Thống kê thực hiện với 15 ngân hàng đang niêm yết trên sàn chứng khoán gồm: VPBank, Sacombank, SHB, VIB, Techcombank Eximbank, BIDV, HDBank, VietinBank, MBB, Vietcombank TPBank, Kienlongbank, LienVietPostBank, ACB cho thấy, tính đến ngày 30/6/2018, tổng nợ xấu đã ở mức gần 70,9 nghìn tỷ đồng, tăng 9,8% so với đầu năm.
Theo thống kê số liệu báo cáo kết quả kinh doanh quý II/2018 của các ngân hàng, có sự phân hóa, xáo trộn về kết quả nợ xấu.
Nhiều xáo trộn
Dẫn đầu bảng nợ xấu là hai ngân hàng VPBank và Sacombank, có tỷ lệ nợ xấu trên 3%, tương đương với 4,07% và 3,74%.
Tiếp theo là nhóm các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu trên 2% là SHB (2,70%); VIB (2,33%); Eximbank (2,20%); Techcombank (2,04%).
Nhóm các ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu dưới 2% là BIDV (1,49%), VietinBank và MBB, HDBank có tỷ lệ nợ xấu bằng nhau là 1,29%; tiếp đến là TPBank (1,17%), Vietcombank l (1,15%).
Nhóm ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu dưới 1% là LienVietPostBank: 0,98%; Kienglongbank: 0,88%, ACB: 0,78%, Bac A Bank: 0,73%.
Nhìn vào bức tranh nợ xấu tính đến cuối tháng 6 đã có nhiều thay đổi. Cụ thể, một số ngân hàng giảm tỷ lệ nợ xấu so với cuối năm 2017 là LienVietPostBank giảm 0,08%; BIDV giảm 0,13%, Eximbank giảm 0,07%, VIB giảm 0,16%.
Đặc biệt, tuy đứng thứ hai trong bảng nợ xấu quý II, nhưng Sacombank lại có tỷ lệ nợ xấu giảm tới 0,92% so với hồi cuối năm 2017. Trong khi đó, 10 ngân hàng còn lại tỷ lệ nợ xấu tăng 0,07% – 0,86%.
Trong số các “ông lớn” ngân hàng thương mại nhà nước gồm Vietcombank, VietinBank và BIDV, riêng BIDV trong 6 tháng đầu năm, tỷ lệ nợ xấu có giảm, song tính chung đến thời điểm 30/6/2018, số dư nợ xấu vẫn ở ngưỡng cao nhất so với 14 ngân hàng còn lại, lên tới 13.839 tỷ đồng. Tiếp đến là VietinBank có số dư nợ xấu là 11.228 tỷ đồng.
Ở khối ngân hàng thương mại cổ phần, Techcombank thuộc nhóm có tốc độ tăng trưởng nợ xấu cao khi kết thúc quý II/2018 có 3.396 tỷ đồng nợ xấu, tăng tới 31,44% so với đầu năm.
Trong đó, nợ có khả năng mất vốn ở mức 1.982 tỷ đồng, tăng 27,6% so với đầu năm và chiếm 58,4% tổng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu của Techcombank hiện ở mức 2,04%/tổng cho vay, tăng khá mạnh so với mức 1,62% hồi đầu năm.
Có thể thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, nhiều ngân hàng có kết quả kinh doanh khả quan, nhờ đó vốn huy động tăng, lợi nhuận tăng nhưng kéo theo là con số nợ xấu của một số ngân hàng cũng “phình” to.
Tại lễ tổng kết 5 năm hoạt động của công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC), Tổng Giám đốc Đoàn Văn Thắng cho biết nợ xấu xử lý qua công ty đến 30/6/2018 đạt 310.517 tỷ đồng theo dư nợ gốc nội bảng, ước tính đạt trên 40% tổng nợ xấu được xử lý. VAMC đã phối hợp với các tổ chức tín dụng thu hồi được gần 100 nghìn tỷ đồng.
Kế hoạch “dọn kho” nợ xấu VAMC
Riêng năm 2017, nhờ có sự ra đời của Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội, VAMC đã thu được 30.852 tỷ đồng (gần bằng 2/3 tổng giá trị thu hồi nợ của cả 4 năm trước đó), tăng gần 2.000 tỷ đồng so với năm 2016, hoàn thành 140% kế hoạch được giao.
Đáng nói, nợ xấu của VAMC giảm mạnh là do nhiều ngân hàng đã mạnh dạn mua lại nợ đã bán cho VAMC để tự xử lý.
Cụ thể, năm 2016, Vietcombank đã mua lại toàn bộ 4.300 tỷ đồng nợ xấu từ VAMC để chủ động xử lý. Sau Vietcombank, thị trường ghi nhận thêm trường hợp VIB mua lại 30% số nợ đã bán cho VAMC.
Năm 2017, VIB tiếp tục mua lại một số khoản nợ đã bán, khoảng 1.000 tỷ đồng. Và vừa qua, ngân hàng này đã mua lại toàn bộ nợ xấu đã bán cho VAMC. Tính đến hết năm 2017, tỷ lệ nợ xấu của VIB được kiểm soát ở mức 2,49%, dưới mức 3% theo quy định.
Nhiều ngân hàng cũng đã lên kế hoạch mua lại nợ xấu đã bán cho VAMC, trong đó có ACB.
Hiện, số dư nợ xấu tại VAMC của ACB là 42.708 tỷ đồng, Sacombank là 42.289 tỷ đồng; VPBank có khoảng 3.901 tỷ đồng.
SHB lại là một trong những ngân hàng có nợ xấu tăng khá mạnh trong 6 tháng đầu năm với mức tăng 1.000 tỷ đồng, lên hơn 5,6 nghìn tỷ đồng, tương đương mức tăng 21,7%.
Nợ có khả năng mất vốn ở mức 3.273 tỷ đồng, tăng 14,2% và chiếm 58,2% tổng nợ xấu. Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng theo đó cũng tăng khá mạnh, từ mức 2,34% đầu năm lên 2,7%/tổng cho vay. Đây cũng là ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu cao thứ ba trong nhóm khảo sát.
Nợ xấu đã bán cho VAMC của Sacombank tính đến 30/6/2018 là 8.647 tỷ đồng, hiện nhà băng này chưa có thông tin sẽ mua lại nợ xấu đã bán cho VAMC.
Trong năm 2018, VAMC lên kế hoạch mua khoảng 30.500 – 35.500 tỷ đồng nợ xấu, bao gồm 27.000 – 32.000 tỷ đồng giá trị mua nợ bằng trái phiếu đặc biệt và 3.500 tỷ đồng mua nợ theo giá trị thị trường.