Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (NFSC), thị phần tín dụng tiêu dùng của nhóm ngân hàng thương mại (NHTM) nhà nước tăng mạnh, từ 39% lên 45,7% vào cuối năm 2017, nhóm NHTM cổ phần chiếm 42,4%, trong khi nhóm công ty tài chính chiếm 7,6% (năm 2016 là 9,3%).
Không dễ kiếm “gà đẻ trứng vàng”
Thị trường tài chính tiêu dùng được đánh giá còn nhiều tiềm năng và sẽ bùng nổ trong thời gian tới. Tuy nhiên, không phải công ty tài chính nào cũng kiếm được “gà đẻ trứng vàng”.
Nhìn vào “cặp đôi” VPBank – Fe Credit, hầu hết các công ty tài chính, nhà băng nào cũng phải thèm khát. Fe Credit là DN lớn nhất về thị phần (gần 40%) và đang giữ vị trí quán quân về lợi nhuận với hơn 4.000 tỷ đồng trong năm 2017.
Nguồn lợi nhuận khổng lồ mang về cho DN này khiến các ngân hàng có công ty tài chính khác ắt hẳn cũng đang hình dung về một tương lai tươi sáng. Song sự thật không hề “dễ ăn” như họ nghĩ.
Nhiều công ty tài chính trực thuộc DN nhà nước đang trong cảnh thua lỗ, làm ăn kém hiệu quả như Tài chính Bưu điện, Tài chính Handico, Tài chính Điện lực…
Còn một số công ty tài chính dù đã được ngân hàng mua lại và bơm thêm vốn, hoặc bán cổ phần cho các đối tác nước ngoài, nhưng vẫn chưa thể đi vào hoạt động như dự kiến.
Chẳng hạn, sau khi ra mắt MCredit, công ty Tài chính MB đã liên kết với Shinsei của Nhật bằng việc bán 49% vốn và đổi tên thành MB Shinsei, đưa ra chiến lược phát triển bằng cách tập trung phát triển hai mảng hoạt động chính là cho vay tiền mặt và cho vay trả góp hướng tới phân khúc khách hàng có thu nhập khiêm tốn với thủ tục xét duyệt hồ sơ đơn giản, nhanh chóng.
Cùng với đó, MB Shinsei đặt mục tiêu ngay năm 2017, công ty sẽ nâng vốn lên 800 tỷ đồng và năm 2021 sẽ có số lượng khách hàng tính bằng đơn vị triệu người.
Nhưng mọi sự chẳng hề đơn giản như kỳ vọng. Bởi là kẻ đến sau, rõ ràng MB Shinsei dù có “đũa thần” cũng khó giành được thị phần từ các đối thủ khác.
Dù đa phần công ty tài chính tiêu dùng đang gặp nhiều khó khăn, nhưng vẫn có nhiều “tân binh” mới nhập cuộc và sự nhòm ngó của các nhà đầu tư ngoại như Lotte Card, Shinhan Card… cũng như xu hướng cho vay tiêu dùng qua thẻ đang nở rộ.
Mới đây, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận cho công ty Tài chính Điện lực (EVN Finance) được phép cả cho vay trả góp, cho vay tiêu dùng, thay vì chỉ cấp tín dụng cho DN, cá nhân trong ngành điện như trước. EVN Finance là “tân binh” mới nhất tham gia thị trường tài chính tiêu dùng.
Hay, Tập đoàn Shinhan Financial Group từ Hàn Quốc vừa công bố việc đạt thỏa thuận mua lại công ty Tài chính Prudential Việt Nam với giá gần 151 triệu USD.
Trong tháng 3, Tập đoàn Bưu chính – Viễn thông Việt Nam (VNPT) dự kiến bán đấu giá công ty Tài chính Bưu điện (PTF), với giá khởi điểm 500 tỷ đồng.
“Tân binh” khó cạnh tranh
Theo nhận định của các chuyên gia, tài chính tiêu dùng là lĩnh vực béo bở, tỷ suất sinh lời cao, song sự cạnh tranh vì thế cũng ngày càng gay gắt. Khi đó, “miếng bánh ngon” tài chính tiêu dùng có thể trở thành “cục xương” khó nuốt.
Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá thị phần vẫn nằm trong tay những “ông lớn” đi trước. Bởi sức hấp dẫn của thị trường sẽ là động lực để những “kẻ chiến thắng” không dại gì mà nhường “miếng bánh ngon”, thậm chí họ còn có tham vọng lớn hơn nữa.
Theo báo cáo của công ty Chứng khoán Bản Việt (VCSC), thị trường tài chính tiêu dùng đúng là hấp dẫn với tỷ lệ thu nhập lãi cận biên (NIM) trung bình 20% (gấp khoảng 7 lần so với ngành ngân hàng), mức tăng trưởng bình quân 30% nhưng lại hạn chế đáng kể về quản lý và thi hành, cần tới 3 năm để kiểm chứng.
Hiện nay, 4 công ty lớn nhất đã nắm giữ hơn 80% thị phần, trong đó FE Credit (trực thuộc VPBank) là DN lớn nhất (gần 40% thị phần) và đang giữ vị trí quán quân về lợi nhuận, với hơn 4.000 tỷ đồng trong năm 2017.
Tiếp theo là Home Credit với khoảng 16% thị phần, doanh thu năm 2017 là 29.000 tỷ đồng. Hai doanh nghiệp tiếp theo trong “cỗ xe tứ mã” là HD Saison và Prudential Finance với tổng thị phần khoảng 20%.
Phần còn lại được chia cho khoảng 12 công ty tài chính, trong đó có những đối thủ dù nhỏ nhưng cũng đáng gờm như Mirae Asset Finance, Jaccs và Toyota Finance…
Theo dự đoán của VCSC, thời gian tới, thị phần của 4 “ông lớn” trên sẽ tiếp tục tăng, còn những “tân binh” như MB Shinsei có “tăng tốc” thì cũng chỉ chiếm lĩnh được 10% thị phần vào năm 2019, còn lại những công ty khác sẽ có thị phần từ 2,5% đến 7,5%.