Choáng váng với chênh lệch số liệu sau kiểm toán
Ngày 16/3/2018, CTCP Điện lực Khánh Hòa (KHP) đã công bố Báo cáo tài chính kiểm toán năm 2017 và có công văn giải trình về sự chênh lệch số liệu giữa Báo cáo tài chính quý IV/2017 tự lập và Báo cáo tài chính năm 2017 sau khi được kiểm toán. Theo đó, có tới 10 khoản mục trên Bảng cân đối kế toán và Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của KHP đã thay đổi sau kiểm toán với giá trị chênh lệch từ 5% trở lên.
KHP là trường hợp mới nhất, nhưng không phải là duy nhất khi báo cáo tài chính có hàng loạt thay đổi, điều chỉnh sau kiểm toán. Ngay trước đó, ngày 12/3/2018, Tổng công ty Khoáng sản TKV – CTCP (KSV) đã công bố Báo cáo tài chính kiểm toán với lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm 9,65% so với báo cáo tự lập. Tại CTCP Supe Phốt phát và hóa chất Lâm Thao (LAS), sau kiểm toán Báo cáo tài chính 2017, lợi nhuận sau thuế cũng đã giảm 8,6%.
Trường hợp điều chỉnh số liệu đáng kể nhất trong mùa công bố báo cáo tài chính kiểm toán từ đầu năm 2018 phải kể đến là nhóm công ty liên quan, bao gồm CTCP Thủy sản Hùng Vương (HVG) và CTCP Xuất nhập khẩu thủy sản An Giang (AGF) khi lợi nhuận từ lãi thành lỗ hoặc số lỗ tăng đột biến.
Cụ thể, theo Báo cáo tài chính niên độ 2016 – 2017 của AGF sau kiểm toán, doanh thu thuần giảm 7,3%, lợi nhuận gộp giảm mạnh 55,2% so với báo cáo tự lập. Trong khi đó, chi phí quản lý doanh nghiệp lại tăng mạnh gấp 4,78 lần, khiến lợi nhuận sau thuế của AGF âm 187 tỷ đồng. Số lỗ này tương đương 66,5% vốn điều lệ của AGF, chênh lệch lợi nhuận 191 tỷ đồng so với báo cáo tự lập là lãi 4 tỷ đồng.
Tình hình cũng tương tự tại HVG, khi sau kiểm toán, lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ 705 tỷ đồng, tăng 642 tỷ đồng so với báo cáo tự lập, mà nguyên nhân chủ yếu là do giá trị khoản chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp bị điều chỉnh tăng mạnh.
Báo cáo tài chính là một trong những tài liệu quan trọng nhất của doanh nghiệp, cung cấp cho cổ đông và nhà đầu tư bức tranh toàn cảnh về tình hình tài chính, kinh doanh trong kỳ. Đáng tiếc là mỗi mùa công bố báo cáo tài chính kiểm toán, câu chuyện điều chỉnh, sai lệch số liệu so với trước kiểm toán vẫn tái diễn và trở thành nỗi ám ảnh với không ít nhà đầu tư.
Một số liệu thống kê cho thấy, mỗi năm, tỷ lệ doanh nghiệp niêm yết điều chỉnh số liệu tài chính sau kiểm toán lên đến 60 – 70%. Nhiều trường hợp, nhà đầu tư chưa kịp vui mừng vì doanh nghiệp công bố báo cáo tài chính tự lập với những con số lợi nhuận tăng đột biến, hoặc thoát lỗ thì nhanh chóng “vỡ mộng” khi báo cáo kiểm toán được đưa ra với những con số thay đổi chóng mặt. Đây là một cảnh báo rất lớn về chất lượng báo cáo tài chính và tính minh bạch của số liệu kế toán do doanh nghiệp tự lập.
Có nhiều nguyên nhân khác nhau được doanh nghiệp giải trình liên quan đến những chênh lệch về số liệu trước và sau kiểm toán, chẳng hạn nhầm lẫn trong việc ghi chép, hay có sự khác biệt trong quan điểm giữa doanh nghiệp với kiểm toán viên liên quan đến các ước tính kế toán như dự phòng, khấu hao, phân bổ, hàng tồn kho hay niên độ ghi nhận doanh thu, chi phí…
Tuy nhiên, có không ít nghi ngờ sự sai lệch số liệu tài chính bắt nguồn từ chủ ý của lãnh đạo doanh nghiệp với ý đồ làm giá cổ phiếu trong ngắn hạn, đặc biệt trong tình huống làm thay đổi hoàn toàn kết quả kinh doanh từ lãi thành lỗ hoặc ngược lại, nhất là khi tình trạng này lặp lại không chỉ một lần, mà kéo dài hết kỳ kế toán này sang kỳ khác tại một doanh nghiệp.
Theo quy định pháp luật hiện hành về công bố thông tin, doanh nghiệp công bố chậm trễ có thể bị nhắc nhở, xử phạt, thậm chí bị hủy niêm yết bắt buộc, những trường hợp thao túng giá cổ phiếu cũng bị Sở Giao dịch chứng khoán, thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt nặng, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự…
Tuy nhiên, trường hợp công bố thông tin sai lệch, dù ảnh hưởng rất lớn đến niềm tin của nhà đầu tư và đến cả thị giá cổ phiếu trên thị trường thì doanh nghiệp chỉ cần giải trình, trong đó, không ít là cho có.
