Tính theo tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố vào ngày cuối cùng của năm ngoái là 22.425 đồng/đô la Mỹ, tổng dư nợ nước ngoài của Việt Nam được quy đổi thành 109,34 tỉ đô la Mỹ.
Tốc độ tăng tổng dư nợ nước ngoài của quốc gia, như vậy, rất nhanh. Theo Bản tin nợ công số 5 ngày 23-8-2017 của Bộ Tài chính, tổng dư nợ nước ngoài của đất nước đến hết năm 2015 là 80,84 tỉ đô la Mỹ; năm 2014 là 71 tỉ đô la Mỹ. Cứ mỗi năm nợ nước ngoài tăng thêm khoảng 10 tỉ đô la Mỹ, riêng hai năm 2016-2017 tăng bình quân gần 15 tỉ đô la Mỹ/năm.
Những năm trước tỷ giá hầu như không biến động. Năm nay, đặc biệt từ giữa tháng 6-2018 đến nay, tỷ giá chuyển dịch nhanh theo hướng tiền đồng giảm giá so với đô la Mỹ. Nợ nước ngoài, nếu tính bằng tiền đồng, đã tăng thêm khá nhiều và không thể không ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước. Số tiền tuyệt đối mà ngân sách phải chi ra thêm để trả nợ gốc đến hạn cộng với lãi trong năm nay do thay đổi tỷ giá lên đến hàng ngàn tỉ đồng. Giả sử ngân sách cũng hạch toán như doanh nghiệp, tức phải trích lập dự phòng rủi ro tỷ giá, thì hẳn số trích lập dự phòng sẽ khiến bảng cân đối tài chính khác nhiều so với dự toán.
Trong tổng dư nợ nước ngoài đáng quan tâm là nợ vay nước ngoài theo phương thức tự vay tự trả của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, tổ chức khác. Hiện số liệu của Bộ Tài chính không công bố số tuyệt đối nợ nước ngoài mà doanh nghiệp tự vay tự trả bao nhiêu. Theo kế hoạch năm 2018, hạn mức vay thương mại nước ngoài của doanh nghiệp và tổ chức khác tối đa 5 tỉ đô la Mỹ và dư nợ vay ngắn hạn của doanh nghiệp vào cuối năm nay không vượt quá dư nợ vào ngày 31-12-2017.
Theo một quan chức NHNN, thường các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có nhu cầu vay nợ nước ngoài theo phương thức tự vay tự trả nhiều nhất. Họ có thể vay của công ty mẹ ở nước ngoài hoặc của ngân hàng ngoại. Trước khi vay, các doanh nghiệp đăng ký với Vụ Quản lý ngoại hối, NHNN. Nếu số lượng đăng ký vay cao hơn hạn mức của năm, NHNN sẽ thảo luận, thống nhất với Bộ Tài chính để có thể chỉnh sửa hạn mức căn cứ trên nhu cầu cũng như khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Một số năm, doanh nghiệp FDI đăng ký vay số lượng lớn, nhưng số vay thực tế lại thấp do tiến độ sử dụng vốn vay chậm, giải ngân cũng chậm. Trong trường hợp đó, số đăng ký vay có thể được chuyển sang cho năm sau.
Các doanh nghiệp FDI chuộng hình thức tự vay tự trả nước ngoài là do lãi suất vay ngoại tệ thấp hơn, các điều khoản vay linh hoạt hơn. Tuy nhiên việc vay vốn của doanh nghiệp FDI cũng không phải chỉ toàn màu hồng. Có ý kiến cho rằng họ (doanh nghiệp FDI) là nước ngoài, vay nước ngoài, trả nước ngoài họ tự lo, không liên quan đến ngân hàng cũng như doanh nghiệp trong nước. Thực tế không đơn giản vậy.
Năm ngoái, Công ty Vietnam Beverage đã vay 5 tỉ đô la Mỹ để mua cổ phần của Tổng công ty Rượu – Bia – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và đẩy dư nợ vay ngắn hạn của doanh nghiệp tăng mạnh và làm tăng tổng dư nợ nước ngoài của quốc gia. Theo Luật Quản lý nợ công, nợ nước ngoài của quốc gia là tổng các khoản nợ nước ngoài của Chính phủ, nợ vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh và nợ của doanh nghiệp, tổ chức khác vay nước ngoài theo phương thức tự vay tự trả. Nếu không có 5 tỉ đô la Mỹ này, thì tổng dư nợ nước ngoài của quốc gia đến cuối năm ngoái chỉ là 104,34 tỉ đô la Mỹ.
Khi giải ngân nguồn vốn vay ngoại tệ cho các dự án ở Việt Nam, các khoản vay của doanh nghiệp FDI góp phần làm tăng cung ngoại tệ trên thị trường, giúp cải thiện cán cân thanh toán của Việt Nam. Song, ở thời điểm trả nợ, họ cũng có nhu cầu mua ngoại tệ để chuyển ra (trừ trường hợp công ty mẹ ở nước ngoài gánh vác khoản nợ cho công ty con ở Việt Nam). Điều này gây ra áp lực nhất định cho tỷ giá.
Trong đại hội đồng cổ đông thường niên vừa qua của Sabeco, đại diện Sabeco đã trả lời câu hỏi của một cổ đông rằng việc vay vốn nước ngoài của Vietnam Beverage không ảnh hưởng đến Sabeco và Vietnam Beverage cũng không chuyển nợ sang Sabeco. Còn tại sao lại là Vietnam Beverage vay, mà không phải tập đoàn mẹ của Vietnam Beverage vay, có lẽ chỉ người trong cuộc mới hiểu rõ.
Dòng vốn FDI vào Việt Nam từ nhiều năm qua đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của nền kinh tế. Trong cơ cấu của nó, ngoài vốn tự có của chính chủ đầu tư, còn có vốn vay. Việc vay vốn để kinh doanh, đầu tư là bình thường đối với cả doanh nghiệp nội địa lẫn FDI. Việc tách bạch đâu là vốn vay, đâu là vốn tự có trong cơ cấu FDI không phải lúc nào cũng thực hiện dễ dàng, nhưng việc tính toán thời điểm trả nợ cho cấu phần vay của dòng vốn này có ý nghĩa quan trọng để đảm bảo việc ngân hàng Việt Nam cung ứng đủ nhu cầu ngoại tệ cho doanh nghiệp, đồng thời không gây ảnh hưởng đến cung cầu thị trường và tỷ giá.