh đó, dòng vốn quốc tế sẽ đổ vào Hoa Kỳ, đẩy cầu USD tăng mạnh, từ đó đẩy giá USD tăng lên.
Song song đó, tỷ giá còn chịu sức ép từ đồng NDT. Trung Quốc liên tục phá giá đồng NDT càng làm cho hàng hóa Trung Quốc rẻ hơn. Như vậy, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ khó khăn hơn khi cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc.
Theo đó, thu nhập về ngoại tệ của Việt Nam sẽ giảm, kéo theo dự trữ ngoại hối của Việt Nam cũng giảm. Một mặt Trung Quốc là thị trường xuất khẩu của Việt Nam, nhưng do cạnh tranh ngày càng khó khiến thu nhập ngoại tệ giảm. Mặt khác, giá USD trên thị trường thế giới đang tăng lên. 2 yếu tố này như 2 gọng kiềm siết xuất nhập khẩu, siết dự trữ ngoại hối của Việt Nam.
Đây là khó khăn hiện nay, tạo sức ép lên tỷ giá USD/VNĐ và cũng đang là bài toán rất khó buộc NHNN phải giải từ nay đến cuối năm, nếu muốn đạt được cùng lúc 2 mục tiêu ổn định tỷ giá USD/VNĐ, đạt được mức lạm phát 4%, và đảm bảo dự trữ ngoại hối cho những mặt hàng chủ lực như phân bón, thuốc trừ sâu, thép… nhập nguyên liệu sản xuất. Bởi đây là cao điểm các DN sẽ tất toán trạng thái ngoại tệ, cần phải mua ngoại tệ để thanh toán xuất khẩu.
Rủi ro lớn tới nền kinh tế
– Hiện có nhiều ý kiến tranh cãi xung quanh việc nên hay không nên phá giá VNĐ. Quan điểm của ông về vấn đề này?
– Hiện nay có quan điểm cho rằng phá giá VNĐ để tạo sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam. Theo tôi, lập luận đó là quan điểm, tư duy của rất nhiều thập niên trước, đã lỗi thời và thiếu cơ sở. Thứ nhất, phá giá VNĐ sẽ làm cho VNĐ suy yếu.
Quan điểm cho rằng việc phá giá VNĐ sẽ tạo ra sức cạnh tranh cho hàng xuất khẩu của Việt Nam, tức khi VNĐ suy yếu, 1 USD đổi được nhiều VNĐ hơn, mua được nhiều hàng hóa Việt Nam hơn, từ đó tạo ra sức cạnh tranh về giá, giống như Trung Quốc vẫn thường xuyên thực hiện.
Tuy nhiên, hàng Việt Nam và hàng Trung Quốc là 2 câu chuyện khác nhau. Bởi không phải hàng hóa bán được chỉ nhờ vào giá rẻ. Việc hàng hóa có xuất khẩu được hay không còn phụ thuộc vào chất lượng, thương hiệu hay có nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu không. Ngoài ra, xuất khẩu còn có hạn ngạch và rất nhiều yếu tố khác quyết định.
Như vậy, chuyện phá giá VNĐ có hỗ trợ được xuất khẩu hay không vẫn chưa rõ. Trong khi đó, hệ quả của việc phá giá VNĐ tác động rất lớn đối với nền kinh tế Việt Nam. Vì ở Việt Nam, tỷ giá USD/VNĐ rất nhạy cảm, phản ánh niềm tin của người dân vào VNĐ.
Nếu phá giá VNĐ sẽ tạo ra sự mất mát rất lớn trong niềm tin của người dân. Hiện nay áp lực lạm phát của Việt Nam rất cao. Mục tiêu lạm phát Quốc hội thông qua là 4%, và với mức tăng trong 6 tháng đầu năm, dung lượng lạm phát còn lại trong 6 tháng cuối năm rất hạn hẹp. Chính vì vậy, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu phải kiểm soát lạm phát. Như vậy, phá giá VNĐ sẽ mâu thuẫn với chỉ đạo của Chính phủ.
– Khi tỷ giá có dấu hiệu nóng, các DN nhập khẩu tiếp tục lặp lại điệp khúc sốt ruột lo lỗ nặng, và nhiều người cho rằng nguyên nhân vì DN lơ là phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Ý kiến của ông ra sao?
