Tính đến ngày 17/9, tài sản ròng (NAV) của PYN Eilte ở mức 297,3 triệu Euro, giảm 1,65% so với đầu tháng 9 và mất 6,56% giá trị so với đầu năm. Trước đó, quỹ này đã ghi nhận kỳ đầu tiên tăng trưởng trở lại sau 6 tháng liên tiếp sụt giảm tài sản ròng. Tháng 8, NAV của PYN Eilte tăng 5,36%.
12 khoản đầu tư lớn của PYN Elite không nhiều thay đổi. Cổ phiếu MWG của CTCP Thế giới di động (HOSE: MWG) chiếm tỷ trọng cao nhất của danh mục với 15,3% NAV, tương đương 45,5 triệu Euro. Xếp sau là khoản rót vốn vào TPBank trị giá gần 23 triệu USD và HDBank trị giá 20,5 triệu USD, chiếm lần lượt 7,7% và 6,9% NAV. Đây là 2 khoản đầu tư mới của quỹ trong năm 2018, điều này cho thấy sức hút của cổ phiếu ngân hàng Việt Nam. Những khoản đầu tư còn lại bao gồm HBC (6,5%), KDH (5,8%), CII (5,3%), PAN (5,1%), VCG (5%)…
Tính đến 14/9, có 5/12 khoản đầu tư lớn của PYN Elite mang về lợi nhuận cho quỹ này, trong đó PAN là cổ phiếu dẫn đầu. Trong gần 9 tháng qua, khoản góp vốn của PAN đã đóng góp 8,41 triệu Euro cho tài sản ròng của quỹ, gấp đôi so với lợi nhuận từ khoản đầu tư thứ hai vào KDH 4,58 triệu Euro. PAN cũng là cổ phiếu duy nhất trong lĩnh vực nông nghiệp được quỹ này đầu tư trên thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tính từ đầu năm, cổ phiếu PAN đã tăng 61% và đang dừng quanh mức 58.000 đồng/cp. Vừa qua, CTCP Tập đoàn Pan (HOSE: PAN, The PAN Group) thông báo phát hành riêng lẻ tối đa 14,86 triệu cổ phần cho đối tác Nhật Bản – Tập đoàn Sojitz với giá không thấp hơn 55.000 đồng/cp, dự kiến thu về hơn 817 tỷ đồng.
3 khoản góp vốn tiếp theo duy trì đóng góp vào NAV của PYN Elite là CEO mang về 4 triệu Euro, VND hơn 3,24 triệu Euro và NLG hơn 3 triệu Euro. Ngược lại, khoản đầu tư lỗ nặng nhất của PYN Elite trong 9 tháng đầu năm là CII với 8,76 triệu Euro, theo sau là HBC lỗ 7,56 triệu Euro, HUT lỗ 6,06 triệu USD.
Tính từ năm 2008 đến nay, tài sản ròng của PYN Elite đã tăng 562%, cao nhất trong các quỹ đầu tư ngoại tại Việt Nam.
GDP Việt Nam có thể vượt Phần Lan vào 2020
Theo một số nhận định về thị trường chứng khoán Việt Nam trong báo cáo PYN Elite vừa công bố, P/B của cổ phiếu Việt Nam dao động ở mức trung bình thấp khoảng 1,3 lần, trong khi P/E khoảng 15,9 lần. Riêng nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ có P/E khoảng 11 lần.
PYN Eilte đánh giá, các doanh nghiệp tương đồng trên TTCK Việt Nam tăng trưởng tốt hơn so với Thái Lan trong thời gian qua.
Về tình hình vĩ mô, quỹ Phần Lan đánh giá GDP của Việt Nam có mức tăng trưởng trung bình 7 – 8% trong 5-10 năm tới. Nhờ đó, GDP của Việt Nam có khả năng vượt Phần Lan vào năm 2020. Chính phủ Việt Nam đã xây dựng một nền tảng hấp dẫn cho dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ngành sản xuất có được tính cạnh tranh cao trên thị trường xuất khẩu thế giới và tiếp tục chiếm lĩnh thị phần từ các nước khác.
Quỹ PYN Elite đã đóng một vai trò quan trọng trong việc mua ròng nước ngoài tại Việt Nam từ năm 2013-2015. Việc mua ròng của quỹ PYN Elite đã làm “dây dẫn” cho các quỹ nước ngoài khác tích cực hơn mua ròng cổ phiếu Việt Nam.