Con số này thể hiện một diễn biến mới trên TTCK Việt Nam khi có nhiều doanh nghiệp (DN) quyết nghị việc gọi vốn qua TTCK. Vấn đề là làm cách nào để DN gọi được vốn trên sàn.
Nếu huy động vốn thành công, 71.500 tỷ đồng (tính theo mệnh giá) này sẽ chảy trực tiếp vào DN niêm yết, DN đại chúng và trở thành nguồn vốn chủ sở hữu của DN, giúp DN gia tăng năng lực tài chính, tăng khả năng cạnh tranh.
Tuy nhiên, được cấp phép phát hành là không dễ (DN phải có phương án sử dụng vốn hiệu quả, phải được Ðại hội đồng cổ đông thông qua, phải hoàn tất các thủ tục theo quy định pháp lý…), nhưng bước tiếp theo mới có tính chất quyết định: Làm thế nào để DN huy động vốn thành công?
6 tháng đầu năm, số DN kịp gọi được vốn mới còn khá hạn chế. Phần lớn trong số 196 hồ sơ đã được cấp phép phát hành vẫn đang chờ đợi thời điểm thị trường sáng lên mới có cơ hội gọi vốn thành công.
Thực tế này cho thấy, không chỉ nhà đầu tư chờ đợi TTCK khởi sắc, thanh khoản sôi động, mà rất nhiều DN đại chúng, DN niêm yết cũng chờ đợi cơ hội này từ thị trường, để thực hiện mục tiêu gọi vốn mới trong năm nay.
Về phía UBCK, hàng loạt công tác hoàn thiện chính sách, đặc biệt là hoàn thiện dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, nâng hạng thị trường, tái cấu trúc hàng hóa… được đặt ra như những mục tiêu lớn cần tiếp tục thực hiện trong 6 tháng cuối năm.
Ðiểm mới trong nỗ lực của nhà quản lý là việc UBCK cần xây dựng văn bản pháp quy hướng dẫn phương thức dựng sổ (dạng Thông tư) trong 6 tháng cuối năm nay.
Phương thức mới này được chờ đợi sẽ mở ra cách bán mới, hỗ trợ việc bán cổ phần của các DN nhà nước cổ phần hóa, bên cạnh việc hỗ trợ các DN đại chúng có thêm cánh cửa mới để gọi vốn.
Bên cạnh câu chuyện thị trường, câu chuyện chính sách, việc DN có gọi được vốn mới hay không phụ thuộc quan trọng nhất vào chính nội lực và niềm tin mà DN tạo dựng trước công chúng.
Xét trên khía cạnh này, bối cảnh TTCK suy giảm đã lộ ra nhiều DN mà nội lực và khát vọng huy động vốn quá… vênh nhau.
Chẳng hạn, CTCP Hestia – “người anh em” của Công ty cổ phần Passion Investment – đã thông qua việc phát hành cổ phiếu mới, huy động vốn tại giá 62.000 đồng/CP.
Sau đó, đến giữa tháng 6/2018, do thị trường chung suy giảm, DN này đã họp Hội đồng quản trị và công bố việc điều chỉnh giá bán cổ phiếu mới về 42.000 đồng/CP.
Hiện tại, thị giá cổ phiếu của Hestia (HAS – sàn UPCoM) ở mức 29.200 đồng/CP và hầu như không có giao dịch.
Chưa hết, tại Passion Investment, do công bố những công thức kiếm lời siêu nhanh nhằm tạo sức hút vốn từ nhà đầu tư nên đang phải chịu nhiều nghi vấn phạm luật.
Với thực tế này, để HAS huy động được vốn mới là bài toán quá khó, chứ chưa nói đến việc huy động được vốn ở giá 42.000 đồng/CP như mong muốn của Ban lãnh đạo Công ty.
TTCK đã đi qua giai đoạn “thế nào cũng tăng” và đang phải đối diện với nhiều thách thức khắc nghiệt. Trong bối cảnh này, bên cạnh việc chờ đợi Chính phủ, nhà quản lý có các giải pháp thúc đẩy thị trường phát triển bền vững, thì chính các DN đại chúng, nhất là các DN có mục tiêu gọi vốn từ đại chúng, cần nhìn lại nội lực và khát vọng của mình.
Nếu nền tảng và khát vọng kinh doanh của DN có giá trị, thì trước sau gì thị trường cũng nhìn ra và trả giá xứng đáng. Còn nếu thiếu những yếu tố cốt lõi như vậy, thì lúc thị trường khó khăn, bế tắc trong huy động vốn chỉ là một việc, DN còn có thể phải đứng trước nguy cơ bị đào thải khỏi sàn.