– Hiện nay việc tỷ giá USD/VNĐ tăng đã rõ, DN phải chuẩn bị bằng cách tính luôn kỳ vọng tăng tỷ giá vào trong giá thành sản phẩm, có công cụ phòng ngừa rủi ro như mua hợp đồng kỳ hạn, hay một công cụ nào đó để chốt tỷ giá USD/VNĐ. Bởi xu hướng USD tăng trên thị trường thế giới, không phải riêng Việt Nam.
Về ý kiến nói DN không quan tâm đến việc phòng ngừa rủi ro tỷ giá, thật ra điều này cũng chỉ diễn ra ở một số DN, còn phần lớn DN chịu oan, vì họ muốn phòng ngừa nhưng NH không bán công cụ này, hoặc NH bán công cụ phòng ngừa với giá quá cao, DN mua không có lãi.
Ngoài ra còn có những vấn đề bất cập, chẳng hạn như khi DN phòng ngừa rủi ro tỷ giá, phần đó có được đưa vào chi phí không, có chịu thuế không vẫn chưa được làm rõ. Nhìn chung vấn đề đặt ra hiện nay đối với DN Việt Nam là họ đang sống trong một bầu không khí rất nhạy cảm, rất nhiều tác động và rất rủi ro nhưng thiếu công cụ để phòng ngừa rủi ro.
Cần các công cụ can thiệp thị trường
– Dự trữ ngoại hối tăng kỷ lục đang được xem là công cụ, nguồn lực cần thiết để nhà điều hành can thiệp ổn định tỷ giá. Tuy nhiên vấn đề đặt ra là mỗi khi tỷ giá căng thẳng, NHNN có nên dùng dự trữ ngoại hối để can thiệp thị trường, thưa ông?
– Việc sử dụng dự trữ ngoại hối là cả một nghệ thuật. Hiện nay, dự trữ ngoại hối của Việt Nam dồi dào hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, nhìn vào con số tuyệt đối 63,5 tỷ USD thấy rất lớn, nhưng nếu đo lường dự trữ ngoại hối bằng tuần nhập khẩu, con số lại không lớn, chỉ đạt khoảng 13-14 tuần nhập khẩu. Cho nên dự trữ ngoại hối đó cũng không phải là nhiều.
Trong khi đó, dự trữ ngoại hối nói nôm na cũng giống như sức mạnh của NHNN đối với tỷ giá, và những lực tấn công tiền tệ cũng sẽ nhìn vào đó xem NHNN có bao nhiêu nguồn lực.
Do đó, khi tỷ giá căng thẳng, NHNN “động” bằng cách bán dự trữ ngoại hối cũng phải thực hiện nhịp nhàng, hợp lý. Nếu không khi tấn công tiền tệ diễn ra sẽ rất nguy hiểm. Như trước đây vào ngày 3-7-1997, Thái Lan đã phải thả nổi đồng bạc vì dự trữ ngoại hối của nước này bị sụp đổ.
– Ngoài công cụ này, còn có công cụ nào hỗ trợ tốt cho việc giữ ổn định tỷ giá trong năm nay như mục tiêu của nhà điều hành?
– Hiện nay rất nhiều biện pháp để hỗ trợ ổn định tỷ giá, nhưng cần phải thực hiện một cách đồng bộ giữa nhiều cơ quan. Chuyện điều hành chính sách tỷ giá là việc của NHNN, nhưng một khi câu chuyện đã có tầm nhạy cảm và ảnh hưởng đến nền kinh tế, bên cạnh NHNN, các cơ quan như Bộ Công Thương, Bộ Tài chính… đều phải dùng các công cụ để hỗ trợ thắt chặt nhu cầu ngoại tệ bảo vệ tỷ giá USD/VNĐ. Thắt chặt ở đây chính là rà soát tất cả DN mua USD phục vụ cho mục đích gì, từ đó quyết định nên cho ai vay.
Suy cho cùng, DN chỉ mua USD khi cần mua hàng hóa ở nước ngoài, còn nếu DN mua USD để cất giữ sẽ gây hại cho nền kinh tế. Vì mua USD để cất trong tủ hay trong tài khoản NH là một cách để chống đỡ cho mất giá của VNĐ, nhưng sẽ tạo ra tiêu cực là những DN cần USD để xuất khẩu không có USD để nhập khẩu. Nếu giải được bài toán đó sẽ giải được tỷ giá USD/VNĐ.
– Xin cảm ơn ông.