Bên lề buổi họp báo Hội thảo M&A 2018, ông Phan Đức Hiếu, Phó viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung Ương có những chia sẻ liên quan đến hoạt động đầu tư và M&A của các tổ chức nước ngoài diễn ra tại Việt Nam.
Hiện nay nhiều tổ chức ngoại đang có xu hướng góp vốn, thâu tóm doanh nghiệp Việt Nam, phần nhiều là các đơn vị hoạt động trong ngành bán lẻ, tiêu dùng, F&B… nhằm tận dụng mạng lưới phân phối, thương hiệu và cơ sở hạ tầng có sẵn. Đây là một trong những cách giúp công ty nước ngoài rút ngắn được thời gian xây dựng hệ thống, tiếp cận thị trường Việt Nam.
Theo ông Hiếu, Việt Nam đang có nhiều yếu tố thuận lợi thu hút hoạt động M&A như môi trường kinh doanh cải thiện, chính sách của Chính phủ thúc đẩy thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước…Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là thị trường tiềm năng trong các lĩnh vực tiêu dùng, thanh toán… nhờ lực lượng dân số và hệ thống bán lẻ đang trong giai đoạn phát triển.
Ngoài ra, doanh nghiệp ngoại cũng có cơ hội trong các ngành hạ tầng viễn thông, một số lĩnh vực mà Nhà nước độc quyền, ở khía cạnh nào đó có thể tận dụng khi Chính phủ thay đổi chính sách, mở cửa hơn.
Doanh nghiệp Nhà nước là một trong những nguồn hàng thu hút M&A với khối ngoại. Những đợt bán vốn Vinamilk, Sabeco, Nhựa Bình Minh… diễn ra thành công và tạo được sự chú ý với doanh nghiệp nước ngoài, mang về nguồn thu lớn cho Nhà nước.
Dù vậy, doanh nghiệp Nhà nước không phải là yếu tố chính quyết định môi trường M&A mà chỉ là một trong những nguồn hàng trên thị trường.
Ông Hiếu cũng chia sẻ để đạt được thành công với một thương vụ đầu tư phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Nếu xét từ phía doanh nghiệp bị mua hoặc muốn bán cổ phần, ngoài yếu tố tài chính tốt còn cần những yếu tố phi tài chính, ví dụ như vấn đề thương hiệu, hệ thống… Khối ngoại sẽ căn cứ và những yếu tố trên nhằm tận dụng được thương hiệu nội tại Việt Nam hiệu quả nhất.
Vị Phó viện trưởng CIEM cũng lưu ý rằng, khi doanh nghiệp Việt nhận đầu tư cần chuẩn bị tâm lý cho những thay đổi trong chiến lược, ‘sự đào thải’ nhân sự và những yêu cầu của đối tác. Doanh nghiệp Việt Nam cần phải ý thức được trước khi kêu gọi đầu tư hoặc tiến hành M&A.
Các nhà đầu tư tổ chức khi mua lại doanh nghiệp đều nhắm đến quyền chi phối, đây là điểm hạn chế của bên mua trong khi đàm phán. Hầu hết khi người mua đã bỏ giá lớn đều muốn tham gia vào điều hành doanh nghiệp hoặc đặt ra những yêu cầu cao cho lãnh đạo doanh nghiệp. Điều này có thể châm lửa cho những mâu thuẫn của giữa hai bên.
Thương vụ giữa Ba Huân và Vinacapital là một trong những ‘đổ vỡ’ gần đây trong hợp tác giữa quỹ đầu tư và doanh nghiệp Việt Nam. Trường hợp này mang đến những bài học cho công ty về việc trang bị kiến thức đầu tư và các kỹ năng trong việc đảm phán và dự đoán vấn đề phát sinh.
Ông Hiếu cho rằng, vấn đề của doanh nghiệp Việt Nam là kinh nghiệm trên bàn đàm phán. Nếu lãnh đạo cẩn trọng hơn khi kêu gọi đầu tư và tiến hành M&A, thảo luận kỹ càng sẽ tránh được những tình huống tranh chấp không đáng có.
Những mâu thuẫn có thể xuất phát từ văn hóa, quản trị và chiến lược kinh doanh. Đôi khi đây là điều tất yếu với các doanh nghiệp. Trong trường hợp xung đột, ông Hiếu cho rằng, hai bên tốt nhất nên ngồi lại bàn thương thảo, đàm phán và nếu không thỏa mãn được điều kiện và mục đích thì dừng giao dịch. Cuối cùng nếu không thể đi đến thống nhất mới tính đến việc nhờ tòa án giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi và lợi ích của mỗi bên.
Với trường hợp của Ba Huân và Vina Capital, ông Hiếu cho rằng đây không phải là thương vụ mang tính điểu hình, trước đây đã có nhiều trường hợp tương tự xảy ra.
Thực tế, cả hai bên cũng đã chấm dứt giao dịch sau khi đạt được những thỏa thuận cần thiết và Vinacapital còn để ngỏ khả năng đầu tư lại và Ba Huân. Đưa ra lời khuyến nghị, ông Hiếu cho rằng, không có lời khuyên cố định nào để các thương vụ M&A thành công.
“Chúng ta không thể khuyên bán càng nhiều càng tốt, bán bằng mọi giá mà còn phụ thuộc vào mục đích, chiến lược của mỗi bên”, ông Hiếu chia sẻ.