Theo báo cáo tài chính quý 2/2018 của Petroland, bên cạnh nguồn thu từ hoạt động cung cấp dịch vụ, còn phát sinh mới gần 8 tỷ doanh thu từ hoạt động kinh doanh bất động sản. Tuy nhiên, do doanh thu dịch vụ giảm mạnh, chỉ đạt 3,2 tỷ đồng, nên doanh thu thuần kỳ này của Petroland chỉ đạt hơn 11 tỷ đồng. Trong khi đó, giá vốn hàng bán tăng mạnh, nên lợi nhuận gộp của Petroland âm 232 triệu đồng.
Có thể thấy, quý này Petroland không hề sử dụng đòn bẩy tài chính khi không phát sinh bất kỳ chi phí tài chính nào. Nguồn thu từ lãi tiền gửi tăng 20% giúp doanh thu tài chính cán mốc 2,5 tỷ đồng.
Đặc biệt, trong BCTC hợp nhất công bố lần này, chi phí bán hàng tăng gấp 95 lần so với cùng kỳ, tương đương tăng hơn 8,5 tỷ, trong khi chi phí khác tăng 28,6 tỷ đồng nhưng không được thuyết minh cụ thể trong BCTC. Chính các khoản chi phí này đã đẩy Petroland rơi vào tình trạng lỗ càng thêm lỗ, cuối kỳ ghi nhận lỗ sau thuế hợp nhất 40,8 tỷ đồng.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2017, Petroland cho biết sẽ tập trung vào công tác thu hồi công nợ tại các dự án; thoái vốn khỏi dự án sân golf và biệt thự sinh thái Cam Ranh, khu đô thị mới dầu khí Vũng Tàu, vốn đầu tư tại Công ty Mỹ Phú về Công ty Petroland; chuyển nhượng vốn góp tại dự án Khu nhà ở thương mại Tương Bình Hiệp – Bình Dương và triển khai đầu tư một số dự án ngắn hạn.
Đầu năm 2018, HĐQT Petroland đã quyết định thông qua việc bán toàn bộ phần vốn góp tại Công ty Cổ phần đầu tư Hạ tầng Dầu khí Nha Trang (INT) cho Công ty Cổ phần Địa ốc Đất Xanh (HOSE: DXG). Theo đó, toàn bộ 19,6 triệu cổ phần tại INT được bán với giá 11.519 đồng/cp, tổng giá trị chuyển nhượng ước tính gần 226 tỷ đồng.
Sở hữu số vốn điều lệ lên tới gần 1.000 tỷ đồng cùng nhiều bất động sản nhưng kể từ năm 2017, Petroland đã gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, có một điều bất ngờ, những năm gần đây, Petroland luôn thoát lỗ vào phút chót. Liên tiếp từ năm 2014 đến năm 2016, quý 4 luôn là quý cứu tinh của công ty “họ dầu khí” này. Đáng nói, kết quả kinh doanh của quý này lại hoàn toàn không đến từ hoạt động kinh doanh chính.
Cụ thể, khi kết thúc quý 3/2014, Petroland vẫn ôm khoản lỗ lũy kế 3 quý đầu năm hơn 14 tỷ đồng và đối mặt với rủi ro hủy niêm yết bắt buộc khi 2 năm trước đó, công ty này đều thua lỗ. Tuy nhiên đến quý 4/2014, Petroland bỗng thoát khỏi “bản án” này khi mang về lợi nhuận từ thu phạt hợp đồng đủ giúp cả năm thoát lỗ. Năm 2015, câu chuyện lại được lặp lại khi Petroland lỗ liên tiếp 3 quý đầu và đột biến có lãi trong quý 4 nhờ bàn giao dự án chung cư cao tầng Mỹ Phú. Năm 2016 sau đó cũng diễn biến tương tự với 3 quý đầu lỗ trầy trật và quý 4 lãi cứu cả năm. Khoản lãi này có được cũng không nhờ từ hoạt động kinh doanh chính của công ty. Liệu điều này có thể lặp lại tiếp cuối năm 2018?
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2018 tổ chức hồi đầu tháng 5 vừa qua, đại diện Petroland cho biết riêng quý 1/2018 Công ty đã lãi hơn 32 tỷ thì dự kiến đến hết năm khi đã thoái vốn tại các dự án và giảm lãi ngân hàng thì dự kiến cả năm 2018 Petroland sẽ có lãi từ 70 – 90 tỷ đồng. Đến thời điểm này đã đi qua 6 tháng đầu năm và cắt được lãi ngân hàng xuống 0 đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế lũy kế 6 tháng đầu năm của Petroland vẫn âm 8,6 tỷ đồng.
Kể từ lúc công bố BCTC quý 2 cho đến nay, cổ phiếu PTL của Petroland liên tục giảm điểm, cuối ngày 03/08/2018 giá chốt tại 2.900 đồng/cp.