Trung Quốc muốn tiền tệ của mình đóng vai trò dẫn đầu trong thương mại và tài chính toàn cầu, khi nước này dần mở rộng ảnh hưởng kinh tế. Một trong các thành tựu lớn của họ là năm 2016, đồng NDT chính thức được bổ sung vào Quyền Rút vốn Đặc biệt (SDR) của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cùng các đồng tiền lớn như đôla Mỹ, euro, yen Nhật và bảng Anh.
Tuy nhiên, nó cũng phải trải qua nhiều biến cố, đáng chú ý nhất là năm 2015 – khi giới chức đột ngột hạ giá NDT sau khi đẩy giá đồng tiền này lên cao trong nhiều năm. Việc này đã châm ngòi cho làn sóng bán tháo trên các thị trường tài chính toàn cầu.
Giờ đây, NDT lại đang phải vật lộn với thách thức mới, khi kinh tế Trung Quốc chịu sức ép từ thuế nhập khẩu của Tổng thống Mỹ – Donald Trump. Giới phân tích cho rằng quá trình biến NDT thành tiền tệ toàn của của Trung Quốc có thể đang bị kéo lùi.
“Việc quốc tế hóa đồng NDT có thể tạm thời chậm lại trong nửa cuối năm nay” do chiến tranh thương mại làm gián đoạn quá trình này, Ken Cheung – chiến lược gia ngoại hối cấp cao khu vực châu Á tại Mizuho Bank nhận định.
Căng thẳng thương mại đã phải phơi bày nhiều điểm yếu trong nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc. Những rủi ro, như khả năng vỡ nợ trái phiếu, đã khiến nhà đầu tư nước ngoài lo lắng.
Quan trọng hơn cả, đà giảm giá của NDT đã bắt đầu từ trước đó. Căng thẳng thương mại không phải là lý do duy nhất cho việc này. Trong báo cáo hôm qua, IHS Markit cho biết NDT đã yếu đi so với USD nửa đầu năm, khi lãi suất trái phiếu tại Mỹ tăng lên theo quá trình Fed thắt chặt tiền tệ.
Từ khi đạt đỉnh 6,28 NDT một USD hồi tháng 3, giá tiền tệ này đã giảm hơn 8% so với đôla Mỹ. Trên thị trường quốc tế hôm nay, tỷ giá xoay quanh 6,82 NDT một đôla Mỹ.
Tuy nhiên, việc ông Trump dùng thuế nhập khẩu để khắc phục tình trạng thâm hụt thương mại triền miên với Trung Quốc cũng có tác động phần nào. Kelvin Lau – nhà kinh tế học cấp cao tại Standard Chartered đồng ý với nhận định quá trình quốc tế hóa đồng NDT đang gặp thách thức, khi tiền tệ này yếu đi do “bóng đen” từ thuế nhập khẩu.
“Miễn là căng thẳng hoặc bất ổn trong thương mại Mỹ – Trung tăng lên, giao thương giữa hai nước sẽ đi xuống. Việc đó sẽ kéo lùi quá trình quốc tế hóa NDT, vì đồng tiền này sẽ ít được sử dụng trong các giao dịch thương mại nước ngoài hơn”, ông giải thích.
Dù vậy, Kelvin Lau cũng cho rằng tương lai của NDT khá phức tạp và không thể kết luận chỉ dựa trên tình hình Mỹ – Trung. “Trung Quốc có rất nhiều cách mở cửa nền kinh tế, như tự do hóa thị trường cổ phiếu, trái phiếu, hoặc giảm rào cản thương mại”, ông nói, “Tôi nghĩ rằng Trung Quốc vẫn đang bám sát mục tiêu tăng tiêu dùng nội địa, thu hút hàng nhập khẩu, mở cửa lĩnh vực tài chính trong nước cho thế giới”.