Hạ mạnh dự báo tăng trưởng toàn cầu
Trong khi các ngân hàng trung ương trên thế giới đang nỗ lực làm dịu cơn hoảng loạn của thị trường do lo ngại dịch Covid-19, Tổ chức có trụ sở tại Paris (Pháp) cũng cảnh báo về khả năng thu hẹp của kinh tế toàn cầu trong quý này.
OECD cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng cả năm của kinh tế toàn cầu xuống còn 2,4% từ mức 2,9% trong dự báo đưa ra hồi tháng 11, đây cũng là mức tăng trưởng yếu nhất kể từ năm 2009. Tổ chức này cũng dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể phục hồi lên 3,3% vào năm 2021 nếu như dịch bệnh đạt đỉnh ở Trung Quốc trong quý đầu tiên của năm.
Kịch bản cơ sở này của OECD được xây dựng với giả định là tình hình dịch không xấu đi đáng kể. Ngay cả như vậy thì kinh tế Trung Quốc vẫn được dự báo sẽ chịu tổn thất nặng và được dự báo chỉ tăng trưởng 4,9% trong năm nay thay vì mức 5,7% như dự báo tháng 11. Đây là mức tăng trưởng thấp nhất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong 30 năm qua. Tuy nhiên theo dự báo của OECD, kinh tế Trung Quốc sẽ hồi phục trở lại mức trước khi dịch bệnh bùng phát vào năm 2021 với mức tăng trưởng 6,4%.
Còn tại khu vực đồng euro, nơi mà số lượng các ca nhiễm bệnh đang tăng nhanh, tăng trưởng năm nay được dự báo sẽ giảm xuống mức 0,8% thay vì mức 1,1% như trong dự báo tháng 11. Tăng trưởng khu vực đồng tiền chung cũng được dự báo sẽ phục hồi lên 1,2% vào năm 2021.
Nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng không nằm ngoài vòng xoáy của dịch Covid-19. Theo đó, OECD cũng đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ xuống còn 1,9% trong năm nay từ mức 2,0% như dự báo tháng 11. Tăng trưởng kinh tế Mỹ cũng sẽ phục hồi lên 2,1% vào năm 2021.
Còn nếu tình hình trở nên tồi tệ hơn khi virus lây lan khắp châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ, tăng trưởng toàn cầu có thể giảm xuống mức 1,5% trong năm nay, OECD cảnh báo. Trong trường hợp đó, sự phối hợp chính sách giữa các nền kinh tế lớn sẽ là cần thiết cho việc chống lại dịch bệnh và kích thích kinh tế.
“Thông điệp chính từ kịch bản suy giảm này là nó sẽ khiến nhiều quốc gia rơi vào suy thoái, đó là lý do tại sao chúng tôi đang hối thúc thực hiện các biện pháp hỗ trợ tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh càng nhanh càng tốt”, Laurence Boone – nhà kinh tế trưởng của OECD nói với Reuters.
Phối hợp hành động
Tuy nhiên mọi thứ có thể trở nên tồi tệ hơn rất nhiều, OECD cảnh báo trong báo cáo của mình. Theo đó trong kịch bản tồi tệ nhất, nếu dịch bệnh không sớm được kiểm soát và lan rộng khắp châu Á, châu Âu và Mỹ, tác động đối với kinh tế toàn cầu sẽ rất nghiêm trọng. Trong kịch bản đó, tăng trưởng toàn cầu có khả năng chỉ ở mức 1,5%, trong đó nhiều nền kinh tế lớn như Nhật Bản và khu vực đồng euro có khả năng cao sẽ rơi vào suy thoái. “Triển vọng của tăng trưởng toàn cầu vẫn không chắc chắn”, OECD cho biết.
Điều đáng quan ngại hơn là tác động tiêu cực của dịch bệnh đối với kinh tế toàn cầu đến khi không ít các ngân hàng trung ương lớn đã cạn kiệt dư địa chính sách sau khi đã cắt giảm lãi suất xuống thấp kỷ lục, thậm chí là lãi suất âm và chi hàng nghìn tỷ USD cho các chương trình mua tài sản.
Trong bối cảnh đó, theo Laurence Boone – nhà kinh tế trưởng của OECD, chính sách tiền tệ có thể không phải là công cụ phù hợp nhất, thay vào đó “chi tiêu có mục tiêu và chính sách kinh tế là cần thiết”. “Nó không chỉ là một cú sốc về nhu cầu, mà còn là một cú sốc niềm tin và cú sốc gián đoạn chuỗi cung ứng mà các ngân hàng trung ương không thể giải quyết một mình”, bà nói.
Có một số biện pháp mà các chính phủ có thể và phải thực hiện ngay lập tức, OECD cho biết. Bao gồm việc hỗ trợ tài chính cho các dịch vụ y tế, cắt giảm thuế, đảm bảo tiền lương cho người lao động, cung cấp thanh khoản cho ngành tài chính, hỗ trợ có mục tiêu cho các ngành bị ảnh hưởng mạnh như du lịch, nới lỏng hơn các quy định về tài chính…
Ngoài virus corona, vẫn còn không ít rủi ro khác đang tiếp tục ảnh hưởng đến triển vọng kinh tế toàn cầu. Những rủi ro này bao gồm căng thẳng thương mại và đầu tư mà vẫn duy trì ở mức cao và có thể lan rộng hơn nữa; sự không chắc chắn đối với tiến trình Brexit. “Sự sụt giảm gần đây trên thị trường tài chính cũng làm tăng thêm khả năng dễ bị tổn thương do mức nợ cao và làm suy giảm chất lượng tín dụng”, OECD cho biết.
Nếu kịch bản xấu nhất trở thành hiện thực, OECD cho biết sự phối hợp hành động giữa các quốc gia và giữa các ngân hàng trung ương được chứng minh là sẽ hiệu quả hơn so với khi các quốc gia hành động đơn lẻ.
Được biết hiện chính phủ và các ngân hàng trung ương đã sẵn sàng cho cuộc chiến chống dịch, nâng cao kỳ vọng họ có thể sớm hành động trong bối cảnh thị trường chứng khoán toàn cầu lao dốc. Theo đó, các ngân hàng trung ương của Nhật và Anh đã cam kết hành động nhằm ổn định thị trường tài chính; trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng phát đi tín hiệu có thể cắt giảm lãi suất. Bộ trưởng tài chính G7 sẽ tổ chức một hội thảo từ xa về cuộc khủng hoảng mang tên Covid-19 trong tuần này.
Hoàng Nguyên