Mảnh đất màu mỡ
Thị trường du lịch Việt Nam được đánh giá là một trong những thị trường tăng trưởng mạnh nhất thế giới và đứng đầu châu Á. Riêng năm 2017, Việt Nam thu hút gần 13 triệu lượt khách quốc tế và mục tiêu đến năm 2020 sẽ thu hút 20 triệu lượt khách quốc tế. Doanh thu từ du lịch được kỳ vọng đạt 30 tỷ USD vào cuối thập kỷ này.
Từ một đất nước vốn được phần đông khách du lịch cho biết chỉ đến một lần, Việt Nam đã vươn lên trở thành điểm đến hấp dẫn. Đóng góp cho sự tăng trưởng mạnh của ngành du lịch trong những năm qua phải kể đến sự phát triển mạnh mẽ của cơ sở hạ tầng phục vụ cho du lịch, nhất là hàng loạt khu vui chơi, giải trí, nghỉ dưỡng lớn được triển khai. Sự phát triển mạnh của ngành du lịch Việt Nam và sự ra đời của nhiều khu nghỉ dưỡng đẳng cấp đã thu hút nhiều “ông lớn” quản lý khách sạn thế giới đến với thị trường Việt Nam.
Có thể kể đến như Intercontinental Hotels Group (IHG), tập đoàn kinh doanh khách sạn số 1 thế giới, ông chủ của 9 thương hiệu nổi danh toàn cầu là Crowne Plaza, Hotel Indigo, Holiday Inn, Holiday Inn Express, Staybridge, Candlewood, EVEN Hotels, Hualuxe Hotels & Resorts.
Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, tập đoàn này hiện đang quản lý 8 khách sạn, khu resort cao cấp tại những khu vực đắc địa nhất của 3 thành phố lớn là Hà Nội, Đà Nẵng và TP.HCM, trong đó có thể kể đến Khu nghỉ dưỡng InterContinental Danang Sun Peninsula Resort – khu nghỉ mát gồm 180 phòng, 5 biệt thự và hơn 20 phòng suites tại Đà Nẵng của Sun Group.
Ngoài ra, tập đoàn này còn hợp tác cùng BIM Group để quản lý Dự án InterContinental Phú Quốc. Đây là dự án condotel đầu tiên mà IHG quản lý, vận hành trên thế giới.
Cùng với IHG, một tập đoàn quản lý khách sạn toàn cầu khác là AccorHotels cũng đã có mặt tại Việt Nam. Tập đoàn này đang quản lý gần 4.000 khách sạn tại 92 thị trường với các thương hiệu như Sofitel, Pullman, Novotel, Mgallery.
Tại Việt Nam, AccorHotels đang quản lý khoảng 20 khách sạn và được xem là “đối tác ruột” của Sun Group khi quản lý một loạt khách sạn, khu nghỉ dưỡng do Sun Group làm chủ đầu tư như Premier Village Danang Resort, Novotel Danang Premier Han River, Mercure Danang French Village, Bana Hills, Pullman Danang Beach Resort…
Tương tự, một tập đoàn khách sạn khác là Hyatt cũng đã từng bước ghi dấu ấn tại thị trường Việt Nam với hàng loạt dự án như Park Hyatt Sài Gòn, Hyatt Regency Đà Nẵng Resort&Spa, hay Park Hyatt tại Hà Nội.
Ngoài các tên tuổi trên, thị trường khách sạn Việt Nam còn ghi nhận sự xuất hiện của nhiều tên tuổi khác như Absolute Hotel Service (bắt tay với LDG Group quản lý hệ thống khu du lịch và biệt thự nghỉ dưỡng cao cấp Grand World Phú Quốc), Movenpick (hợp tác với Eurowindow Holdings thực hiện dự án nghỉ dưỡng Movenpick Cam Ranh Resort)…, đặc biệt là sự hiện diện lần đầu tiên của Wyndham Hotel Group.
Wyndham Hotel Group là đơn vị đang sở hữu gần 8.000 khách sạn tại 73 quốc gia và vùng lãnh thổ với các thương hiệu như Dolice Hotel and Resort, Baymont Inn & Suite, Wyndham Legend… Tại Việt Nam, tập đoàn này hợp tác với PPC An Thịnh Việt Nam để triển khai Wyndham Soleil Đà Nẵng và tiếp đó là bắt tay với Công ty TNHH Đầu tư Cam Lâm quản lý Swiss-Belhotel & Resort tại Cam Ranh, Khánh Hòa.
Xu thế tất yếu
Đã có kinh nghiệm nhiều năm đại diện cho phía Việt Nam trong liên doanh khách sạn InterContinental Westlake và hiện là Phó tổng giám đốc Khách sạn JW Marriott Hanoi, ông Nguyễn Viết Tạo cho rằng, quản lý khách sạn không đơn thuần là những tiêu chuẩn và kỹ năng thông thường, mà là công nghệ và bí quyết mà doanh nghiệp trong nước khó nắm bắt được. Vì thế, thuê những tập đoàn danh tiếng thế giới quản lý dự án khách sạn, nghỉ dưỡng là sự lựa chọn hợp lý và khôn ngoan của các ông chủ Việt.
