Đầu phiên 11/10, chỉ số Hang Seng tại sàn Hong Kong giảm 3,28%. Chỉ số Shanghai Composite tại sàn Thượng Hải và Shenzhen Composite tại sàn Thâm Quyến đều giảm trên 3%.
Tại Đài Loan, chỉ số Taiex giảm 5,23% tính đến 9h48 (8h48 giờ Hà Nội).
Chứng khoán Nhật Bản và Hàn Quốc cũng chung tình trạng. Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 3,52% còn chỉ số Topix giảm 3,27%. Chỉ số Kosspi của Hàn Quốc giảm 2,72%.
Chỉ số ASX 200 của Australia giảm 1,72%, cổ phiếu của hầu hết lĩnh vực đều giảm.
Trước đó, chốt phiên 10/10 tại thị trường chứng khoán Mỹ, Dow Jones giảm 831,83 điểm, tương đương 3,15%, xuống 25.598,74 điểm. S&P 500 giảm 94,66 điểm, tương đương 3,29%, xuống 2.785,68 điểm. Nasdaq giảm 315,97 điểm, tương đương 4,08%, xuống 7.422,05 điểm.
Đây đều là ngày giảm mạnh nhất kể từ tháng 2 đối với Dow Jones và S&P 500, kể từ tháng 6/2016 đối với Nasdaq. Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng đây chỉ là “đợt điều chỉnh đã được chờ đợi từ lâu”.
Chứng khoán Mỹ tương lai cũng xuống thấp hơn trong sáng nay.
Một số nhà phân tích nhận định đà giảm trên Phố Wall dường như không có bất kỳ xúc tác nào. Những yếu tố như cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung “đã diễn ra từ đầu năm”, Joseph Capurso, chiến lược gia tiền tệ cấp cao tại Commonwealth Bank of Australia, nói.
Ray Attrill, đứng đầu bộ phận chiến lược hoán đổi ngoại tệ tại National Australia Bank, cho rằng đợt bán tháo chứng khoán có thể “đơn giản chỉ là tranh thủ chốt lời”.