Báo cáo được kiểm toán, chưa hẳn đã yên tâm
Thông thường, với báo cáo tài chính được kiểm toán xác nhận là trung thực, hợp lý, nhà đầu tư thường yên tâm về tính chính xác, minh bạch của các số liệu tài chính. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp, báo cáo sau kiểm toán vẫn có sự sai lệch số liệu.
Câu chuyện về CTCP NTACO (ATA), CTCP Thiết bị y tế Việt – Nhật (JVC), hay CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ gỗ Trường Thành (TTF) có thể xem là những ví dụ kinh điển về chất lượng báo cáo tài chính sau kiểm toán trong những năm gần đây.
Báo cáo tài chính của TTF trong 5 năm gần nhất từ 2011 – 2015 do Công ty TNHH Kiểm toán DFK Việt Nam thực hiện, các ý kiến đều là chấp nhận toàn phần. Tuy nhiên, đến khi Tân Liên Phát trở thành cổ đông lớn của TTF và Công ty Kiểm toán Ernst & Young (E&Y) được “đặt hàng” vào kiểm toán lại trong năm 2016 mới phát hiện ra việc thất thoát hàng tồn kho trị giá 980 tỷ đồng, để lại những hậu quả nặng nề cho chủ nợ và các cổ đông của TTF.
Trong năm 2017, nhiều doanh nghiệp đại chúng đã có những sai lệch thông tin trên báo cáo tài chính dù đã được kiểm toán và chấp nhận toàn phần. Vấn đề chỉ được nêu ra khi cơ quan thanh tra của các cơ quan có thẩm quyền (thuế, kiểm toán nhà nước…) vào cuộc, trong đó, nhiều nhất là vấn đề liên quan đến vi phạm thuế.
Điều đó khiến nhiều nhà đầu tư đặt câu hỏi, họ nên tin vào đâu khi mà ngay cả những báo cáo đã kiểm toán cũng chưa được đảm bảo về độ tin cậy?
Theo một chuyên gia kiểm toán, tính độc lập là yếu tố quan trọng bảo đảm chất lượng của một cuộc kiểm toán. Tuy nhiên, kiểm toán cũng là ngành dịch vụ, kinh doanh vì lợi nhuận và trong mối quan hệ lợi ích ba bên giữa công ty kiểm toán, doanh nghiệp và người sử dụng thì doanh nghiệp mới là khách hàng – người trả tiền cho công ty kiểm toán.
Vì vậy, tính độc lập của việc kiểm toán khó tránh khỏi bị ảnh hưởng, nhất là khi áp lực cạnh tranh thu hút khách hàng trong ngành rất lớn, phía công ty kiểm toán có thể thỏa hiệp để “giữ chân” khách hàng.
Trong khi đó, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập đều quy định trách nhiệm trong việc lập và trình bày báo cáo tài chính trước tiên thuộc về chính ban giám đốc doanh nghiệp. Kiểm toán chỉ đưa ý kiến đánh giá về tính trung thực, hợp lý của báo cáo tài chính trên cơ sở chọn mẫu, đối chiếu tài liệu được doanh nghiệp cung cấp, chứ không có trách nhiệm phải phát hiện, tìm kiếm tất cả các sai sót, gian lận.
Thêm nữa, dù pháp luật hiện hành quy định nếu điều tra cho thấy kiểm toán viên thông đồng với doanh nghiệp gian dối trong việc lập báo cáo tài chính thì kiểm toán viên sẽ chịu trách nhiệm từ hành chính cho tới hình sự, nhưng thực tế cho thấy, việc xác định bằng chứng và quy trách nhiệm là rất khó, nhất là khi các chuẩn mực, các quy định về đạo đức nghề nghiệp chủ yếu là các tiêu chí định tính.
Chẳng hạn, trong câu chuyện CTCP Khoáng sản miền Trung (MTM) bị nghi vấn mua bán hóa đơn với hàng loạt doanh nghiệp để ghi nhận doanh thu, lợi nhuận ảo (thực tế không có hàng hóa, dòng tiền luân chuyển), nhằm tạo hồ sơ đẹp để lừa đảo nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán.
Dù một số lãnh đạo của MTM bị bắt tạm giam để điều tra, nhưng đến nay, trách nhiệm và hình thức xử lý đơn vị thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính của MTM và các doanh nghiệp bán hóa đơn đến đâu trong vụ việc vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp.
Khi mà chất lượng báo cáo tài chính vẫn phụ thuộc chủ yếu vào động cơ, mục đích và năng lực của người lập thì việc chủ động nâng cao kiến thức, khả năng đánh giá chất lượng tài chính của doanh nghiệp để hiểu ý nghĩa đằng sau những con số, đồng thời tìm hiểu toàn diện về thương hiệu, uy tín của chủ doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp là rất quan trọng với nhà đầu tư để bảo vệ tài sản của chính mình.