Chẳng hạn, tính đến cuối tháng 6/2018, MB có 2.639 tỷ đồng nợ xấu, tăng 423 tỷ đồng so với đầu năm, do nợ nhóm 3 tăng 294 tỷ đồng và nợ nhóm 5 tăng 144 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu của Ngân hàng theo đó tăng từ 1,2% vào cuối năm 2017 lên 1,29% tại ngày 30/6/2018.
Trong hai quý đầu năm, ACB chỉ trích lập 445 tỷ đồng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng, giảm gần một nửa so với cùng kỳ 2017. Thế nhưng, tổng nợ xấu của Ngân hàng đã tăng thêm 347 tỷ đồng, tương đương tăng 25% so với hồi đầu năm, lên mức 1.737 tỷ đồng.
Trong đó, nợ nhóm 5 đang chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu nợ xấu của ACB, với 1.032 tỷ đồng, chiếm 59% tổng nợ xấu. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu ACB đến cuối tháng 6/2018 vẫn ở mức thấp, chỉ 0,79%. Cuối tháng 6/2018, dư nợ cho vay khách hàng của Ngân hàng tăng 11,7% đạt 219.589 tỷ đồng.
Tại VPBank, chi phí dự phòng rủi ro nợ xấu tăng mạnh trong 6 tháng đầu năm 2018. Nhà băng này đã phải trích lập dự phòng 5.400 tỷ đồng, cao vọt so với mức 3.995 tỷ đồng trong cùng kỳ 2017. Việc thu hồi nợ hợp nhất trong nửa đầu năm đạt 724 tỷ đồng, tăng 79% so với cùng kỳ 2017, trong đó hơn 520 tỷ đồng thu được từ FE Credit.
Trong khối 3 ngân hàng cổ phần có vốn Nhà nước chi phối, Vietinbank có tổng nợ xấu ở thời điểm cuối tháng 6/2018 là 11.227 tỷ đồng, tăng 24,5% so với đầu năm và chiếm 1,29% tổng dư nợ. Trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5) lên đến hơn 8.300 tỷ đồng, tăng hơn 3.000 tỷ đồng, tương đương 59% so với cuối năm 2017; nợ dưới tiêu chuẩn (nhóm 3) tăng gần 59%, trong khi nợ nghi ngờ (nhóm 4) giảm 65%.
Cuối tháng 6/2018, nợ xấu tuyệt đối tại Vietcombank là 6.983 tỷ đồng, tăng 12,5% so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ nhóm 5 của nhà băng này tăng gấp đôi, lên 4.084 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu Vietcombank chỉ tăng nhẹ từ mức 1,14% lên 1,15%.
Trong nhóm này, chỉ có BIDV có nợ nhóm 5 giảm. Đến cuối tháng 6/2018, nợ xấu tuyệt đối của BIDV giảm 225 tỷ đồng so với đầu năm 2018, xuống mức 13.838 tỷ đồng. Trong đó, nợ nhóm 5 giảm 502 tỷ đồng, xuống mức 4.727 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu BIDV cũng giảm từ mức 1,62% hồi đầu năm xuống còn 1,49%.
Dư nợ cho vay khách hàng của BIDV tăng 7,2% trong nửa đầu năm, đạt 917.423 tỷ đồng vào cuối quý II/2018.
Cùng theo chiều hướng BIDV, nợ xấu tại một số nhà băng khác có xu hướng giảm. Sacombank cho biết đã thu hồi được hơn 3.600 tỷ đồng nợ xấu trong nửa đầu năm, ghi nhận gần 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trong giai đoạn này. Tuy giảm so với cuối năm 2017, song tỷ lệ nợ xấu Sacombank hiện vẫn còn 3,3% và dự kiến sẽ xuống dưới 3% – mức quy định của NHNN – vào cuối năm 2018.
Nợ xấu giảm, trong khi tổng tín dụng Sacombank 2 quý đầu năm nay đạt hơn 247.000 tỷ đồng, tăng 9,6%, thị phần cho vay tăng lên 3,6% so với mức 3,5% thời điểm đầu năm, cho thấy tín hiệu tích cực của nhà băng này sau tái cơ cấu.
Tại Eximbank, cho vay khách hàng của Eximbank đến 30/6 giảm nhẹ 0,7%, đạt 99.601 tỷ đồng. Đến cuối tháng 6/2018, tổng nợ xấu của Eximbank là 2.216 tỷ đồng, giảm nhẹ 82 tỷ đồng so đầu năm nay. Tỷ lệ nợ xấu giảm nhẹ từ mức 2,27% xuống còn 2,2%, nên chi phí dự phòng rủi ro tín dụng của Eximbank giảm 34%, xuống còn 171 tỷ đồng…
Kể từ khi thành lập tháng 10/2013 – 31/12/2017, Công ty Quản lý tài sản (VAMC) đã mua 26.221 khoản nợ của 16.269 khách hàng tại các tổ chức tín dụng. Tổng dư nợ gốc nội bảng tính đến hết năm 2017 là 307.932 tỷ đồng, giá mua nợ là 277.755 tỷ đồng.
Nhưng sau hơn 4 năm thành lập và được xem như là kho cất giữ nợ xấu cho các ngân hàng, đến nay, VAMC chỉ thu hồi hơn 81.000 tỷ đồng nợ xấu. Năm 2018, VAMC đặt kế hoạch xử lý 140.000 tỷ đồng nợ xấu đã mua, chiếm hơn 45% tổng dư nợ gốc nội bảng (307.932 tỷ đồng).
Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu được ban hành hơn 1 năm, song lãnh đạo không ít nhà băng cho hay, khó khăn vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo vẫn tồn tại.