Bột giấy Phương Nam: Ngổn ngang đống nợ
Dự án nhà máy bột giấy Phương Nam do Công ty TNHH một thành viên Phát triển công nghiệp và Vận tải (Tracodi) làm chủ đầu tư được khởi công năm 2004, tuy nhiên đến tháng 6/2008 thì dừng thi công do thiếu vốn.
Tháng 6/2009, dự án được chuyển giao từ Tracodi sang Tổng công ty Giấy Việt Nam. Sau khi tiếp nhận, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã tiến hành lập báo cáo điều chỉnh tăng vốn lên 3.409,9 tỷ đồng.
Sau đó, Tổng công ty Giấy Việt Nam đã đưa dây chuyền vào chạy thử. Tuy nhiên, khi chạy thử, dây chuyền gặp sự cố, do đó, từ tháng 10/2012 đến nay, dự án dừng hoạt động.
Theo báo cáo, tính đến ngày 31/12/2015, tổng chi phí đầu tư vào dự án là 2.636 tỷ đồng, tính đến cuối năm 2016, tính cả lãi suất phải trả, tổng nợ phải trả lên tới 2.695 tỷ đồng.
Trên thực tế, dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam (Vinapaco) đã không trả được nợ ngay từ kỳ đầu tiên và quỹ tích lũy trả nợ đã phải ứng cho dự án vay từ năm 2008 đến nay.
Tính đến cuối tháng 3/2017, Quỹ đã ứng cho Vinapaco vay để trả nợ khoản vay nước ngoài có bảo lãnh chính phủ vào khoảng hơn 75 triêu EUR, gồm cả tiền gốc, lãi và các khoản chi phí khác. Phía Tổng công ty Giấy đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính ứng vốn để được trả các khoản vay gốc, lãi cho tổ chức tín dụng. Căn cứ trên đề nghị này, đầu tháng 5/2018, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị Thủ tướng xem xét cho phép cơ quan này được ứng trả thay các khoản nợ đến hạn.
Bộ Công Thương cũng cho rằng khả năng trả nợ và phương án trả nợ đối với các khoản vay của Bột giấy Phương Nam hiện cực kỳ khó khăn. Thêm nữa, việc trả nợ này cũng chỉ có thể thực hiện được khi việc bán đấu giá toàn bộ dự án này hoàn thành theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng.
Đối tác thi công nhà máy khởi kiện
Đầu tháng 7/2007, công ty mẹ của Bột giấy Phương Nam khi ấy là Tracodi đã ký hợp đồng với Liên danh Công ty CP Đầu tư Xây dựng và Thương mại Dịch vụ Constrexim thực hiện gói thầy xây lắp khu sản xuất chính của dự án.
Tại thời điểm ấy, đã có yêu cầu chủ đầu tư – Tổng Công ty Giấy Việt Nam, nhà thầu – Constrexim Holdings bằng mọi biện pháp tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ thi công các hạng mục công trình được giao và hoàn thành đúng các cam kết về tiến độ. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành chạy thử, nhà máy liên tục gặp sự cố dẫn đến việc phải dừng hoạt động vào năm 2012.
Đầu tháng 1/2014, phía doanh nghiệp mẹ Tổng công ty Giấy Việt Nam và Constrexim tiến hành đối chiếu công nợ, tuy nhiên, do nguồn tiền đầu tư trực tiếp của dự án bị ngừng giải ngân dẫn đến việc thanh toán cho nhà thầu thi công đã không thực hiện được. Cho đến tháng 4/2015, phía Constrexim nộp đơn khởi kiện ra toà yêu cầu phải trả tiền nợ cả gốc lẫn lãi trả chậm và đòi bồi thường thiệt hại hợp đồng.
Vụ kiện đã đi qua hai vòng sơ thẩm và phúc thẩm, với số tiền mà phía Constrexim đòi phải thanh toán và Tổng công ty Giấy Việt Nam bị cưỡng chế để thi hành án với số tiền vào khoảng 23,5 tỷ đồng.