CTCP Xi măng Bỉm Sơn (Mã: BCC) công bố báo cáo tài chính quý IV/2017. Theo đó, doanh thu thuần quý này hơn 877 tỷ đồng, giảm 18% so với quý IV/2016. Trong đó, quý này không có doanh thu từ công ty mẹ là Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (quý IV/2016 hơn 191,5 tỷ đồng). Lợi nhuận sau thuế hơn 56 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ.
Lỗ sau 2 năm tăng trưởng
Lũy kế cả năm 2017 doanh thu thuần đạt 3.475 tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2016. Doanh thu của Xi măng Bỉm Sơn chủ yếu nhờ bán xi măng và clinke.
Trong năm 2017 doanh thu hoạt động tài chính không đáng kể, chưa đến 270 triệu đồng, chủ yếu thu lãi tiền cho vay; trong khi năm 2016 doanh thu tài chính đạt hơn 13 tỷ đồng nhờ ghi nhận lãi chênh lệch tỷ giá. Chi phí tài chính trong năm gần 114 tỷ đồng, giảm gần 4 tỷ đồng so với cùng kỳ. Đáng chú ý, chi phí bán hàng còn 169 tỷ đồng, giảm 95 tỷ đồng so với năm trước đó; chi phí quản lý doanh nghiệp cũng giảm được gần 53 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do cả quý 2 và quý 3 đều lỗ lớn nên dù quý 4 lãi hơn 56 tỷ đồng cũng không đủ xóa hết lỗ lũy kế, Xi măng Bỉm Sơn chấp nhận lỗ sau thuế gần 4,6 tỷ đồng trong năm 2017 trong khi năm 2016 lãi sau thuế gần 250 tỷ đồng.
Không chỉ ghi nhận thua lỗ trong năm 2017, báo cáo tài chính của BCC còn cho thấy những vấn đề đáng lo ngại trong cơ cấu tài sản và nguồn vốn, mà nổi cộm là các sự chênh lệch giữa tài sản ngắn hạn và nợ ngắn hạn khá lớn. Nếu trước 2013, BCC vẫn duy trì tỷ lệ thanh toán ngắn hạn (tài sản ngắn hạn/ nợ ngắn hạn) ở mức 0,6 thì từ 2014 trở lại đây, tỷ lệ này đã giảm xuống chỉ còn dưới 0,5. Điều này dẫn đến rủi ro thanh toán và áp lực trả nợ gốc cùng với chi phí lãi vay hàng năm.
Tính đến cuối năm 2017, các khoản vay và nợ thuê tài chính của BCC có xu hướng tăng với 1.468,6 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn và hơn 385,75 tỷ đồng. Trong đó, các khoản vay tập trung chủ yếu tại Ngân hàng Vietinbank, Ngân hàng BIDV và khoản 150 tỷ đồng vay từ Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam.
Không những vậy, do ảnh hưởng của việc thua lỗ và gia tăng các khoản vay và nợ thuê tài chính, khiến cơ cấu của BCC đã chênh lệch, nay càng nghiêng mạnh hơn về phía nợ. Tính đến hết 31/12/2017, nợ phải trả của BCC chiếm tới 62,8% nguồn vốn, với 60,93% tổng nợ là các khoản vay ngắn hạn và dài hạn. Cơ cấu nợ lớn khiến BCC đối mặt với rủi ro thanh toán khi nợ ngắn hạn tới hạn do phần lớn tài sản nằm ở mục tồn kho và phải thu, nhất là khi BCC đang duy trì lượng tiền mặt không phải lớn so với quy mô doanh nghiệp.
Gánh nặng đầu ra
Kể từ khi quy định mới về thuế suất tài nguyên được áp dụng đầu năm 2017, toàn ngành xi măng nói chung và BCC nói riêng gặp không ít khó khăn. Kết quả kinh doanh những doanh nghiệp ngành xi măng đang niêm yết, trong đó BCC theo đó cũng suy giảm đáng kể.
Được biết, những năm gần đây BCC xuất khẩu xi măng thông qua đầu mối là Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM). Năm 2016, sản lượng xuất khẩu BCC đạt 436.000 tấn, chiếm 11,2% tổng sản lượng xi măng bán ra. Tuy nhiên, năm 2017 BCC không còn hạn ngạch xuất khẩu xi măng thông qua VICEM mà phải chủ động tìm kiếm thị trường mới. Tuy nhiên, đây là việc không đơn giản bởi chính sách đánh thuế xuất khẩu 5% đối với mặt hàng xi măng và clinker đang làm giảm khả năng cạnh tranh của xi măng và clinker Việt Nam. Tình hình càng thêm khó khăn với BCC với chính sách mới của công ty mẹ VICEM (đang nắm giữ 73,14% vốn điều lệ).
Theo đó, nhằm tối ưu hóa hoạt động của công ty mẹ, BCC sẽ ngừng cung cấp xi măng từ khu vực Đà Nẵng trở vào, chỉ tập trung các thị trường hiện tại, cộng thêm thị trường Ninh Bình. Đây cũng là khó khăn của BCC khi khu vực từ Đà Nẵng trở vào có mức độ cạnh tranh thấp hơn so với những thị trường như Ninh Bình, nơi ông lớn trong ngành xi măng đang chiếm thị phần đáng kể là Tập đoàn Xi măng Vissai.
Ngoài những thách thức trên, BCC còn phải đối mặt với một khó khăn được cho tác động trực tiếp đến lợi nhuận là giá than. Theo BCC, giá mua than bắt đầu tăng lên từ cuối tháng 12-2016 khoảng 9% so với trung bình giá mua than trong năm 2016. Chi phí than chiếm khoảng 37% giá thành sản xuất xi măng đã khiến BCC khó tăng mức giá bán do tình trạng dư cung. Điều này dẫn đến biên lợi nhuận gộp của BCC bị sụt giảm trong những năm gần đây và cả năm 2017.
Ngoài ra, theo thống kê từ Vụ Vật liệu xây dựng, Bộ Xây dựng cho thấy, tổng sản lượng sản xuất của các nhà máy xi măng trong nước năm 2017 đạt gần 90 triệu tấn clinker/năm. Tổng sản lượng tiêu thụ đạt 81 triệu tấn, tiêu thụ trong nước đạt hơn 61 triệu tấn, 20 triệu tấn xuất khẩu. Trong khi sản lượng sản xuất xi măng tiếp tục tăng mạnh tới hơn 20 triệu tấn so với cùng kỳ 2016, thì sản lượng tiêu thụ lại tăng khá èo uột khi con số chỉ gần tương đương so với cùng kỳ năm 2016 ở mức 60,3 triệu tấn.
Nguồn cung vượt cầu, trong khi các khoản chi phí đầu vào như năng lượng có xu hướng tăng giá đã tác động đến hiệu quả sản xuất – kinh doanh của các doanh nghiệp xi măng, đặc biệt là BCC khi đây là doanh nghiệp thuộc nhóm đầu ngành về sản xuất clinker và xi măng.
Năm 2018, các doanh nghiệp xi măng cũng đã trút được phần gánh lo khi Chính phủ quyết định đưa thuế suất xi măng về 0% và hoàn thuế VAT cho doanh nghiệp xuất khẩu xi măng. Điều này có thể giúp doanh nghiệp xi măng tăng hiệu quả xuất khẩu, trong đó có BCC. Tuy nhiên, thị trường xi măng thế giới cũng cạnh tranh rất khốc liệt, buộc doanh nghiệp các nước phải có chiến lược xuất khẩu thông minh và làm ăn chuyên nghiệp mới mong giữ được khách hàng.