Cú giảm nhanh và mạnh cả về thanh khoản lẫn điểm số này khiến giới đầu tư lo ngại về cuộc khủng hoảng giai đoạn 2007-2008 đang trở lại. Tuy nhiên, có một thực tế là, dù thị trường có bi quan đến đâu thì dòng tiền thông minh vẫn luôn hiện hữu để tìm kiếm cơ hội sinh lời và khi giá trị của doanh nghiệp, của thị trường được nâng cao, sự hồi phục là tất yếu.
Nỗi ám ảnh 2007-2008 đang trở lại?
Từ mức 1.204 điểm đóng cửa phiên 9/4/2018, sau chưa đầy 3 tháng, đến đầu tháng 7/2018, VN-Index đã giảm hơn 25%, xuống dưới mức 900 điểm.
Giá trị giao dịch cũng giảm mạnh, từ trên 10.000 tỷ đồng/phiên đầu tháng 4/2018, đến tháng 5/2018 chỉ còn 5.000-7.000 tỷ đồng/phiên và vào cuối tháng 6 chỉ còn trên dưới 3.000 tỷ đồng/phiên.
Sự sụt giảm của TTCK diễn ra trong bối cảnh kinh tế vĩ mô 6 tháng đầu năm vẫn diễn biến tích cực, đa phần doanh nghiệp tiếp tục kinh doanh hiệu quả… và điều này gây hoang mang cho nhà đầu tư.
Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước Trần Văn Dũng cùng một số chuyên gia đã lên tiếng trấn an, song đà giảm của thị trường chưa ngừng hẳn. Trong phiên 5/7, VN-Index tiếp tục mất hơn 15 điểm, sang phiên 6/7, chỉ số đã tăng trở lại 18,11 điểm, lên mức 917,51 điểm.
Tâm lý nhà đầu tư chưa thực sự vững vàng và nguyên nhân thực sự đang khiến giá cổ phiếu giảm trong bối cảnh GDP 6 tháng tăng trưởng cao vẫn đang là ẩn số.
Hiện tại, dù chưa rơi vào tình trạng trắng bên mua tràn ngập bảng điện tử, cơ quan quản lý cũng chưa phải sử dụng đến các biện pháp kỹ thuật như tạm ngừng giao dịch, giảm biên độ… để “khống chế” thị trường, song không ít người lo ngại kịch bản giai đoạn khủng hoảng 2007-2008 đang trở lại.
Từ đáy 235 điểm, nhìn về hiện trạng dòng tiền thời nay
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tính đến ngày 20/6/2018, tổng phương tiện thanh toán trong nền kinh tế tăng 7,96% so với cuối năm 2017 và cao hơn mức 5,96% của cùng kỳ.
Chưa hết 6 tháng, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết, room tăng trưởng tín dụng được giao cho cả năm đã gần cạn. Mặt bằng lãi suất ổn định, dòng tiền dồi dào, nhưng dường như thị trường cổ phiếu lại bị dòng tiền bỏ qua.
Trong khi đó, nhìn sang kênh chứng khoán phái sinh, trong 3 tháng VN-Index giảm mạnh, giá trị giao dịch lại liên tục tăng. Cụ thể, trong tháng 5/2018, khối lượng giao dịch các hợp đồng tương lai VN30 tăng 191,2%, giá trị giao dịch tăng 162,6% so với tháng 4/2018, số lượng tài khoản mở mới tăng 12,8%.
Trong tháng 6/2018, khối lượng giao dịch tăng 20,9%, giá trị giao dịch tăng 19,19% so với tháng 5 và chỉ sau 3 phiên đầu tháng 7, khối lượng giao dịch đã tương đương 21% cả tháng 6. Với tốc độ tăng trưởng này, kỷ lục giao dịch mới tại thị trường phái sinh dự báo sẽ sớm được thiết lập trong tháng 7 này.
Tại sao kênh phái sinh thu hút được dòng tiền, trong khi giao dịch cổ phiếu sụt giảm? Nguyên nhân được các chuyên gia chỉ ra, đó là nhờ khả năng linh hoạt của thị trường phái sinh, bởi nhà đầu tư có thể kiếm lợi nhuận ngay cả khi thị trường giảm điểm bằng việc bán khống để đầu cơ giá xuống, thay vì giới hạn kiếm lời chỉ ở chiều tăng như trên thị trường cổ phiếu.
Nhìn lại quá khứ, khi VN-Index ở vùng 1.170 điểm vào tháng 3/2007, giá trị giao dịch trên HOSE luôn đạt trên 1.000 tỷ đồng/phiên, có phiên lên đến 2.000 tỷ đồng, gấp 2-3 lần vài ba tháng trước đó.
