Lý do lại rất… lãng xẹt, không phải không có người mua hay một trúc trắc nào đó, mà do trong Quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa của 3 đơn vị này có yêu cầu, thời gian chào bán cho nhà đầu tư chiến lược trong vòng 3 tháng kể từ thời điểm doanh nghiệp được phê duyệt phương án cổ phần hóa.
3 tháng, quãng thời gian thường chỉ đủ để cho doanh nghiệp triển khai một đợt IPO quy mô lớn, còn thêm cả việc hoàn tất bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, với quy mô lên tới dăm ba tỷ USD, là bất khả thi.
Người trong cuộc và cả những ai quan tâm tới quá trình cổ phần hóa của 3 doanh nghiệp này đều tiếc cho những công sức đã bỏ ra, tiếc cho những bản ghi nhớ, cam kết bảo mật, tiếc cho những chuyến làm việc, trao đổi thông tin và phân tích thông tin mà nhiều tập đoàn trong, ngoài nước ngoài đã dày công bỏ ra suốt vài tháng qua.
Với hàng nghìn nhà đầu tư đã tham gia các đợt IPO, họ còn buồn và thất vọng hơn nhiều vì những cái tên sẽ tham gia cuộc đua trở thành nhà đầu tư chiến lược của các doanh nghiệp luôn là thông tin có giá trị, thậm chí có tầm quan trọng quyết định việc họ bỏ vốn vào doanh nghiệp hay không.
Họ kỳ vọng có thêm nhà đầu tư chiến lược, những doanh nghiệp nói trên sẽ có thêm nguồn lực, thêm kinh nghiệm, công nghệ và năng lực quản trị để tiến xa hơn.
Chí ít, họ cũng có thêm những người bạn đồng hành lớn, những người cùng hội cùng thuyền và tiếng nói có trọng lượng với doanh nghiệp.
Cùng với sự thay đổi về tiến trình bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, nhiều kế hoạch lớn của doanh nghiệp sẽ biến động theo.
Ðơn cử như việc niêm yết cổ phiếu trên HOSE, sàn giao dịch chính thức với nhiều yêu cầu chặt chẽ về quản trị và công bố thông tin hơn rất nhiều so với UPCoM.
Phần chất vấn tại đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) sáng 21/6 tại Quảng Ngãi đã kéo dài hơn dự kiến và có lúc không khí tưởng như rất “căng” khi cổ đông liên tục chất vấn về kế hoạch chuyển sàn lên HOSE.
Theo thông tin BSR công bố khi IPO, việc niêm yết trên HOSE sẽ được thực hiện trong vòng 1 năm kể từ thời điểm doanh nghiệp IPO. Ðồng thời, BSR cũng triển khai việc bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược, nhằm giảm phần vốn nhà nước xuống 43%.
Tuy nhiên, do hiện nay, kế hoạch bán bớt vốn nhà nước thay đổi, sẽ thực hiện qua sàn, bởi thế, BSR sẽ tập trung vào công tác quyết toán vốn cổ phần hóa và triển khai việc thoái vốn nhà nước qua sàn trước rồi mới niêm yết cổ phiếu trên HOSE.
Việc bán 49% vốn của một công ty có quy mô vốn điều lệ lên tới 31.000 tỷ đồng không hề đơn giản. Bởi vậy, nếu đợi bán xong số cổ phần trên rồi mới niêm yết cổ phiếu trên HOSE, thời gian mà cổ đông phải chờ đợi sẽ là bao lâu? Khó ai có câu trả lời chính xác.
Có những nhà đầu tư tự bỏ chi phí, lặn lội bay từ TP.HCM ra Quảng Ngãi tham dự cuộc họp và họ chia sẻ rằng “rất buồn” bởi những rủi ro thật khó lường.