Hiệu quả kinh doanh chưa cao
Theo báo cáo tài chính bán niên 2018, lũy kế 6 tháng, doanh thu của OIL đạt 28.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế đạt 320 tỷ đồng (tăng 38%). Tuy nhiên, nếu loại trừ 120 tỷ đồng từ việc hoàn thuế, lợi nhuận trước thuế từ hoạt động kinh doanh cốt lõi sau 6 tháng chỉ đạt 200 tỷ đồng (giảm 30 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2017).
Những con số này cho thấy hiệu quả sản xuất kinh doanh của OIL chưa thật tương xứng lợi thế là 1 trong 2 doanh nghiệp dẫn đầu mảng phân phối xăng dầu tại Việt Nam (chiếm 22% thị phần). Tính đến cuối tháng 7, OIL đã có 611 cửa hàng xăng dầu với khoảng 14.300 giao dịch, khối lượng trên 2.000m3 xăng dầu.
Nguyên nhân khiến OIL chưa phát huy được hết lợi thế đến từ hiệu quả mảng bán lẻ. Cụ thể, OIL tiếp tục mở thêm 13 cửa hàng trong tổng số 42 cửa hàng theo kế hoạch 2018. Theo đó, tỷ trọng bán lẻ tăng từ 23,2% cuối năm 2017 lên 24,5% trong 6 tháng đầu năm và sản lượng phân phối xăng dầu cũng từ đó tăng trưởng 8%. Tuy nhiên, lợi nhuận mỗi lít xăng dầu bán ra giảm nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là nguyên nhân khiến hiệu quả mảng COCO (cây xăng tự quản lý và điều hành) giảm. Trong khi đó, mảng DODO (đại lý) tiếp tục ghi nhận lỗ do tỷ lệ chiết khấu cao. Theo thống kê, trung bình tỷ lệ chiết khấu tại mảng DODO từ 800-1.200 đồng/lít trong 6 tháng đầu năm, và lên đến 1.800 đồng/lít trong tháng 7 vừa qua.
Kỳ vọng luồng gió mới
Tại ĐHCĐ thường niên 2018 được tổ chức cuối tháng 7 vừa qua, cổ đông của OIL chào đón thành viên HĐQT mới là ông Trần Hoài Nam, Phó Tổng giám đốc CTCP Hàng không Vietjet (VJC), đại diện cho nhóm cổ đông gồm VJC và NHTMCP Phát triển TPHCM (HDB). Đây là 1 trong 3 nhóm NĐT đăng ký mua cổ phần để trở thành NĐT chiến lược của OIL.
2 NĐT còn lại là SK Energy (Hàn Quốc) và Idemitsu (Nhật Bản). Ngoại trừ SK, 2 tổ chức còn lại đều dự kiến mua hết số lượng cổ phần Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) muốn thoái, tương đương 44,7% tỷ lệ sở hữu tại OIL. Được biết sau ĐHCĐ, OIL sẽ trình phương án thoái vốn mới. Theo đó, việc thoái vốn có thể sẽ diễn ra theo 2 phương thức: bán hết qua sàn và bán qua sàn theo lô.
Tuy nhiên, khả năng OIL sẽ chọn phương án 2 vì doanh nghiệp có thể lựa chọn được NĐT tiềm năng để trở thành cổ đông chiến lược của mình. Trước đó, HĐQT của OIL đã thông qua tỷ lệ sở hữu NĐTNN xuống còn 6,6% nhằm để dành khoảng 42,4% phần còn lại bán cho cổ đông chiến lược.
Tuy nhiên, điểm yếu cần được khắc phục của OIL là sự “phập phù” trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Chẳng hạn, có những tháng lợi nhuận của OIL tăng vọt lên trên mốc 100 tỷ đồng, nhưng sau đó lại giảm sốc trở lại. Thậm chí, ngay cả kế hoạch sản xuất kinh doanh của năm, theo thừa nhận của ông Cao Hoài Dương, Tổng giám đốc, phải đến thời điểm ngày 31-12 mới chắc chắn có hoàn thành được hay không. Đặc biệt, dù nằm trong Top 2 nhưng thị phần của OIL bị bỏ lại khá xa so với Petrolimex (chiếm 50% thị phần).
Một trong những khó khăn của OIL là không có sự đồng hành của cổ đông chiến lược trong chạy đua cạnh tranh để mua cổ phần. Cuối năm 2017, OIL đã không thành công trong việc mua cổ phần để giữ quyền chi phối 1 doanh nghiệp tại Cà Mau (OIL hiện đang nắm giữ hơn 20% cổ phần). Doanh nghiệp này có 15 cây xăng, vừa kinh doanh xăng dầu vừa kinh doanh bán lẻ. Tuy nhiên, doanh nghiệp đầu mối tư nhân khác đã nhanh chân hơn với lợi thế không có quá nhiều thủ tục phê duyệt, và họ mạnh dạn trả giá nên đã mua được cổ phần.
Từ thực tế này, mục tiêu của OIL là cải thiện hoạt động sản xuất kinh doanh và thu hẹp khoảng cách về thị phần so với Petrolimex (phấn đấu đạt 35% thị phần). Với sự đồng hành của nhóm cổ đông đến từ VJC, hiệu quả kinh doanh của OIL được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn trong những tháng cuối của năm và những năm tiếp theo. Ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh, mối quan tâm lớn nhất của NĐT ở thời điểm hiện tại là kế hoạch chuyển niêm yết CP OIL từ UPCoM sang HOSE hoàn thành trong năm 2019.