Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HOSE) vừa cho biết đã nhận được hồ sơ đăng ký niêm yết cổ phiếu của Công ty cổ phần Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail). Theo đó, FPT Retail sẽ đăng ký niêm yết 40 triệu cổ phiếu, tương ứng vốn điều lệ 400 tỷ đồng. Mã chứng khoán được cấp là FRT.
FPT Retail là một thành viên của Tập đoàn FPT, thành lập tháng 3/2012. Trước đó đã có 3 mã chứng khoán thuộc “họ” FPT lên sàn bao gồm cổ phiếu FPT của Tập đoàn FPT, cổ phiếu FTS của Chứng khoán FPT và cổ phiếu FOX của FPT Telecom.
Ngay trước khi FPT Retail lên sàn, nhóm VinaCapital đã bán bớt 130.640 cổ phần, giảm lượng sở hữu từ hơn 1,15 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 2,88%) xuống còn hơn 1,02 triệu cổ phiếu tương ứng tỷ lệ 2,55%).
Trước đó, tháng 8/2017, FPT đã chuyển nhượng 30% tại FPT Retail, tương đương 6 triệu cổ phiếu, cho các quỹ được quản lý hoặc liên kết với Dragon Capital và VinaCapital.
Sau đợt thoái vốn này, tỷ lệ sở hữu của FPT tại FPT Retail giảm từ 85% xuống 55%. Tiếp đó, trong tháng 12/2017, Tập đoàn FPT đã bán bớt và giảm tỷ lệ sở hữu tại FPT Retail xuống 47% qua đó không còn là công ty mẹ của FPT Retail.
Tại buổi gặp mặt các nhà đầu tư hiện hữu và tiềm năng hồi cuối năm, ông Nguyễn Việt Anh – Phó tổng giám đốc FPT Retail cho biết, tính đến tháng 11/2017, FPT Retail hiện là “nhà bán lẻ lớn thứ 2 tại Việt Nam trong nhóm hàng kỹ thuật số và công nghệ”, vì có 459 cửa hàng hiện hữu tại 63 tỉnh, thành và doanh thu… chỉ đứng sau Thế Giới Di Động (chỉ tính riêng nhóm hàng công nghệ của hai chuỗi Thegioididong.com và Điện máy Xanh).
Hiện nhà bán lẻ này có bốn cổ đông: FPT – 55%, Dragon Capital – 20%, VinaCapital – 15% và nhân viên – 10%. Trong đó, hai cổ đông: Dragon Capital và VinaCapital vừa tham gia góp vốn vào giữa tháng 8/2017.
Trong nhóm bán lẻ hàng điện máy, trước đó đã có Trần Anh (lên sàn chứng khoán Hà Nội, tháng 1/2010), Thế Giới Di Động (sàn chứng khoán TP.HCM, ngày 14/7/2014). Trong khi FPT Retail chỉ kinh doanh nhóm hàng công nghệ, Thế Giới Di Động đã có những chuỗi bán lẻ đa ngành và dịch vụ: thuốc tây, thực phẩm, kinh doanh online với Vuivui.com. Hiện cổ phiếu của FPT Retail đang được săn đón. Vào cuối năm 2017, cổ phiếu của nhà bán lẻ này đã được “pha loãng” lần thứ nhất với tỷ lệ 1:1, nhiều nhà đầu tư đã chào mua với giá lên tới 98.000đ/cổ phiếu.
Được biết, năm 2017, FPT Retail đạt gần 13.200 tỷ đồng doanh thu thuần, lợi nhận sau thuế 290 tỷ đồng, tăng trưởng lần lượt 21% và 40% so với năm trước. FPT Retail đang có nhiều tham vọng mở rộng lĩnh vực kinh doanh, đích đến là ngành dược với quy mô tiềm năng thị trường khoảng 5 tỷ USD.
Chiến lược kinh doanh của FPT Retail trong giai đoạn sắp tới sẽ tập trung vào chiến lược tăng trưởng nội tại và chiến lược tăng trưởng thông qua mở rộng ngành nghề kinh doanh.