Các DN tôn đang chịu nhiều áp lực trước hàng loạt các động thái chống bán phá giá thép nhập khẩu của Mỹ và sắp tới đây có thể là cả Canada. Mặc dù các hành động này chủ yếu hướng tới đối thủ Trung Quốc, nhưng các DN Việt Nam nhiều khả năng sẽ chịu vạ lây. Một trong số đó là Tập đoàn Hoa Sen khi tỷ trọng xuất khẩu khá lớn trong cấu trúc doanh thu hiện tại.
Giá cổ phiếu HSG Hoa Sen đã đánh rơi gần như toàn bộ mức tăng trong hơn một năm qua và thật ngạc nhiên, hiện chỉ dao động xung quanh mức mệnh giá (10.000 đồng). Chỉ số PE của HSG vì vậy đang đứng mức cực thấp 4,6 lần, nhưng không nhiều nhà đầu tư đủ “tham lam” rót tiền cứu giá.
Có lẽ chưa bao giờ mà tập đoàn dẫn dầu thị trường tôn Việt Nam lại rơi vào thế khó đến thế. Theo Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC), việc Mỹ áp thuế chống bán phá giá sẽ gây tác động chủ yếu đến các DN thép dẹt như Hoa Sen Group, Thép Nam Kim do đây là các công ty có tỷ trọng xuất khẩu lớn nhất trong số các DN thép hiện nay.
“Tôn mạ là mặt hàng được xuất khẩu nhiều nhất với tỷ trọng xuất khẩu lên đến 47% sản lượng tiêu thụ. Do đó các DN sản xuất tôn mạ như HSG và NKG sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng mạnh nhất nếu hàng rào bảo hộ được nâng cao, trong khi các DN sản xuất thép xây dựng như HPG, TIS, POM sẽ ít chịu ảnh hưởng hơn từ chiến tranh thương mại”, BVSC nhận định.
Trong nước, cục diện cạnh tranh khốc liệt dần lộ diện khi đối thủ Hòa Phát bắt đầu cho ra lò những mẻ tôn mạ đầu tiên kể từ tháng 4 năm nay. Đặc biệt một khi Khu liên hợp Dung Quất trị giá gần 2 tỷ USD hoàn thành, Hòa Phát sẽ tự chủ được việc sản xuất thép cuộn cán nóng (HRC) – nguyên liệu chính để sản xuất tôn mạ – và giúp gã khổng lồ này tiến thêm một bước quan trọng trong việc đánh chiếm thị trường miền Trung trở vào.
Ngoài Hòa Phát, một loạt các đối thủ trong nước cũng gấp rút đầu tư vào ngành tôn nhằm hoàn thiện chuỗi giá trị kinh doanh. Có thể kể đến trường hợp của Pomina đang đầu tư nhà máy tôn tại Bà rịa – Vũng Tàu có công suất 600.000 tấn/năm; Nam Kim đang đầu tư thêm 2 nhà máy mới giúp tăng công suất lên gấp đôi, đạt 850.000 tấn; hay đối thủ Tôn Đông Á tiếp tục mở rộng dây chuyền để nâng cấp công suất lên 1 triệu tấn/năm. Trong khi các đối thủ cũ và mới hối hả gia tăng công suất thì siêu dự án Cà Ná của Hoa Sen vẫn tiếp tục nằm trên bàn khi chưa nhận cái gật đầu của Chính phủ.
Trong đại hội cổ đông vừa qua, lãnh đạo Hoa Sen thừa nhận áp lực cạnh tranh cả trong và ngoài nước đang trở nên gay gắt hơn. Trước mắt để đối phó, tập đoàn sẽ tập trung đẩy mạnh bán hàng ở thị trường nội địa và giảm tỷ trọng xuất khẩu. Cụ thể, tập đoàn đặt mục tiêu 70-75% doanh thu đến từ thị trường nội địa và 25%-30% doanh thu đến từ thị trường xuất khẩu. Tập đoàn cũng sẽ tái cấu trúc lại các thành viên và mới đây là chính thức dừng triển khai dự án Khu du lịch suối nước nóng Hoa Sen Hội Vân (Bình Định) để tập trung vào lĩnh vực cốt lõi.
Tất nhiên, nếu nhìn về dài hạn, cơ hội cho Hoa Sen vẫn còn khá lớn nếu tái cơ cấu thành công. Thị trường bất động sản tuy có chững lại trong năm nay, kéo theo đó là lĩnh vực vật liệu xây dựng; nhưng khi nhìn về dài hạn, đây vẫn là lĩnh vực có tiềm năng lớn nhất Việt Nam nhờ tốc độ đô thị hóa mạnh mẽ và nhiều dự án hạ tầng trọng điểm đang được lên kế hoạch triển khai.
Bên cạnh đó, ngày càng nhiều các nhà đầu tư ngoại tìm kiếm cơ hội ở Việt Nam, giúp bổ sung một nguồn lực mới cho thị trường. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 7 tháng đầu năm nay, lĩnh vực bất động sản đã thu hút được 5,6 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, chỉ đứng thứ hai sau lĩnh vực công nghiệp chế biến – chế tạo.
Nhìn chung, triển vọng kinh tế lạc quan và sự ổn định của thị trường bất động sản trong thời gian tới sẽ là nhân tố quyết định đến vận mệnh của Hoa Sen. Và nếu đánh giá tích cực hơn, giá cổ phiếu tương đối thấp hiện tại có thể chưa phản ánh đúng giá trị mà thương hiệu số 1 ngành tôn Việt Nam đang nắm giữ.