Cách đây không lâu, Bộ phận Phân tích CTCK AVS viết báo cáo bình luận về sự sáp nhập của 3 công ty con vào công ty mẹ của một tập đoàn lớn. Theo quan điểm của AVS, chỉ cổ đông nội bộ trong 3 công ty con được hưởng lợi thực sự. Ít ai biết, sau khi báo cáo được công bố, AVS đã chịu khá nhiều áp lực từ phía DN.
Ông Đoàn Đức Vịnh, Chủ tịch HĐQT AVS bộc bạch: “Có những vấn đề mang tính thời sự muốn chỉ đạo anh em viết để NĐT hiểu rõ, thị trường không bị méo mó. Nhưng khi công bố báo cáo, cả lãnh đạo Công ty lẫn anh em chịu áp lực nhiều quá. Bởi vậy, AVS tạm ngưng vô thời hạn việc ra các báo cáo chuyên đề. Hiện AVS chỉ cung cấp các bản tin hàng ngày”.
Nỗi niềm của lãnh đạo AVS cũng là trăn trở chung của giới phân tích đang cố gắng tiến hành công việc một cách nghiêm túc. Mới đây, bộ phân phân tích một CTCK lớn viết bình luận về động thái tăng vốn trên diện rộng của các DN mía đường. Theo chuyên viên phân tích, các phương án tăng vốn đáng quan sát kỹ, vì nhiều DN đang dồi dào tiền mặt, dư sức đáp ứng được nhu cầu phát triển vùng nguyên liệu. Báo cáo đặt vấn đề phải chăng các kế hoạch tăng vốn có liên quan đến sức khỏe tài chính của các cổ đông lớn trong những DN đó? Mục đích chỉ để lưu ý các cổ đông nhỏ hiện hữu. Dù không đề cập chính danh cổ đông lớn nào, nhưng sau đó vài ngày, CTCK bị một đại gia ngành mía đường gây áp lực, yêu cầu phải đính chính (!).
Chưa bao giờ báo cáo phân tích của các CTCK lại nhiều như hiện nay. Nhưng phần lớn báo cáo giống nhau khi không đi sâu bình luận về những vấn đề nổi cộm tại DN. Lý giải điều này, trưởng phòng phân tích của một CTCK lớn cho rằng, nếu viết thẳng, bình luận thật, thì CTCK có thể sẽ mất luôn quan hệ với DN. Để giữ được hòa khí, thông thường các CTCK chọn cách thể hiện hiền hòa. Áp lực từ DN khiến trên thị trường chỉ có các báo cáo nhàn nhạt, ít thu hút người đọc. Nhiều về số lượng, nhưng nghèo nàn về chất lượng.
Cách đây gần 3 năm, mối quan hệ giữa CTCK HSC và CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) đã xấu đi sau bài phân tích cổ phiếu ITA của một chuyên viên phân tích. Sự việc căng thẳng đến mức ITA ra văn bản “buộc tội”: “Chuyên viên phân tích không đủ trình độ hoặc bóp méo sự thật nên đưa ra các nhận xét sai lệch” và yêu cầu HSC phải đưa ra các biện pháp khắc phục nếu không sẽ kiện ra tòa. Tuy nhiên, HSC bảo vệ đến cùng quan điểm của mình.
Theo thời gian, sự việc chìm xuống, nhưng có lúc căng thẳng đến mức báo giới gọi là “cuộc chiến” ITA – HSC. Ít ai biết rằng, tại thời điểm đó, tự doanh của HSC cũng đang nắm giữ cổ phiếu ITA. Mới đây, Trưởng bộ phận Phân tích của HSC cho hay, sau sự cố trên, mối quan hệ của HSC với ITA đã không còn duy trì. Hiện giờ, để tránh gây các tranh cãi tương tự, với các báo cáo phân tích công ty có yếu tố nhạy cảm, HSC luôn chuyển cho DN xem trước.
Sự cẩn trọng này cũng khiến nhiều báo cáo phân tích được viết công phu, nhưng chịu số phận hẩm hiu, vĩnh viễn nằm im trong máy tính của chuyên viên phân tích. Một trong các “báo cáo chết” là bài phân tích cổ phiếu MSN của một CTCK lớn ở TP. HCM. Khúc mắc giữa DN và chuyên viên phân tích là khâu định giá cổ phiếu. Chuyên viên phân tích định giá cổ phiếu 40.000 đồng/CP, trong khi lãnh đạo MSN nêu quan điểm giá cổ phiếu ít nhất phải gấp đôi con số trên. Không thuyết phục được lãnh đạo DN, báo cáo đã không được công bố. Công sức của cả nhóm viết báo cáo đổ xuống sông xuống biển.
Không phải chỉ DN mới gây áp lực, mà ngay cả lãnh đạo CTCK cũng tạo ra áp lực cho chuyên viên phân tích, đặc biệt về nhận định xu hướng thị trường và kinh tế vĩ mô. Nhà phân tích tại một CTCK có thời gian học tập và làm việc tại Mỹ và Úc tâm sự: Quen với phong cách cũ, báo cáo phân tích kinh tế vĩ mô Việt Nam của anh đã không ngần ngại chỉ ra các vấn đề lớn đang tồn tại như lạm phát, thâm hụt thương mại, tỷ giá… của kinh tế nước nhà. Tuy nhiên, khi báo cáo hoàn thành, tổng giám đốc đã yêu cầu lược bỏ các bình luận, đánh giá nhạy cảm. Phải qua 3 lần chỉnh sửa, sau gần 2 tuần thêm bớt, báo cáo mới được công bố. Lúc đó, nhiều vấn đề đã mất tính thời sự nên báo cáo chỉ còn là một bản tin nguội. Vì lý do này, nên trong các vấn đề gai góc, giới đầu tư trong nước vẫn dành sự quan tâm lớn hơn cho những báo cáo ngoại, khi các nhà phân tích giữ được sự độc lập trong nhận định.
Lướt qua các diễn đàn chứng khoán có thể thấy, NĐT luôn hoài nghi CTCK có động cơ khác phía sau các nhận định. Một phần nghi ngờ này xuất phát từ môi trường phân tích tại TTCK Việt Nam chưa hoàn toàn chuyên nghiệp. Đây là một nỗi “oan nghề” với nhiều chuyên viên phân tích hay CTCK nội địa đang cố gắng tiến hành công việc một cách nghiêm túc.