Chu kỳ khủng hoảng 10 năm không lặp lại
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với tất cả các địa phương trên cả nước diễn ra vào ngày 2/7, lãnh đạo Chính phủ đánh giá tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm nay có nhiều chuyển biến tốt.
Giải mã GDP 6 tháng đầu năm 2018 ước tăng 7,08% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của cùng kỳ các năm từ năm 2011 trở về đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, kết quả này có được nhờ cả 3 khu vực là nông nghiệp, dịch vụ, sản xuất công nghiệp đều tăng cao hơn cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản 6 tháng đầu năm nay ghi nhận mức tăng trưởng 3,93%, đóng góp 9,7% vào mức tăng trưởng chung. Đặc biệt, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng trưởng khoảng 9,07%, khu vực dịch vụ tăng trưởng 6,9%, lần lượt đóng góp tới 48,9% và 41,4% vào mức tăng trưởng chung.
Tăng trưởng kinh tế cao còn nhờ thu ngân sách 6 tháng đầu năm nay tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước, khi ước đạt 651.720 tỷ đồng (bằng 49,4% dự toán); vốn FDI đăng ký ước đạt 20,33 tỷ USD, giải ngân ước đạt 8,37 tỷ USD, lần lượt tăng 5,7% và 8,4% so với cùng kỳ năm trước. Nền kinh tế xuất siêu 2,71 tỷ USD trong bối cảnh đáng mừng là có trên 20 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD.
Một diễn biến tích cực nữa là 6 tháng qua, có 64.531 doanh nghiệp được thành lập mới với số vốn đăng ký 648.967 tỷ đồng, tăng 5,3% về số doanh nghiệp và tăng 8,9% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước…
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra khá nhiều khó khăn, thách thức mà nền kinh tế đang phải đối mặt từ nay đến cuối năm.
Đầu tiên là sức ép lạm phát 6 tháng cuối năm tăng cao khi mà CPI 6 tháng qua tăng mạnh chủ yếu do giá xăng dầu, dịch vụ ăn uống, giao thông, vật liệu xây dựng… tăng. CPI bình quân 6 tháng đầu năm nay tăng 3,29% so với bình quân cùng kỳ năm trước. Đây là vấn đề cần có giải pháp cụ thể để kiểm soát lạm phát năm nay không quá 4% như kế hoạch đề ra.
Thủ tướng cũng lưu ý chủ trương không tăng giá điện trong năm nay, giá dịch vụ y tế thì phải có đủ điều kiện mới tăng trên tinh thần giữ lạm phát không quá 4%.
Một tồn tại “nóng” là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, hiện mới đạt 33% dự toán năm. So với năm ngoái, giải ngân vốn đầu tư công có tốt hơn, nhưng đang bộc lộ khá nhiều hạn chế, cần có giải pháp căn cơ để tạo chuyển biến rõ nét trong thời gian tới.
Cải cách môi trường đầu tư kinh doanh tuy có nhiều tiến bộ, nhưng vẫn còn rào cản, cần tiếp tục thúc đẩy hơn. “Gần đây, theo nhận định của một số viện nghiên cứu, việc cải cách này đang có sự chững lại. Có ý kiến cho rằng việc cắt giảm 50% thủ tục kinh doanh thì trong đó chủ yếu là các thủ tục dễ cắt”, Thủ tướng lưu ý.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, một số ý kiến cảnh báo về dấu hiệu khủng hoảng kinh tế theo chu kỳ 10 năm xuất phát từ một số dấu hiệu của khu vực thị trường tài chính, bất động sản. Tuy nhiên, thị trường tài chính đang được kiểm soát tốt, khi thị trường chứng khoán đã có bước điều chỉnh sau khi tăng trưởng nóng; thị trường bất động sản cũng đã hạ nhiệt sau khi triển khai các giải pháp kiểm soát giao dịch nhà đất ở những nơi dự kiến triển khai các đặc khu kinh tế nên khó có khả năng xảy ra khủng hoảng kinh tế. Nhưng trong chỉ đạo, điều hành cần coi trọng chuẩn bị các giải pháp để xử lý kịp thời khi tình huống xảy ra.
