Hàng loạt khối tài sản từ vài tỷ đồng đến hàng nghìn tỷ đồng là tài sản bảo đảm cho các khoản nợ đang được các ngân hàng và công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) rao bán rầm rộ.
Trên các trang thông tin của các ngân hàng cũng như VAMC, việc rao bán các tài sản đảm bảo được triển khai liên tục, trong đó hầu hết tài sản đảm bảo đều là BĐS.
Đấu giá hàng loạt khoản nợ xấu
Trên website của VAMC đang rao bán đấu giá nhiều tài sản. Điển hình như tài sản của CTCP Thuận Thảo Nam Sài Gòn và 95 khách hàng cá nhân tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Phú Tài.
Tổng số nợ gốc và lãi của các khoản vay này lên tới 2.378 tỷ đồng, trong đó phần lớn là các khoản vay của công ty Thuận Thảo vay tại BIDV với tài sản đảm bảo là các BĐS và cổ phiếu công ty.
Một tài sản đảm bảo khác cũng đang được VAMC rao bán là công trình mở rộng khách sạn Hồng Ngọc I (toà nhà 14 tầng, tổng diện tích 6.095,6m2, tại địa chỉ 1482 Đại lộ Hùng Vương, Gia Cẩm, Việt Trì, Phú Thọ), với giá khởi điểm sau 4 lần giảm giá là 32 tỷ đồng.
Ngân hàng Sacombank cũng đẩy mạnh việc rao bán nhiều khoản nợ “khủng” là 4 khối BĐS giá trị lên tới 20.678 tỷ đồng. Trong đó, BĐS lớn nhất mà nhà băng này đang rao bán là Dự án Khu công nghiệp Phong Phú, huyện Bình Chánh, Tp.HCM với giá khởi điểm 7.600 tỷ đồng. Thời gian đấu giá vào ngày 27/9/2018.
Ngân hàng Agribank cho biết, trong tháng 9, Agribank AMC sẽ có hơn 10 đợt đấu giá tài sản với tổng giá trị chào bán khởi điểm hơn 470 tỷ đồng. Trong đó có nhiều tài sản giá trị như 3 quyền sử dụng đất ở phường Phú Hữu, quận 9, Tp.HCM với giá khởi điểm 96 tỷ đồng; quyền sử dụng đất tại số 132 phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội cùng tòa nhà gắn liền với giá khởi điểm 69 tỷ đồng…
Còn Ngân hàng VietinBank, sau đợt chào bán khoản nợ 74 tỷ đồng tài sản bảo đảm hồi đầu năm, mới đây tiếp tục rao bán khoản nợ lên đến 111 tỷ đồng của CTCP Thương mại NEM với tài sản đảm bảo là toàn bộ hàng tồn kho của công ty (hàng thời trang, quần áo, đầm bầu…) với giá trị gần 34 tỷ đồng.
Tương tự, hàng loạt chi nhánh của BIDV, Techcombank, MB, NCB… cũng thông báo tăng cường thu hồi tài sản đảm bảo, bán đấu giá nợ xấu để thu hồi nợ.
Thống kê của VAMC cho biết, tính từ năm 2012 đến hết tháng 6 vừa qua, toàn hệ thống ngân hàng đã xử lý được hơn 785.000 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, tính riêng nợ xấu xử lý theo Nghị quyết 42 trong vòng một năm qua đã đạt trên 138.290 tỷ đồng, chưa bao gồm 61.040 tỷ đồng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu nội bảng.
Vẫn còn nhiều “nút thắt”
Các chuyên gia đánh giá, việc xử lý nợ xấu thông qua thu hồi và xử lý tài sản đảm bảo đang được triển khai mạnh mẽ. Lý do là Nghị quyết 42 đã khẳng định quyền chủ nợ của ngân hàng và VAMC, cho phép ngân hàng được thu giữ tài sản đảm bảo mà không cần phải qua tòa án và cho phép bán nợ xấu dưới giá sổ sách.
Nếu như trước đây, nhiều doanh nghiệp chây ỳ, vin cớ đang tranh chấp nội bộ, người có nghĩa vụ liên quan vắng mặt… để không bàn giao tài sản đảm bảo, thì từ khi Nghị quyết 42 có hiệu lực, một số khách hàng đã tự nguyện bàn giao tài sản đảm bảo cho ngân hàng.
Giới chuyên gia nhận định, thị trường BĐS hồi phục gần đây cũng đã góp phần giúp tiến độ xử lý nợ xấu thuận lợi hơn. Không chỉ nhà đầu tư trong nước mà cả nhà đầu tư nước ngoài đều rất quan tâm đến phiên đấu giá tài sản đảm bảo là BĐS của các ngân hàng. Nhờ đó, thị trường mua bán nợ xấu trở nên sôi động và thanh khoản cao hơn trước đây.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia, dù Nghị quyết 42 được xem là “cây đũa thần” xử lý nợ xấu, song quá trình triển khai vẫn còn nhiều bất cập.
Nhiều tài sản đảm bảo là BĐS có giá trị lên đến hàng nghìn tỷ đồng là số tiền quá lớn đối với nhà đầu tư trong nước, nhưng lại bình thường so với nhà đầu tư ngoại. Tuy nhiên, nhà đầu tư thường e ngại bởi nhiều dự án còn vướng tranh chấp pháp lý.
Bên cạnh đó, lãnh đạo một số ngân hàng cho rằng quá trình triển khai đã phát sinh những vướng mắc như: quyền thu giữ tài sản đảm bảo, chưa có sự phối hợp của chính quyền địa phương, khó thu giữ với những tài sản đảm bảo chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế…
Để tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thu hồi nợ xấu, NHNN cho biết sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan như Bộ Tài chính, Bộ TN&MT… gỡ những vướng mắc về pháp lý.
Cùng với đó, NHNN tiếp tục có văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan thuế rõ ràng và cụ thể hơn để thực hiện đúng Nghị quyết 42 về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm và nghĩa vụ nộp thuế.