Tuy nhiên, đến ngày 24/2/2009, khi VN-Index tạo đáy lịch sử 235,5 điểm và tâm lý nhà đầu tư không thể bi quan hơn, giá trị giao dịch chỉ còn 177 tỷ đồng. Vậy mà chưa đầy 3 tháng sau, khi thị trường hồi phục, giá trị giao dịch tháng 4/2009 đã có phiên vượt mức 1.500 tỷ đồng, tháng 5/2009 vượt mức 2.000 tỷ đồng và vượt mức 3.000 tỷ đồng trong tháng 8/2009.
Thực tế trên cho thấy, dòng tiền thông minh luôn hiện hữu để tìm kiếm cơ hội sinh lời. Ở đâu có cơ hội đủ hấp dẫn, thì ở đó dòng tiền này sẽ tự động tìm đến mà không cần nhiều lời kêu gọi.
Tiền sẽ chảy mạnh nếu thị trường tốt lên
Nói về bài toán thu hút dòng tiền, xin nhắc lại câu chuyện về việc nâng hạng của TTCK Việt Nam. Hiện nay, các thị trường tài chính trên thế giới được các tổ chức xếp hạng xếp vào 3 nhóm chính, cao nhất là thị trường phát triển (Developed Market), sau đó là mới nổi (Emerging Market) và thấp nhất là cận biên (Frontier Market).
Trong lần công bố gần nhất của MSCI (1 trong 3 tổ chức xếp hạng uy tín nhất trên thế giới) ngày 21/6/2018, Việt Nam vẫn được xếp ở nhóm cận biên và chưa đủ điều kiện xem xét nâng hạng lên mới nổi.
Trong những năm qua, dù có những chuyển biến như triển khai TTCK phái sinh, mở room ngoại, tăng số lượng doanh nghiệp niêm yết…, nhưng TTCK Việt Nam vẫn được đánh giá là còn nhiều yếu tố cần cải thiện.
Chẳng hạn, về tỷ lệ sở hữu nước ngoài (room), 3 năm kể từ khi Nghị định 60/2015/NĐ-CP cho phép nới room lên 100% với các doanh nghiệp không thuộc ngành nghề kinh doanh có điều kiện, số doanh nghiệp hoàn tất mở room đến nay vẫn chưa đến 10% tổng số doanh nghiệp niêm yết. Nhiều ngành, lĩnh vực vẫn bị giới hạn sở hữu nước ngoài, không ít khúc mắc liên quan còn chưa được làm rõ…
Hay với công tác công bố thông tin, Thông tư 155/2015/TT-BTC hiện mới dừng lại ở mức khuyến khích các doanh nghiệp niêm yết thực hiện công bố thông tin bằng tiếng Anh, bên cạnh ngôn ngữ chính là tiếng Việt.
Trường hợp công bố thông tin bằng cả tiếng Việt và tiếng Anh, thì thông tin bằng tiếng Anh chỉ có tính tham khảo. Điều này gây ảnh hưởng đến quyền bình đẳng trong khả năng tiếp cận thông tin của nhà đầu tư nước ngoài – một yếu tố để xem xét nâng hạng thị trường.
Tại hội thảo “Kinh tế và thị trường” trong tuần lễ Nhà đầu tư Quốc tế do Capital Dynamics tổ chức tại Kuala Lumper (Malaysia) tháng 11/2017, ông Nguyễn Đức Hùng Linh – Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư Khối Khách hàng cá nhân, CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đã đưa ra một con số đáng chú ý: TTCK Việt Nam có thể thu hút được 15 tỷ USD nếu được nâng hạng.
Rõ ràng, khi TTCK Việt Nam được nâng hạng, không chỉ hình ảnh thị trường tài chính quốc gia được nâng cao, mà còn tác động lên khả năng thu hút dòng vốn khối ngoại. Nguyên nhân là bởi các quỹ đầu tư thụ động, mô phỏng chỉ số đang đầu tư vào các thị trường mới nổi sẽ tự động phân bổ một phần vốn vào TTCK Việt Nam khi được nâng hạng, chưa kể các dòng vốn chủ động tìm đến.
Tuy vậy, chưa nói đến đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài, thực tế, việc doanh nghiệp coi nhẹ công tác công bố thông còn khá phổ biến. Bên cạnh đó, các chiêu thức làm giá, thao túng cổ phiếu ngày một tinh vi hơn, thậm chí có doanh nghiệp công bố thông tin sai sự thật, làm giả hồ sơ, chứng từ… làm ảnh hưởng đến tính minh bạch của thị trường.
Chất lượng thị trường nhìn từ sức khỏe các doanh nghiệp
Tại Tập đoàn Hòa Phát (HPG), năm 2012, khi nền kinh tế còn khó khăn, lợi nhuận sau thuế của HPG giảm xuống dưới mức 1.000 tỷ đồng, thị giá cổ phiếu cũng giảm về mức 15.000-16.000 đồng/CP (tương đương khoảng 2.400 đồng/CP hiện nay sau điều chỉnh cổ tức). Tuy vậy, từ năm 2013, khi doanh thu, lợi nhuận tăng trưởng, quy mô sản xuất mở rộng, thị phần tăng, giá cổ phiếu HPG cũng tăng mạnh trở lại.
