Sự biến động mạnh trên thị trường tài chính quốc tế thời gian qua đang có những tác động nhất định đến thị trường tiền tệ Việt Nam. Trả lời phỏng vấn Thời báo Ngân hàng, TS. Võ Trí Thành – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia nhấn mạnh, để ổn định giá trị đồng nội tệ, ghìm cương tỷ giá, việc duy trì lãi suất ở mức hợp lý có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Thời gian tới lãi suất cần phải điều hành “rất nhuyễn” để đảm bảo giữ được mục tiêu lớn ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát nhưng vẫn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Ông đánh giá thế nào về điều hành lãi suất của NHNN trong thời gian qua, đặc biệt là những tháng đầu năm?
Trước hết, tôi thấy cách thức điều hành lãi suất của NHNN rất tốt khi vẫn lấy mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô là trọng tâm chính sách. Thứ hai là thông điệp chính sách rõ ràng. Theo đó, ngay từ đầu năm khi đề cập đến vấn đề giảm lãi suất, NHNN cũng thẳng thắn khẳng định việc giảm lãi suất là rất khó khăn nên không đặt đây là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng. Quan trọng là Chính phủ nhận thấy ngày càng rõ hơn về sức ép lãi suất là khá lớn nên cũng đã đưa ra thông điệp “mềm” hơn đối với vấn đề này.
Mặc dù vậy, thời gian qua NHNN cũng nỗ lực chỉ đạo các ngân hàng cố gắng tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên, sản xuất kinh doanh và hướng dòng tín dụng vào những lĩnh vực này, hạn chế những lĩnh vực rủi ro cao. Đây là điều rất đáng ghi nhận.
Những điều chỉnh chính sách đó cũng ở mức độ rất vừa phải, phù hợp với tình hình thực tế và là nỗ lực của NHNN. Ngay từ đầu năm, đã có nhiều dự báo đánh giá, năm 2018, kinh tế Việt Nam đối mặt với nhiều rủi ro khó lường bất định từ bên trong lẫn bên ngoài. Bên trong áp lực lạm phát có thể tăng, bên ngoài đồng USD có thể lên giá, FED tăng lãi suất nhiều hơn so với năm trước, rồi bây giờ xung đột thương mại các nước lớn lại đang leo thang…
Với diễn biến khó lường như vậy, thời gian tới, việc điều hành chính sách vĩ mô nói chung, chính sách lãi suất nói riêng sẽ đối mặt với nhiều phức tạp hơn. Thông thường lãi suất là giá vốn và nó phản ánh quan hệ thị trường, nhu cầu khả năng hấp thụ vốn… Nhưng ở Việt Nam, lãi suất còn có vai trò rất quan trọng trong ổn định kinh tế vĩ mô; mà ổn định kinh tế vĩ mô vốn là trọng tâm trong chính sách kinh tế của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, nhất là trong bối cảnh hiện nay nó lại càng nhận được sự quan tâm lớn hơn.
Ông có thể phân tích rõ hơn lý do vì sao lãi suất lại có vai trò quan trọng như vậy?
Lãi suất được coi là một trong những công cụ góp phần kiềm chế lạm phát, gắn với nhiệm vụ bảo vệ giá trị đồng tiền. Cho nên không phải ngẫu nhiên khi mà lạm phát cao hoặc là áp lực lên tỷ giá nhiều nước thường phải tăng mạnh lãi suất đồng nội tệ. Ở Việt Nam cũng không phải ngoại lệ, việc điều chỉnh lãi suất phải tương quan thích ứng với diễn biến lạm phát, đặc biệt là phải bám sát biến động tỷ giá để đảm bảo nguyên tắc cầm tiền đồng VND phải có lợi hơn cầm tiền USD.
Như diễn biến hiện tại, không thể đặt vấn đề giảm lãi suất huy động cũng như giảm lãi suất cho vay. Vấn đề quan trọng nhất hiện nay là làm sao giữ được mức lãi suất như hiện tại; hoặc là có thay đổi thì rất nhỏ đã là thành công rất lớn trong điều hành chính sách lãi suất.
Sự thay đổi mà ông đề cập tới có phải khả năng tăng lãi suất không, thưa ông?
Đấy là trong kịch bản bất lợi nhất thì chúng ta buộc phải chấp nhận, nhưng làm sao thay đổi lãi suất ở mức thấp nhất có thể, vì nó còn liên quan đến vấn đề tăng trưởng. Nếu chỉ dùng công cụ này để bảo vệ cho công cụ khác có thể gây tác dụng phụ. Cho nên lý tưởng nhất là mặt bằng lãi suất sẽ giữ nguyên.
Dù chưa thể khẳng định ở ngay thời điểm này, nhưng tôi nghĩ rằng, với kinh nghiệm trong điều hành thời gian qua, NHNN sẽ có những giải pháp điều hành phù hợp để giữ được mặt bằng lãi suất như hiện nay. Chẳng hạn, theo dõi tình hình để bơm – hút, căn chỉnh liều lượng tiền đưa ra nền kinh tế cho thích hợp. Chắc chắn với tình hình hiện nay, tôi nghĩ rằng, NHNN sẽ thận trọng hơn trong việc tăng cung tiền, tín dụng.
Tuy nhiên, để mục tiêu trên khả thi hơn, nếu chỉ một mình NHNN thực hiện khó có thể đạt được mà cần sự phối hợp chính sách của các chính sách khác, đặc biệt là chính sách tài khóa cần được phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ. Ví như, việc phát hành trái phiếu với liều lượng thế nào, lãi suất ra sao… cần phải thông báo sớm về phía chính sách tiền tệ. Hay như chính sách giá, việc tăng lúc nào, mức độ bao nhiêu cũng phải tính toán thận trọng trong bài toán tổng thể vì áp lực lạm phát năm nay lớn hơn nhiều so với năm trước. Yếu tố quan trọng nữa là minh bạch thông tin truyền thông để tránh tác động tâm lý không cần thiết.
Còn nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp mà không thể giữ được mặt bằng lãi suất như hiện tại mà có thay đổi một chút cũng là kết cục chấp nhận được.
Ông đánh giá thế nào về công tác điều hành tỷ giá của NHNN?
Tôi nghĩ rằng, những điều chỉnh chính sách tỷ giá thời gian vừa qua của NHNN là hợp lý. Việc linh hoạt điều chỉnh tỷ giá theo hướng tăng lên ít nhiều có lợi cho hoạt động xuất khẩu, không làm suy giảm năng lực cạnh tranh tỷ giá và bám sát thị trường hơn. Thời gian tới, tôi cho rằng, ứng xử của NHNN cần phải hết sức linh hoạt, triển khai đồng bộ giải pháp cùng với minh bạch thông tin để củng cố lòng tin của thị trường. Đây là thách thức lớn trong bối cảnh bất ổn thế giới ngày càng tăng, tính bất định cao thậm chí có thể xảy ra cú sốc từ bên ngoài.
Nhưng với nguồn lực đang có cùng với khả năng sử dụng công cụ nhuyễn hơn, tôi nghĩ rằng, NHNN vẫn có thể đạt mục tiêu kép là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và ổn định kinh tế vĩ mô, trong đó ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là nền tảng, mục tiêu xuyên suốt.
Xin cảm ơn ông!