Dồn sức gỡ khó cho nền kinh tế
Thể hiện quyết tâm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP đề ra cho năm nay là 6,7%, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần thẳng thắn nhìn nhận yếu kém, tồn tại, từ đó đề xuất Chính phủ có biện pháp cụ thể, hiệu quả hơn để xử lý, khắc phục kịp thời trong 6 tháng cuối năm.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung thảo luận 18 vấn đề lớn như kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển công nghiệp hỗ trợ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, phát triển kinh tế tư nhân…
“Thời gian qua xảy ra nhiều vụ kỷ luật, nhiều vụ án, nhưng không phải vì thế mà chúng ta chùn bước trong phát triển, trong thực thi công vụ. Anh nào chần chừ, không làm việc, không xông pha để làm ra sản phẩm, hoàn thành tốt nhiệm vụ là vấn đề đáng suy nghĩ”, Thủ tướng thẳng thắn.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, tốc độ tăng trưởng GDP 2018 theo hướng giảm dần theo các quý về cuối năm, tuy vẫn đạt mức tăng trưởng khá. Để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP đề ra cho năm nay là 6,7%, thì 6 tháng cuối năm 2018 cần nhiều nỗ lực. Động lực chủ yếu cho tăng trưởng thời gian qua là các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo với những nhân tố đột phá là Samsung và Formosa. Do đó, từ nay đến cuối năm, để tiếp tục tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế, cần tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hoàn thành các dự án trọng điểm, chẳng hạn như Lọc hóa dầu Nghi Sơn… để sớm đưa vào vận hành sản xuất.
“Nhiều chuyên gia cảnh báo kinh tế, thương mại thế giới sẽ khó duy trì đà tăng trưởng trong năm 2019, nên sẽ ảnh hưởng đến các nước xuất khẩu lớn, trong đó có Việt Nam. Do đó, cần tập trung cơ cấu lại nền kinh tế, tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế trước các biến cố trong và ngoài nước…”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý.
Trên cơ sở các kiến nghị của các địa phương, các ngành, trong ngày 3/7, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 6 để thảo luận, đưa ra các giải pháp cho điều hành kinh tế 6 tháng cuối năm theo hướng đảm bảo đạt kế hoạch đề ra.
Cần tiếp tục ưu tiên ổn định kinh tế vĩ mô…
Ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Tuy vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tiếp tục có diễn biến tích cực, nhưng không giữ được mô hình truyền thống, khi tốc độ tăng vốn giải ngân cao hơn so vốn đăng ký. Nguyên nhân là do vốn đăng ký những năm trước đây tăng cao, nay đến thời kỳ họ triển khai theo cam kết.
Năm nay, chúng ta tổng kết 30 năm thực hiện chính sách FDI, nên đây là thời điểm cần có điều chỉnh về định hướng thu hút vốn FDI giai đoạn tới theo hướng không chạy theo số lượng, mà tập trung nâng cao chất lượng, đặc biệt là có cơ chế để thu hút các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, kết nối tốt với các doanh nghiệp trong nước.
Bám sát tình hình kinh tế trong nước và quốc tế để có giải pháp điều hành hiệu quả. Đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, nhanh chóng xây dựng chiến lược quốc gia về thích ứng với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Tập trung đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đẩy mạnh các dự án trọng điểm để đưa vào sản xuất, kinh doanh, qua đó có đóng góp cho tăng trưởng kinh tế…
|
Tiếp tục tập trung cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp
Ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
Hoạt động chỉ đạo đã xây dựng kịch bản điều hành giá hàng hóa, dịch vụ, nhất là các lĩnh vực có tác động lớn đến chỉ số giá tiêu dùng. Hoạt động tổ chức kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công được tiến hành thường xuyên. Việc rà soát những vấn đề bất cập, các điểm nghẽn đối với phát triển kinh tế như hạ tầng giao thông, logictic, thủ tục xuất khẩu… được tích cực triển khai. Nhóm giải pháp chỉ đạo thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp gắn với kế hoạch phát triển của các tập đoàn, tổng công ty đã được triển khai hiệu quả, nên có đóng góp tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
Để thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội đề ra cho năm nay, giải pháp quan trọng là đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu; tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiên quyết thay thế cán bộ, công chức trì trệ, thiếu trách nhiệm. Đặc biệt là tập trung rà soát cơ chế, chính sách để tiếp tục thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện đầu tư, kinh doanh, cũng như chi phí cho doanh nghiệp; ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, đẩy mạnh Chính phủ điện tử…
|