Tính đến đầu tháng 7/2018, nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu HPG từ năm 2012 đã đạt mức lợi nhuận 15,4 lần, dù giá cổ phiếu này đã giảm 22,3% trong 3 tháng qua. HPG là một ví dụ về giá cổ phiếu phản ánh hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp và đây cũng là câu chuyện tương tự của nhiều cổ phiếu khác như VNM, CTD, HBC…
Ngược lại, cũng trong giai đoạn từ năm 2012 đến nay, bất chấp VN-Index đã tăng 3-4 lần từ mức 350 điểm, mỗi năm vẫn có từ 20-30 doanh nghiệp bị hủy niêm yết. Những cái tên như JVC, OGC, HVG… một thời giao dịch sôi động, nay ngày càng lún sâu vào khó khăn, thị giá ngày càng teo tóp.
Với giới đầu tư, chứng khoán là một kênh đầu tư ưa thích và đã đầu tư thì bài toán hàng đầu là làm sao cho đồng vốn sinh lợi. Và để sinh lợi, tất yếu phải tìm đến những doanh nghiệp hiệu quả. Điều này giải thích vì sao ngay trong giai đoạn giảm điểm mạnh quý II/2018 và thị trường chứng kiến xu hướng rút vốn ròng mạnh của nhà đầu tư nước ngoài, vẫn có không ít cổ phiếu được khối này mua ròng hàng chục, hàng trăm, thậm chí hàng nghìn tỷ đồng như DXG, HCM, VCI, FRT, VHM, VIS…
Trong kinh doanh, sử dụng đồng vốn hiệu quả, lợi nhuận tăng trưởng là cần thiết, nhưng không thể đánh đổi bằng mọi giá, nhất là khi nền kinh tế ngày càng phát triển và hội nhập, người tiêu dùng ngày càng chọn lựa sản phẩm, dịch vụ kỹ càng hơn, quan tâm nhiều hơn đến chất lượng sản phẩm, cũng như trách nhiệm của doanh nghiệp đối với cộng đồng, xã hội.
Lãnh đạo các quỹ đầu tư lâu năm tại Việt Nam như Dragon Capital, VinaCapital… khẳng định rằng, việc tăng trưởng bền vững, có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội của doanh nghiệp là một trong những yếu tố quan trọng để ra quyết định đầu tư, bên cạnh hiệu quả kinh doanh.
Trong một nền kinh tế thị trường, người tiêu dùng không thể buộc doanh nghiệp kinh doanh phải có đạo đức, nhưng họ có quyền tẩy chay sản phẩm, dịch vụ của những doanh nghiệp gây tai tiếng. Điều này tạo nên áp lực vô hình buộc doanh nghiệp phải thay đổi nếu muốn tồn tại, bởi khách hàng mới là người đem lại lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Nội lực tốt, cơ hội hồi phục sẽ nhanh hơn
Thực tế, ngay cả các TTCK phát triển, vẫn khó tránh những giai đoạn biến động mạnh, suy giảm hàng tháng, thậm chí hàng năm. Trong những giai đoạn đó, cơ quan quản lý có thể sử dụng các biện pháp kỹ thuật (ngưng giao dịch, giới hạn biên độ…) để nhà đầu tư bình tĩnh hơn, giảm tâm lý hoảng loạn trong ngắn hạn. Tuy nhiên, về dài hạn, để thị trường hồi phục và tăng trưởng bền vững, điều cốt yếu là phải giải quyết được các vấn đề nội tại của thị trường, cũng như doanh nghiệp.
Giá cổ phiếu chỉ là “bề nổi” của giá trị doanh nghiệp. Doanh nghiệp dù tốt, nhưng cổ phiếu tăng vượt quá giá trị, thì tất yếu sẽ phải điều chỉnh và ngược lại. Nếu nội lực càng mạnh, giá trị càng lớn, điểm hồi phục càng đến sớm. Bởi vậy, thay vì quan tâm đến giá cổ phiếu, đến chỉ số, doanh nghiệp hãy tập trung kinh doanh hiệu quả, tạo ra giá trị, cơ quan quản lý tập trung xây dựng thị trường minh bạch, hoàn thiện hơn…, thì điểm hồi phục sẽ đến sớm hơn.
Nhìn nhận ở khía cạnh tích cực, khủng hoảng là cách để thị trường tự “phẫu thuật”, cắt đi những “khối u” yếu kém và thay thế bằng những doanh nghiệp năng động, hiệu quả hơn. Với nhà đầu tư, khủng hoảng sẽ là cơ hội để cơ cấu lại danh mục, loại bỏ những khoản đầu tư kém hiệu quả, những chiến lược đầu tư sai lầm và tìm kiếm cơ hội mới. Vậy nên mới có câu: “Khủng hoảng là giai đoạn rủi ro nhất, nhưng cũng là cơ hội kiếm lời tốt nhất”.