Đã thành thường lệ kể từ ngày ông Hà Văn Thắm (cựu Chủ tịch OGC) bị bắt năm 2014, cuộc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên của OGC tổ chức đến lần thứ ba mới thành công.
Sáng 15/8/2018, Đại hội có sự tham gia của cổ đông và người được ủy quyền đại diện cho 93,5 triệu cổ phiếu, tương đương 31,17% vốn điều lệ OGC.
Tại cuộc họp, đại diện OGC công bố 2 văn bản mới nhất của cơ quan chức năng với nội dung, toàn bộ 68 triệu cổ phiếu OGC của Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo và 3,3 triệu cổ phiếu OGC của ông Hà Văn Thắm đã được kê biên phục vụ cho việc thực hiện bản án của tòa án.
Do đó, Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo và người đại diện của ông Hà Văn Thắm không còn quyền cổ đông tại đại hội và các giao dịch liên quan khác.
Mặc dù cố gắng lên tiếng, song Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo không được sự chấp thuận phát biểu từ phía cổ đông OGC và đương nhiệm Chủ tịch Hội đồng quản trị, ông Lê Quang Thụ.
Ngay trước ngày tổ chức Đại hội, ngày 14/8, OGC đã bổ sung nội dung chương trình họp.
Cụ thể, ngày 10/8, OGC nhận được đơn của nhóm cổ đông sở hữu 5,006% cổ phần trong thời hạn liên tục từ 6 tháng trở lên kiến nghị bổ sung nội dung miễn nhiệm tư cách thành viên Hội đồng quản trị của ông Hà Trọng Nam, do ông Nam không thực hiện chi trả khoản công nợ lớn đối với doanh nghiệp, đồng thời bầu thêm 1 thành viên độc lập Hội đồng quản trị và 1 thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2014 – 2019.
Nhóm cổ đông này bao gồm Ngân hàng TMCP Nam Á (nắm 1,47%) và 3 cá nhân khác. Các kiến nghị của nhóm Nam Á Bank đã được Đại hội OGC thông qua với tỷ lệ 93,75%.
Việc Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo và người đại diện của ông Hà Văn Thắm không còn quyền cổ đông dường như là một tín hiệu tốt đối với các cổ đông khác của OGC.
Bởi kể từ biến cố năm 2014, doanh nghiệp này không thể tổ chức được một buổi họp đại hội đồng cổ đông thành công ngay từ lần đầu tiên, hoặc lần thứ hai, do không đủ tỷ lệ tham gia theo quy định.
Trong khi đó, Doanh nghiệp tư nhân Hà Bảo (doanh nghiệp riêng của ông Hà Văn Thắm) là cổ đông lớn nhất của OGC, chiếm tới 28,26% vốn điều lệ.
Việc phụ thuộc quá lớn vào một cá nhân và không có nhóm cổ đông nào mới đủ lớn để chi phối hoặc bổ sung nhân sự cấp cao và dẫn dắt doanh nghiệp khiến trong những năm gần đây, OGC không có nhiều chuyển biến trong việc thu hồi công nợ và sản xuất – kinh doanh.
Giá cổ phiếu OGC từ trên mệnh giá năm 2014 giờ chỉ còn quanh mức 2.000 đồng/cổ phiếu.
Ban lãnh đạo OGC cho biết, đến nay, sự cố năm 2014 vẫn còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của doanh nghiệp. Công ty gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai công tác sản xuất – kinh doanh theo kế hoạch đề ra.
OGC trong tình cảnh thiếu nguồn vốn, cơ cấu các khoản mục đầu tư, các khoản công nợ đến hạn phải trả lớn, cùng với đó khả năng tiếp cận các nguồn vốn vay khó khăn do uy tín thương hiệu doanh nghiệp sụt giảm.
Năm 2017, do phải trích lập các khoản dự phòng khoảng 844 tỷ đồng nên OGC ghi nhận lỗ hơn 471 tỷ đồng, trong khi kế hoạch lỗ khoảng 14 tỷ đồng.
Tuy vậy, Công ty đã hoàn thành được kế hoạch doanh thu đề ra là 1.272 tỷ đồng và dòng tiền từ hoạt động sản xuất – kinh doanh được cải thiện.
Năm 2018, OGC trình Đại hội kế hoạch doanh thu 1.393 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 188 tỷ đồng.
Để có nguồn vốn thực hiện kế hoạch này, Ban lãnh đạo OGC dự kiến sẽ tập trung tái cơ cấu danh mục đầu tư theo hướng tinh gọn, hiệu quả, thoái vốn ở các đơn vị không hiệu quả như PVR, Fafim, ONRC, OCS và tìm các đối tác có năng lực để chuyển nhượng các dự án hiệu quả không cao.
Ngoài giải pháp tại các dự án cụ thể, trong năm nay, OGC sẽ xem xét đầu tư, mua bán cổ phần ở một số công ty khác, nếu có cơ hội.
Mặc dù xác định 2018 tiếp tục là một năm khó khăn, song Ban lãnh đạo OGC tin tưởng, đây là một năm sẽ có chuyển biến đối với Công ty.
OGC tập trung bình ổn doanh nghiệp thay vì đẩy mạnh đầu tư, đồng thời rà soát tái cơ cấu doanh nghiệp và từng bước tạo nguồn vốn ổn định, duy trì các hoạt động kinh doanh.