Ông Tạo chỉ ra rằng, lợi ích lớn nhất khi thuê các “ông lớn” ngoại quản lý là đảm bảo được nguồn khách. Hiện tại, một số công ty trong nước có thể quản lý được những khách sạn tiêu chuẩn trung bình, nhưng những khách sạn hạng sang và quy mô lớn, muốn đông khách và bán được giá cao, thì phải hướng đến nguồn khách quốc tế. Trong khi đó, các tập đoàn như AccorHotels, InterContinental… có mạng lưới tiếp thị toàn cầu, nên dễ dàng tiếp cận nguồn khách quốc tế đa dạng.
Cũng theo ông Tạo, trong kinh doanh khách sạn, thương hiệu đóng vai trò cực kỳ quan trọng, bởi du khách thường trung thành với những khách sạn có thương hiệu quen thuộc. Những thương hiệu khách sạn thế giới thường có bề dày kinh nghiệm hàng trăm năm, nên có lượng khách hàng thường xuyên rất lớn. Vì thế, gắn thương hiệu quốc tế cho khách sạn là một trong những yếu tố hấp dẫn khách thuê, từ đó đảm bảo doanh thu bền vững.
Đồng quan điểm, ông Đặng Quang Thái, Tổng giám đốc CTCP Đầu tư tài chính Hoàng Minh – công ty mẹ của Cam Lâm, chủ đầu tư Dự án Swiss Belhotel & Resort and Hotels (Cam Ranh, Khánh Hòa) cho rằng, hiện nay, các chủ đầu tư bất động sản Việt Nam đang tích cực tham gia xây dựng các dự án khách sạn để đáp ứng sự phát triển của ngành du lịch. Tuy nhiên, để tạo được bộ máy, hệ thống quản lý, vận hành chuyên nghiệp và gây dựng được thương hiệu ra thế giới, chiếm được lòng tin của khách hàng là điều không dễ dàng.
Nếu thuê các tập đoàn quản lý đã có thương hiệu quốc tế, thì phí truyền thông, marketing trên toàn thế giới rất thấp, mà lượng khách vẫn cao hơn nhiều. Chính vì vậy, việc thuê các đơn vị quốc tế quản lý là một sự lựa chọn đúng đắn của các chủ đầu tư trong nước. Hơn thế, tại Việt Nam, lĩnh vực quản lý khách sạn còn rất mới mẻ, để phát triển được phải bỏ ra rất nhiều thời gian, tiền bạc đào tạo nhân sự và quảng bá thương hiệu ra thị trường quốc tế. Chi phí đào tạo nhân sự, quảng cáo ra nước ngoài cũng rất tốn kém, tổng chi phí cho quảng bá thương hiệu có thể còn lớn hơn việc thuê tập đoàn quốc tế quản lý.
Theo ông Thái, hiện nay, các khách sạn, khu nghỉ dưỡng 5 sao muốn đảm bảo lượng khách và cho thuê với giá cao phải hướng đến nguồn khách quốc tế, mà đây chính là một lợi thế của các nhà quản lý nước ngoài.
“Họ đã đi trước chúng ta hàng chục năm ở ngành quản lý khách sạn, nên thương hiệu của họ đã rất phát triển. Với kinh nghiệm quản lý lâu đời, nắm trong tay hàng trăm khách sạn và mạng lưới hội viên, các tập đoàn này dễ dàng tiếp cận nguồn khách quốc tế đa dạng, mang lại lượng khách dồi dào cho các chủ đầu tư Việt”, ông Thái phân tích.
Tuy nhiên, ông Thái cũng lưu ý rằng, không dễ hợp tác được với các nhà quản lý khách sạn danh tiếng nước ngoài, bởi họ không những đòi hỏi dự án có vị trí tốt, mà còn phải được đầu tư chỉn chu và đẳng cấp theo tiêu chuẩn riêng. Chính vì thế, suất đầu tư để khách sạn gắn được thương hiệu quốc tế rất đắt và chỉ những chủ đầu tư có tiềm lực, có tầm nhìn quốc tế mới hợp tác được.
Tương tự, theo đại diện Savills Việt Nam, các dự án nghỉ dưỡng thu hút được sự quan tâm của nhà điều hành nhiều hơn so với vài năm trước nhờ vào chất lượng sản phẩm tốt hơn, chú trọng vào thiết kế, tăng trưởng niềm tin với các đơn vị quản lý quốc tế, cũng như mong muốn của chủ đầu tư trong việc tạo ra sản phẩm khác biệt.
Theo vị này, trong quá trình chọn lựa và thương thảo hợp đồng quản lý, giai đoạn hoạch định đóng vai trò quan trọng để đảm bảo dự án được thiết kế và phát triển tốt. Tuy nhiên, trước đây, một số chủ đầu tư quá vội vã đẩy nhanh đến giai đoạn thiết kế và xây dựng mà không hoạch định kỹ mô hình kinh doanh hoặc phối hợp với các chuyên gia về quản lý vận hành tham gia vào giai đoạn thiết kế. Các dự án này thường thiếu sự cân nhắc về yếu tố hiệu quả vận hành trong thiết kế hoặc có mô hình kinh doanh chưa phù hợp với điều kiện thị trường.
Do đó, các chuyên gia khuyến nghị, trong quá trình chọn lựa và thương thảo thảo hợp đồng quản lý, chủ đầu tư dự án bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam nên chỉ định đơn vị quản lý tham gia vào dự án từ giai đoạn thiết kế ban đầu.
Hotline Báo Đầu tư Bất động sản: 0966.43.45.46Email:dautubatdongsan.vir@gmail.com